2/9/08

Báo chí và doanh nghiệp: Cầu cạnh hay cầu nối!

Báo chí và doanh nghiệp: Cầu cạnh hay cầu nối!

[24/06/2008 - minhlq - Vietnam Journalism]


“Kính nhi viễn chi”, cần nhưng khó chịu, thậm chí đôi khi ghét nhau cay đắng…đến bao giờ quan hệ giữa báo giới và doanh nghiệp mới thực sự hết cảnh bằng mặt, không bằng lòng.


Nỗi niềm “xả rác”

“Ám ảnh” - đó là từ được các biên tập viên, thư ký tòa soạn các báo nhắc nhiều nhất khi nói về bản thông cáo báo chí (TCBC) từ các doanh nghiệp chuyển tới tòa soạn qua các kênh khác nhau. Anh Đ., thư ký toà soạn nhật báo trong nhóm có số lượng phát hành lớn nhất cả nước cho biết, đại đa số TCBC gửi tới đều nhằm đánh bóng tên tuổi, sản phẩm của công ty, “toàn những thông tin chẳng hữu ích gì cho bạn đọc”- anh nhận xét thêm, “những thông tin đó mà đưa lên mặt báo chỉ khiến bạn đọc.. chửi. Thực tâm có muốn hỗ trợ cũng không thể ”.

Nhiều phóng viên kinh tế cho biết thêm, khổ nhất là tiếp xúc với nhân viên PR “tay mơ” của các doanh nghiệp tư duy theo kiểu đưa “phong bì” là được đăng tin. “Các em PR này hồn nhiên nghĩ thông tin của doanh nghiệp mình giống như thánh chỉ, kiểu gì các báo cũng phải đăng. Không đăng thì đổ tại phóng viên khó khăn hay đòi hỏi phong bì nặng hơn. Họ không chịu hiểu, chỉ cần đó là thông tin hữu ích cho bạn đọc và đáng tin cậy thì không cần nhờ vả hay phong bì chúng tôi cũng đưa tin!”. Phóng viên Tri Anh, báo Tuổi Trẻ nói.

Ngược lại, những thông tin mà các tòa soạn cần khai thác để có tiếng nói khách quan nhất thì lại thường xuyên bị các doanh nghiệp “né”. Anh Minh Đức, nhà báo chuyên trách mảng tranh chấp lao động gần hai chục năm cho biết, “nhất là khi xảy ra tranh chấp lao động, thay vì thông tin cho báo chí chính xác để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cả hai bên thì chủ doanh nghiệp lại coi báo chí như đối tượng bới móc, nói xấu, thậm chí là tác nhân kích động tranh chấp tại doanh nghiệp”. Kết quả là anh và các đồng nghiệp luôn tự tìm kiếm câu trả lời qua các kênh khác nhau để tránh thông tin một chiều. Dĩ nhiên, sẽ có những câu trả lời không thực sự có lợi cho doanh nghiệp. “Đó là do doanh nghiệp đã tự từ bỏ quyền được thông tin của họ,” anh Đức nhận xét.

Muôn mặt với … nhà báo

Đã quá quen thuộc với việc phải o bế các nhà báo hay phóng viên trước mỗi sự kiện dù lớn hay nhỏ của công ty, chị B. - giám đốc đối ngoại của một công ty kinh doanh hàng tiêu dùng tại TP.HCM thường có cảm giác bế tắc khi phải làm việc với các anh chị có cái mác “nhà báo”.

Các sự kiện của công ty, hay những sự cố nhỏ như hàng hoá do chậm trễ tại khâu giao nhận chưa thể giao cho các đối tác bán lẻ; hay chuyện một thành viên hội đồng quản trị tình cờ có mặt tại một quán bar có tiếng trong thành phố về “em út” … tất cả đều được “nhà báo” đưa tin một cách “tận tình” nhất.

Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chỉ có thể có dựa trên sự thông hiểu, tôn trọng lẫn nhau.
“Nghề nào cũng cần có ĐỨC hay ĐẠO nghề” - anh Thanh T., chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn đầu tư lên tiếng khi được hỏi về quan hệ của công ty anh với báo giới. Là chủ doanh nghiệp tại một đất nước đang có nhiều biến động về kinh tế, bản thân anh cũng như nhiều thành viên hội đồng quản trị khác đang phải bươn trải để lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua muôn vàn khó khăn. Nhiều lúc anh không biết phải trông chờ sự thông cảm của báo giới đến chừng mực nào nữa. Không ít lần, chuyện riêng của một nhân sự chủ chốt tại công ty bị biến thành “sự kiện” trên mặt báo - anh T. ngậm ngùi - ngòi bút đúng là vũ khí, có thể xây dựng một nhân vật điển hình, và cũng có thể giết chết một doanh nghiệp. “Vì thế, doanh nghiệp luôn phải đứng ở tư thế cầu cạnh đối với các nhà báo,” anh T. thở dài.

“Mệt nhất là khi cơ quan báo chí nào đó đứng ra tổ chức sự kiện vận động doanh nghiệp tài trợ hoặc kêu gọi làm từ thiện mà không rõ ràng,” chủ tịch một hiệp hội ngành bày tỏ, “thậm chí đó là tờ báo mình chưa từng thấy xuất hiện trên thị trường bao giờ. Không hỗ trợ thì cũng không được mà ủng hộ thì không thoải mái”. Không ít lần ông và các doanh nghiệp trong hiệp hội phải bỏ tiền ủng hộ cho những chương trình không được tổ chức hoặc không mang lại hiệu quả từ thiện nào cho xã hội.

Đại diện công ty truyền thông cho một tập đoàn điện tử - viễn thông còn thẳng thừng cho biết, để có thể đưa các thông tin mà tập đoàn cần quảng bá cũng như có thể xử lý nhanh các sự cố, khủng hoảng bất ngờ xảy ra, công ty chấp nhận trả lương tháng cho một nhóm nhà báo để có thể tác động nhanh nhất khi cần thiết. “Dĩ nhiên là đừng bao giờ để mấy vị này phật lòng, sẽ không hay chút nào và dễ phát sinh hậu quả không kiểm soát được,” anh này cho biết.

Để là cầu nối hiệu quả

Rõ ràng là có những lý do từ hai phía để mối quan hệ giữa nhà báo – doanh nghiệp luôn bất ổn. Thay vì là cầu nối đưa các doanh nghiệp tới với bạn đọc hoặc đại diện cho dư luận để bảo vệ quyền lợi của bạn đọc thì báo chí nhiều lúc đã bị biến thành nơi doanh nghiệp phải cầu cạnh để có được điều mình mong muốn.

Ông Huỳnh Dũng Nhân, Tổng Biên tập tạp chí Nghề Báo TP.HCM cho rằng: “Phải có sự tôn trọng, biết lắng nghe và hợp tác với nhau thì mối quan hệ này mới hiệu quả”. Theo ông Nhân, không phải lúc nào báo chí cũng “chĩa mũi dùi” vào doanh nghiệp một cách dò xét, bới móc mà luôn nhìn rất thiện cảm. Chỉ khi nào doanh nghiệp coi và sử dụng báo chí như một công cụ để tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc vì lợi nhuận thuần tuý mà tìm cách làm ăn thiếu trung thực thì báo chí mới phản ứng gay gắt để bảo vệ bạn đọc. “Đó là trách nhiệm của người làm báo,” ông Nhân nói.

Còn theo Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ của VCCI thì cần phải để báo chí hiểu đúng về việc doanh nghiệp đang làm. Doanh nghiệp không nên né tránh báo chí mà cần chủ động thông tin cho báo chí. Thậm chí phải thường xuyên thông tin, sẵn sàng hợp tác với báo chí ngay cả khi xảy ra cố. Có như vậy, mới tránh được tình trạng đưa thông tin không đúng, lệch lạc về doanh nghiệp hoặc sự kiện. Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chỉ có thể có trên sự thông hiểu lẫn nhau.

(Doanh Nhân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét