22/5/09

Giá sữa ở Việt Nam đắt nhất thế giới, vì sao?

Giá sữa trong nước đang diễn tiến theo chiều ngược với thị trường thế giới. Các nhà sản xuất và cung ứng không có sự cạnh tranh giảm giá nào, và định giá sữa dựa trên nhận thức của người tiêu dùng

Các bậc phụ huynh phải chấp nhận mua sữa với giá cao, một phần do tin rằng sữa làm con em mình thông thái hơn (?).

Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan. Đó là thông tin từ hội thảo về chất lượng sữa do hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Hội đang đề nghị đưa sản phẩm sữa vào danh mục các mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, kiểm soát giá.

Giá thế giới giảm, giá trong nước tăng

Sự bất hợp lý trong tiêu dùng sữa của thị trường Việt Nam thể hiện ở chỗ người tiêu dùng phải trả số tiền lớn hơn để mua sữa trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam lại thấp so với thế giới. Theo ông Hồ Tất Thắng, phó chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, giá sữa ở trong nước liên tục tăng, trong khi thuế và giá sữa thế giới lại giảm. Ghi nhận từ thị trường, vào lúc cao điểm giá sữa nguyên liệu lên đến trên 5.000USD/tấn (từ giữa đến cuối qúi 3.2008), người tiêu dùng đã phải chịu mua sữa giá cao gọi là để chia sẻ khó khăn (về đầu vào) với doanh nghiệp. Khi giá sữa nguyên liệu giảm từ các tháng cuối 2008 đến nay, các nhãn sữa trên thị trường cũng không giảm giá, mà lại tiếp tục tăng! Hiện nay, giá sữa trên thị trường thế giới ở đã giảm hơn 40% so với cao điểm. Một thuận lợi khác cho sữa nhập khẩu, là chính phủ đã giảm thuế từ 30% xuống còn 7%. Nhưng giá bán sữa cứ tăng!

Ngay cả sữa tươi dùng nguyên liệu trong nước, người tiêu dùng cũng gánh chịu giá cao. Như 1 lít sữa tươi 100% nguyên chất (làm từ sữa bò của nông dân), giá bán lẻ của các công ty sữa có thể lên đến 23.400-23.610 đồng, gấp gần 4 lần so với giá mua của nông dân chỉ khoảng 6.500- 7.000 đồng.

Giá một kg sữa đạt chuẩn về hạm lượng đạm, béo, đường và có bổ sung đầy đủ các khoáng chất, vitamin, DHA, Prebiotic… theo tiêu chuẩn của FAO/ WHO không quá 70.000đ. Nếu cộng thêm bao bì khoảng 7.000 - 8.000đ/lon thiếc, các khoản thuế và chi phí khác cho kinh doanh thì bán trên 100.000đ/kg là các công ty đã có lãi.

Theo mức giá trên thị trường hiện nay mà một công ty sản xuất sữa vừa mua hàng vào đầu tháng 3.2009, giá sữa nguyên liệu đạt chuẩn nhập từ các nhà cung cấp bán cho các tập đoàn toàn cầu vào khoảng 55.000đ/kg (đã có thuế). Trong các chất bổ sung, mắc nhất là DHA khoảng 80USD/kg, calcium khoảng 7 USD/kg, vitamine tổng hợp (6- 10USD/kg)… Tính trên giá thành, mỗi kg sữa có bổ sung tối đa các thành phần theo công thức tốt nhất mà các hãng sữa nêu, thậm chí có bổ sung DHA đến 4-5 lần, thì giá cũng chỉ vào khoảng 70.000đ/kg (bổ sung DHA lên gấp 4 lần, giá chỉ có thể tăng thêm khoảng 4.000đ/kg sữa bột).

Thế nhưng hiện nay người tiêu dùng phải trả từ 143.000 - 165.000đ/kg cho sữa sản xuất trong nước và từ 305.000 - 425.000đ/kg cho sữa nhập khẩu "cao cấp" để mua niềm tin vào sự ảo tưởng bé sẽ khoẻ hơn, sẽ cao hơn, sẽ ít bệnh hơn…

Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc công ty Hancofood, chi phí xăng dầu tăng làm đội chi phí một chuyến xe tải chở hàng chỉ khoảng 10%, tức mỗi thùng sữa 24 lon chỉ tăng thêm khoảng 2.000 đồng. Với mức lợi nhuận bình quân là 30%, còn sữa “hiệu”, sữa “cao cấp” lên đến trên 60%, áp lực chi phí tăng giá xăng dầu, bao bì chỉ tác động rất nhỏ đối với nhà sản xuất sữa.

Càng tiếp thị, sữa càng đắt

Có 3 phân khúc thị trường sữa: giá trung bình, giá ở mức khá và giá cao cấp. Ba phân khúc này chia người tiêu dùng thành những nhóm tiêu thụ khác nhau, bao gồm: nhóm trung bình chuyên tiêu dùng các nhãn hiệu như Dutch Lady thường, Nestlé, Dielac, Nuti…; nhóm khá: Friso, Abbott IQ, Enfa thường…; và nhóm thu nhập cao: Friso Gold, Dumex Gold, GainPlus, Enfa Gold A++...

Sự khác biệt giữa dòng sữa trung bình với khá là sữa có tăng cường thêm một số thành phần bổ sung như DHA, ARA, Taurin, Cholin…Dòng sữa cao cấp thể hiện khác với dòng sữa dành cho thu nhập khá ở chữ Gold, ở các A++… với các thành phần bổ sung có nhiều chất hơn, hàm lượng các chất tăng cao hơn.

Về phương diện tiếp thị, ông Trần Hữu Đức, phụ trách đối ngoại công ty Nutifood nhìn nhận: sữa ngoại tạo được nét khác biệt cho sản phẩm để làm PR, tiếp thị mà các hãng sữa Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Chẳng hạn các nhãn hiệu sữa ngoại thường tổ chức các quảng cáo, hội thảo khoa học với sự có mặt của các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ Việt Nam và thế giới, tạo tâm lý tác động đến phụ huynh - người tiêu dùng. Và niềm tin vào sự thông minh của con em khi dùng sữa cao cấp đã thuyết phục các bậc cha mẹ dốc túi chi tiêu, góp phần làm giá sữa tại Việt Nam... cao nhất thế giới.

"Làm giá" sữa từ nhận thức của người tiêu dùng

Sữa ở Việt Nam có giá đắt không chỉ do Việt Nam phải nhập nguyên liệu, và do biến động tỉ giá USD làm tăng giá sữa, mà nguyên nhân chính là thị trường đang bị các nhãn sữa ngoại chiếm thị phần áp đảo. Số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường ước tính, thị trường sữa bột Việt Nam năm 2008 có qui mô khoảng 8.000 tỉ đồng, nhưng trong đó 7.000 tỉ thuộc về các nhãn hiệu ngoại nhập và công ty nước ngoài. Trong 20% thị phần ít ỏi còn lại, Vinamilk chiếm 15%, các nhà sản xuất sữa khác của Việt Nam chiếm 5%. Sữa đang nằm trong nhóm tiêu dùng thiết yếu, lượng tiêu thụ trong giai đoạn sức mua giảm toàn thị trường vẫn đạt tăng trưởng từ 8 - 12% (đo qua kênh siêu thị).

Các nhà kinh doanh sữa ở Việt Nam chưa hề có cuộc cạnh tranh kéo giá xuống để mang lại lợi ích cho người mua. Phân tích kỹ về cách kinh doanh của các hãng sữa, có thể thấy hầu hết đều chạy theo cuộc đua cạnh tranh về thương hiệu bằng cách thêm chất này, chất kia vào sữa để lôi kéo người tiêu dùng chạy theo. Chẳng hạn như sữa D vừa tung ra loại chứa 28 vitamin, sữa N tung ra loại 32 vitamin, và mới đây sữa X tung ra loại 54 vitamin. Tương tự, DHA của hãng M tăng gấp 4 lần, lập tức DHA trong sữa của D tăng đến 5 lần…

Ông Trần Bảo Minh, phó tổng giám đốc công ty Vinamilk phát biểu: "Chiến lược giá của sản phẩm sữa hiện nay không theo công thức giá bán = giá thành sản xuất + chi phí phân phối + chi phí kinh doanh khác…, mà giá sữa được định theo từng nhóm đẳng cấp, các hãng sữa đo nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu để định ra giá bán. Xu hướng chung là sữa càng mắc, càng cao cấp thì càng dễ làm thương hiệu để bán.”

Theo ông Trần Ngọc Dũng, chuyên viên nghiên cứu thị trường của công ty nghiên cứu thị trường FTA, các phân tích và nghiên cứu thói quen tiêu dùng tại Việt Nam trong năm 2007- 2008 cho thấy: các bà mẹ dù thuộc loại thu nhập nào cũng đều có khuynh hướng chọn sữa đắt tiền được quảng cáo có bổ sung nhiều dưỡng chất bổ sung cho con, vì họ tin sữa đắt tiền sẽ giúp con họ thông minh, khỏe mạnh.

Nghiên cứu của FTA chỉ ra rằng, tuy tất cả các nguyên liệu sữa của các nhãn hiệu sữa dành cho trẻ em đang bán ở Việt Nam đều nhập khẩu từ các nguồn New Zealand, Úc, Hà Lan…với thành phần trong sữa gần như nhau, chất lượng thực sự giữa các nhãn hiệu sữa - thông qua thành phần được ghi trên bao bì - gần như tương đương, nhưng khoảng cách giá giữa sản phẩm sữa "cao cấp" với sản phẩm giá thấp cách xa nhau rất nhiều. Chính chất lượng mà người tiêu dùng “cảm nhận” thông qua bao bì, thương hiệu, quảng cáo và giá cả đã góp phần tạo nên khoảng cách lớn đó.
Giá sữa nguyên liệu thế giới ngày càng giảm

Đơn vị: đồng/kg, lấy giá sữa của châu Đại dương (tập đoàn Fonterra)

Thời gian
Tháng 1.2008 Tháng 4.2008 Tháng 7.2008 Tháng 12.2008 Tháng 3.2009
76.824 73.346 73.284 35.274 36.972

(Nguồn: Bloomberg)

B.Thảo

Paul Krugman: Điều tệ nhất có thể đã qua, nhưng hồi phục mất nhiều năm

Paul Krugman, nhà kinh tế đọat giải Nobel năm 2008, mới chỉ có mặt ở Việt Nam hơn 24 tiếng. Ông hầu như chưa nhìn thấy gì nhiều về Việt Nam, ngoài khách sạn Sheraton và phòng họp với gần 500 cử tọa, những người muốn nghe phân tích của ông về viễn cảnh kinh tế thế giới, những thay đổi mà suy thoái kinh tế đem lại cho mô hình tài chính, thương mại toàn cầu, và nhận định về Việt Nam. Krugman thẳng thắn nói rằng, ngay cả trong cuộc gặp đại diện chính phủ vào thứ sáu (22.5), ông sẽ đóng vai trò nhà báo, tìm hiểu tình hình hơn là đưa ra lời khuyên.

Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008, thuyết trình tại hội thảo quốc tế "Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng" do bộ Ngoại giao và tổ chức giáo dục PACE tổ chức trong ngày 21.5.2009 tại KS Sheraton, TP.HCM, thu hút trên 500 khán thính giả gồm doanh nhân ,nhà ngoại giao, đại diện lãnh sự các nước Anh, Mỹ, Úc ... (Ảnh: Lê Quang Nhật)

Giai đoạn tồi tệ nhất đã qua

Đánh giá về tình hình kinh tế Mỹ và thế giới, ông Krugman cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua, nhưng hồi phục sẽ dài lâu, có thể mất ít nhất 5 năm. Tin xấu vẫn đầy rẫy, nhưng ít nhất tình hình ít xấu hơn, tốc độ suy giảm của các chỉ số kinh tế cũng chậm lại. Ở Mỹ, số liệu thất nghiệp tuy vẫn rất cao ở mức trên 500 ngàn người trong tháng gần nhất, nhưng đã thấp hơn mức trên 700 ngàn người của tháng trước đó. Những số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu của một số nước, trong đó có Trung Quốc, tăng nhẹ. “Tất cả cho thấy tình hình vẫn đang xấu đi nhưng tốc độ xấu đi đã chậm lại…. Tôi không nghĩlà chúng ta đang đối mặt với cuộc Đại suy thoái lần thứ hai.”

Không có nghĩa là thế giới sẽ chứng kiến một cuộc hồi phục nhanh chóng. Có rất ít dấu hiệu hồi phục, ở Mỹ cũng như những nền kinh tế lớn khác. Thế giới vẫn phải chịu đựng một đợt trì trệ “khổng lồ” từ cuộc khủng hỏang tài chính bắt đầu từ Mỹ. Ông Krugman cảnh báo về khả năng nước Mỹ đối mặt với tình trạng “một thập niên bị đánh mất của Nhật.” Nền kinh tế Nhật, sau khủng hoảng đầu thập niên 80, phải chịu đựng khoảng 10 năm gần như không có tăng trưởng. Hiện nay, tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ bắt đầu tăng. “Mọi người đều muốn tiêu ít hơn và dành dụm nhiều hơn” ông nói. Mặt trái của tình hình này là thiếu chi tiêu và đầu tư, thế giới sẽ tiếp tục trì trệ và không có lối thoát. Ông Krugman bày tỏ lo lắng về giảm phát nhiều hơn là lạm phát ở nước Mỹ. Lý do là ngân hàng đang dự trữ rất nhiều và không cho vay được. Tiền đang ngồi một chỗ, một phần vì thế giới vẫn đang thừa công suất, trong khi ít chi tiêu hơn, nên không có nhu cầu đầu tư hơn vào thời điểm này. Ông cho rằng giá trị đồng đô la Mỹ chắc chắn sẽ giảm khi tình hình kinh tế khả quan hơn, nhưng nước Mỹ cũng vẫn sẽ đối mặt với trì trệ, và điều này sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới.

Thay đổi

Ông Krugman cho rằng đây là lúc những nước quá lệ thuộc vào thặng dư mậu dịch như Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Trung Quốc đã ghìm giá đồng nhân dân tệ từ lâu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Nước Mỹ, hàng năm thường tìm ra những nước cố tình điều khiển tiền tệ để áp dụng các biện pháp cấm vận, đã không dám làm thế với Trung Quốc vì ngại chiến tranh thương mại. Nhưng Krugman nói thẳng rằng, điều này không thể tiếp diễn mãi được

Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008.(Ảnh: Lê Quang Nhật)

Tuy vậy, Krugman tiếp tục ủng hộ tự do mậu dịch và toàn cầu hóa. Ông cho rằng xuất khẩu đã giúp các nước đang phát triển như Việt Nam và tiếp tục là sự lựa chọn tốt nhất. “Điều không còn dễ dàng tồn tại là thặng dư xuất khẩu quá lớn. Ngòai ra không có lý do nào để tin rằng mô hình xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng không còn ứng dụng được nữa.”

Krugman nhấn mạnh một trong những quan điểm chính mà ông liên tục đưa ra trong các bài báo của mình: Lĩnh vực tài chính cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều, để tránh những thảm họa như đã xảy ra với cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi. “Bất cứ những gì phải giải cứu trong giai đoạn khủng hoảng đều cần phải được điều chỉnh,” ông nói. Tình trạng đòn bẩy quá đà đặt ra yêu cầu phải có những quy định cụ thể về vốn. Các ngân hàng truyền thống không nên được phép tham gia vào quá nhiều loại kinh doanh khác nhau khó kiểm soát. Ngoài ra, việc điều chỉnh trong lĩnh vực tài chính phải được quốc tế hóa để tránh tình trạng giống như “thiên đàng thuế” ở Cayman, Virgin Islands… khi các công ty đổ xô đăng ký ở những nơi họ không bị kiểm soát.

Krugman cho biết ông hoàn toàn không có ý cho rằng mọi lĩnh vực kinh doanh phải được điều chỉnh giống như mô hình “kế hoạch hóa tập trung” của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Ông cho rằng nhu cầu điều chỉnh chủ yếu nhắm vào lĩnh vực tài chính, là lĩnh vực hết sức trọng yếu đối với sức khỏe của nền kinh tế.

Việt Nam

Không ít câu hỏi được đặt ra cho ông Krugman về khả năng lạm phát của Việt Nam nếu chính phủ bị sức ép kích cầu và in tiền quá nhiều. Ông Krugman nói ngay rằng in tiền không phải là giải pháp. Ông cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chọn giải pháp vay, nhất là trong khi dự trữ tiền trên thế giới đang tăng như hiện nay. “Không nhất thiết phải in tiền, mà có thể vay tiền và sử dụng tiền vay một cách hiệu quả.” Ông cho rằng Mỹ đang vay nợ quá nhiều nên không có chỗ để sử dụng lựa chọn này. Nhưng khi biết rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam đang khá lớn, ông thừa nhận rằng như vậy Việt Nam không có nhiều lựa chọn lắm. “Không có câu trả lời dễ dàng cho tình huống này.”

Lan Anh

Quốc hội, bauxite Tây Nguyên và lòng dân

Công trường bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. Ảnh: Trần Đức Tài

SGTT - Không rõ, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, ông Trần Đình Đàn, dựa trên cơ sở nào để nói rằng: “Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite”. Ở thời điểm ông Đàn tuyên bố, 18.5.2009, Quốc hội vẫn chưa khai mạc, Chính phủ chưa báo cáo và các đại biểu chưa thảo luận. Hơn hai tuần trước, ngày 4.5, khi tiếp xúc cử tri tại phường Giảng Võ, chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng nói, Chính phủ sẽ dành “một phần trong Báo cáo về kinh tế xã hội” để đánh giá về bauxite. Để rồi, chiều 14.5, khi “Kết luận phiên họp UBTVQH” ông đã phải yêu cầu Chính phủ “chuẩn bị một báo cáo chuyên đề riêng về chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên”.

Như vậy, mặc dù Thủ tướng đã giao cho một số bộ, ngành đưa “bauxite Tây Nguyên” vào báo cáo chung. Và, khi nói với cử tri, có thể cá nhân chủ tịch Quốc hội cũng ủng hộ Thủ tướng cách làm này. Nhưng, ông vẫn phải kết luận như trên sau khi “một số đoàn đại biểu và các cơ quan của Quốc hội muốn có một báo cáo riêng về bauxite”.

Khác với những cơ quan nhà nước khác, “Quốc hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số” (điều 4, luật Tổ chức Quốc hội). Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và ngay cả chủ tịch Quốc hội cũng chỉ có mỗi người một phiếu và không ai có thể phát ngôn thay cho 493 đại biểu của dân. Trước đây, chủ tịch Nông Đức Mạnh đã thể hiện vai trò này một cách thành công khi ông, thay vì “kết luận” các phiên họp của uỷ ban Thường vụ hay của Quốc hội, đã tóm tắt các ý kiến thảo luận rồi “xin ý kiến”.

Trong bộ máy Nhà nước, có những thiết chế cần những cá nhân quyết đoán để ra mệnh lệnh, có những thiết chế cần sự dẫn dắt để ý kiến đa số có điều kiện hình thành. Cũng là một con người nhưng khi nhận lãnh “vai” nào thì phải hành xử đúng như những quy định về “vai” ấy đã được ghi trong Hiến pháp.

Có lẽ, vì Quốc hội có hơn 90% đảng viên nên ông Trần Đình Đàn tin “chắc chắn là Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ” sau khi nhấn mạnh khai thác bauxite đã thành “chủ trương của Đảng” và có “kết luận của bộ Chính trị”. Chưa nói về nguyên tắc “Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện làm thay”, cách hiểu “Kết luận của bộ Chính trị” của một số tổ chức và cá nhân thời gian qua cho thấy cũng rất cần “quán triệt”.

“Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite”. Ở thời điểm ông Đàn, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, tuyên bố, 18.5.2009, Quốc hội vẫn chưa khai mạc, Chính phủ chưa báo cáo và các đại biểu chưa thảo luận

Bộ Chính trị nhấn mạnh “chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết” vì có rất nhiều lao động phổ thông Trung Quốc xuất hiện trên công trình Tân Rai. Bộ Chính trị yêu cầu “lựa chọn công nghệ hiện đại” vì có nhiều băn khoăn về loại công nghệ đang được đưa vào Tây Nguyên; vì, nói là “thí điểm” mà cả hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai đều chỉ sử dụng một nhà thầu là tập đoàn Chalco của Trung Quốc với cùng công nghệ.

Bộ Chính trị kết luận: “Riêng dự án Nhân Cơ, phải rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường” là để khẳng định: “Nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”, chứ không phải là đương nhiên triển khai thực hiện. Khi bộ Chính trị yêu cầu: “Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị báo cáo với ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội”, là không chỉ muốn cung cấp thông tin mà còn đòi hỏi các cơ quan này phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát.

Trong buổi tiếp xúc cử tri hôm 4.5, chủ tịch Quốc hội cũng thừa nhận, “không chỉ cử tri Hà Nội mà trong chuyến đi công tác nước ngoài vừa qua, rất nhiều kiều bào cũng quan tâm đến việc Quốc hội phải giám sát dự án bauxite Tây Nguyên”. Không riêng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nghe được đòi hỏi ấy của người dân Việt Nam, các đại biểu Quốc hội về Hà Nội trong kỳ họp này chắc chắn cũng đã được cử tri của mình gửi gắm. Với những chủ trương liên quan không những tới môi trường mà còn là “an ninh quốc gia” như khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì vấn đề không chỉ là “quy mô, tầm cỡ của dự án” ở mức một tỉ hay “600 triệu đô la” mà là “lòng dân” mới là yếu tố quan trọng nhất để Quốc hội đặt lên bàn nghị sự.

Huy Đức

Sống chung với hàng Trung Quốc?

SGTT - Trung Quốc là nhà máy của toàn thế giới và hàng Trung Quốc có mặt khắp các châu lục. Chúng ta chắc chắn sẽ còn sống chung với hàng Trung Quốc và việc hợp tác kinh tế với họ, qua lại với họ về sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là điều không thể tránh khỏi. Song đó là một chiến lược lớn cần đề cập căn cơ, quan niệm tỉnh táo và có tầm nhìn, định hướng lâu dài, hai bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng nhau chứ không được áp đặt, lấn lướt giành phần khôn, phần lợi về mình.

Một chiến lược giao thương và hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong tình hình mới hiện nay cần được bàn luận trong toàn dân để Nhà nước trên cơ sở đó mà có quyết sách hợp lòng dân. Khi có quyết sách hợp lòng dân thì Nhà nước ta mới đủ sức mạnh đàm phán và làm ăn với anh bạn lớn, đủ sức đương đầu vượt qua những lá lay, lấn lướt thường thấy lâu nay.

Riêng về vấn đề “nhà nhà đánh hàng, bán hàng Trung Quốc” hiện đang xảy ra thì theo tôi có hai biện pháp cần quan tâm sớm:

1. Doanh nghiệp Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam cần có đầy đủ thông tin về đối sách Trung Quốc đang sử dụng cho thị trường Việt Nam, về chiến lược lâu dài cũng như các sách lược, các chiêu thức, kỹ xảo của Trung Quốc đang áp dụng cho Việt Nam.

Họ có đội ngũ nghiên cứu giỏi, được trang cấp mọi phương tiện và có nhiều kênh thông tin cấp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp. Một công ty dệt may vừa đi mua nguyên phụ liệu ở Trung Quốc kể rằng đã bị nhiều nhà bán lẻ Trung Quốc chặn hỏi, phải chăng Nhà nước Việt Nam đang có chiến dịch đưa hàng dệt may Việt Nam về tranh chỗ của hàng dệt may Trung Quốc ở nông thôn Việt?

Trung Quốc hiện tiến hành một cuộc xâm nhập có tính chất toàn diện đối với Việt Nam (kinh tế, chính trị, đầu tư, thương mại, xã hội, văn hoá…) và những chính sách, biện pháp cụ thể là gì? Nhiều điều khoản bất công trong giao thương với đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam đã được chính báo chí Trung Quốc bức xúc công khai nhưng các thông tin này hoàn toàn bị bưng bít đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Các cơ quan chức năng Việt Nam có nắm rõ không các điều khoản bất công này để tư vấn cho doanh nghiệp mình?

Khi nhiều hãng buôn Trung Quốc đồng loạt mở mặt trận tuyên truyền về mọi sự thuận lợi, dễ dàng, hiệu quả để buôn hàng Trung Quốc thì thông tin về những cú lừa đảo hàng chục tỉ đồng của giới thương buôn Trung Quốc với mặt hàng nguyên liệu may mặc, điện tử làm điêu đứng các siêu thị tên tuổi của Việt Nam, các công ty dệt may lớn của Việt Nam lại bị che giấu kỹ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập máy móc Trung Quốc, nhập nhầm rác thải công nghệ, thiết bị lạc hậu đành ôm hận trùm mền, và các sự việc này không được thông tin khiến nhiều công ty khác tiếp tục vướng bẫy. Nhiều nhà buôn Việt Nam nhắm mắt tiếp tục nhập khẩu hàng hoá của những hãng Trung Quốc bị cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm đã không được thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng Việt Nam, đến đỗi báo chí Trung Quốc phải lên tiếng về những sự bất công, mập mờ mưu lợi bất chính của doanh nghiệp Trung Quốc với các đối tác nước ngoài.

2. Giành lấy chủ quyền thương mại trên thị trường đất nước mình.

Báo chí cần nêu đích danh những cơ quan chức năng nào “nối giáo” cho kẻ ngang nhiên gian lận thương mại, ăn cắp thị trường và thị phần của doanh nghiệp Việt Nam

Vào thời buổi Nhà nước Trung Quốc hô hào các nhà kinh doanh Trung Quốc phải quan tâm hơn tới thị trường nội địa của họ, cũng như các quốc gia khác đều phải chú trọng tăng cầu nội địa để đối phó khủng hoảng, thì không thể chấp nhận những chiêu thức gian lận thương mại, không chính đáng, không hợp pháp để hàng Trung Quốc giành lấy phần của hàng Việt Nam trên thị trường Việt Nam. Họ đang ra sức đẩy hàng dội khẩu sang các nước lân cận, họ chẳng giấu giếm gì và ta cũng biết thừa. Nhưng cùng với việc gia tăng các hàng rào kỹ thuật đối với hàng Việt Nam, gây khó khăn đủ điều cho việc nhập hàng Việt Nam thì họ khuyến khích, dung túng mọi hình thức đi buôn hàng Trung Quốc không đóng thuế, không chính ngạch, chuyển ngân cũng không đóng thuế.

Khi họ công bố cấm tàu đánh cá Việt Nam đánh cá trên vùng biển của Việt Nam, sao họ có thể đẩy hàng lậu và hàng giả ồ ạt sang ta? Tất nhiên muốn hàng lậu và hàng giả ngon trớn vào Việt Nam thì phải có sự hợp lực của phía họ lẫn cơ quan chức năng của mình. Biên giới dài rộng, một gánh hàng của ta vào họ không lọt nhưng hàng tấn tấn hàng của họ vào ta ngon ơ, vì sao? Vì sao mà doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thành phố này, chỉ mới trưng bảng giảm giá 70% đã tức thì bị quản lý thị trường lập biên bản phạt tội bán phá giá (than ôi thời buổi bị hàng Trung Quốc áp sát, giảm giá tới 70% còn chưa “xi nhê”) mà cả một khu chợ tưng bừng giữa quận 1 Sài Gòn bán toàn đồ giả nhập từ Trung Quốc, mỗi ngày huỷ hoại sức cạnh tranh của biết bao doanh nghiệp may mặc lương thiện của Việt Nam, cứ nhơn nhơn phát triển?

Với tất cả hàng bán dưới giá thành bình thường, cơ quan chức năng cứ truy hỏi nguồn gốc, hoá đơn là thấy ngay xuất xứ hàng hoá và dễ xử quá chừng, sao không làm được? Hãy truy hỏi công bằng như đối với mọi doanh nghiệp Việt Nam có trưng bảng kinh doanh đàng hoàng, đầu tư thương hiệu nghiêm túc, để có được một cuộc cạnh tranh ngang bằng, không cần thiên vị chút nào với doanh nghiệp trong nước.

Chúng ta biết là giữa hội chợ Quảng Châu, hàng đẹp như mơ không có nhãn mác được bày bán công khai. Hỏi vì sao, họ nói, họ chờ người mua yêu cầu nhãn gì thì gắn nhãn đó. Made in Vietnam đầy dẫy. Họ cũng hướng dẫn, và cung cấp luôn dịch vụ chuyển hàng qua Singapore, Hong Kong, Malaysia để xoá hẵn gốc Trung Quốc.

Thực tế là hàng Trung Quốc, nếu nhập chính ngạch, vào siêu thị hay cửa hàng lớn của Việt Nam thì giá đắt hơn hàng Việt Nam cùng đẳng cấp. Họ phải cạnh tranh ngang bằng như vậy, không thể ngang ngạnh cấm người ta đánh cá trên biển người ta mà lại thản nhiên đẩy hàng lậu, hàng giả vào thị trường người ta không xấu hổ.

Báo chí cần nêu đích danh những cơ quan chức năng nào “nối giáo” cho kẻ ngang nhiên gian lận thương mại, ăn cắp thị trường và thị phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Trên đây là hai giải pháp nhất thời. Còn chuyện “chiến đấu” công bằng với quyền lực mềm, cuộc chiến mềm với hàng lậu và hàng giả Trung Quốc, làm sao hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác và cạnh tranh với hàng Trung Quốc về lâu dài là một câu chuyện dài. Chuyện dài nhưng đã bức bách như lửa cháy phừng phừng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đành lòng nhắm mắt chọn giải pháp đóng máy, cho thợ tạm nghỉ, đưa hàng sang gia công bên Tàu về bán, lời hơn và thị trường Việt Nam ngày càng cam tâm là nơi ưu tiên tiêu thụ hàng Trung Quốc. Lửa cháy vậy mà cơ quan chức năng nguội lạnh, doanh nghiệp thì rời rạc, loay hoay tìm lối thoát. Đó cũng là câu chuyện lớn rất thực tế về sự tồn tại của nền kinh tế Việt Nam.

Kim Hạnh