22/5/09

Paul Krugman: Điều tệ nhất có thể đã qua, nhưng hồi phục mất nhiều năm

Paul Krugman, nhà kinh tế đọat giải Nobel năm 2008, mới chỉ có mặt ở Việt Nam hơn 24 tiếng. Ông hầu như chưa nhìn thấy gì nhiều về Việt Nam, ngoài khách sạn Sheraton và phòng họp với gần 500 cử tọa, những người muốn nghe phân tích của ông về viễn cảnh kinh tế thế giới, những thay đổi mà suy thoái kinh tế đem lại cho mô hình tài chính, thương mại toàn cầu, và nhận định về Việt Nam. Krugman thẳng thắn nói rằng, ngay cả trong cuộc gặp đại diện chính phủ vào thứ sáu (22.5), ông sẽ đóng vai trò nhà báo, tìm hiểu tình hình hơn là đưa ra lời khuyên.

Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008, thuyết trình tại hội thảo quốc tế "Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng" do bộ Ngoại giao và tổ chức giáo dục PACE tổ chức trong ngày 21.5.2009 tại KS Sheraton, TP.HCM, thu hút trên 500 khán thính giả gồm doanh nhân ,nhà ngoại giao, đại diện lãnh sự các nước Anh, Mỹ, Úc ... (Ảnh: Lê Quang Nhật)

Giai đoạn tồi tệ nhất đã qua

Đánh giá về tình hình kinh tế Mỹ và thế giới, ông Krugman cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua, nhưng hồi phục sẽ dài lâu, có thể mất ít nhất 5 năm. Tin xấu vẫn đầy rẫy, nhưng ít nhất tình hình ít xấu hơn, tốc độ suy giảm của các chỉ số kinh tế cũng chậm lại. Ở Mỹ, số liệu thất nghiệp tuy vẫn rất cao ở mức trên 500 ngàn người trong tháng gần nhất, nhưng đã thấp hơn mức trên 700 ngàn người của tháng trước đó. Những số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu của một số nước, trong đó có Trung Quốc, tăng nhẹ. “Tất cả cho thấy tình hình vẫn đang xấu đi nhưng tốc độ xấu đi đã chậm lại…. Tôi không nghĩlà chúng ta đang đối mặt với cuộc Đại suy thoái lần thứ hai.”

Không có nghĩa là thế giới sẽ chứng kiến một cuộc hồi phục nhanh chóng. Có rất ít dấu hiệu hồi phục, ở Mỹ cũng như những nền kinh tế lớn khác. Thế giới vẫn phải chịu đựng một đợt trì trệ “khổng lồ” từ cuộc khủng hỏang tài chính bắt đầu từ Mỹ. Ông Krugman cảnh báo về khả năng nước Mỹ đối mặt với tình trạng “một thập niên bị đánh mất của Nhật.” Nền kinh tế Nhật, sau khủng hoảng đầu thập niên 80, phải chịu đựng khoảng 10 năm gần như không có tăng trưởng. Hiện nay, tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ bắt đầu tăng. “Mọi người đều muốn tiêu ít hơn và dành dụm nhiều hơn” ông nói. Mặt trái của tình hình này là thiếu chi tiêu và đầu tư, thế giới sẽ tiếp tục trì trệ và không có lối thoát. Ông Krugman bày tỏ lo lắng về giảm phát nhiều hơn là lạm phát ở nước Mỹ. Lý do là ngân hàng đang dự trữ rất nhiều và không cho vay được. Tiền đang ngồi một chỗ, một phần vì thế giới vẫn đang thừa công suất, trong khi ít chi tiêu hơn, nên không có nhu cầu đầu tư hơn vào thời điểm này. Ông cho rằng giá trị đồng đô la Mỹ chắc chắn sẽ giảm khi tình hình kinh tế khả quan hơn, nhưng nước Mỹ cũng vẫn sẽ đối mặt với trì trệ, và điều này sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới.

Thay đổi

Ông Krugman cho rằng đây là lúc những nước quá lệ thuộc vào thặng dư mậu dịch như Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Trung Quốc đã ghìm giá đồng nhân dân tệ từ lâu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Nước Mỹ, hàng năm thường tìm ra những nước cố tình điều khiển tiền tệ để áp dụng các biện pháp cấm vận, đã không dám làm thế với Trung Quốc vì ngại chiến tranh thương mại. Nhưng Krugman nói thẳng rằng, điều này không thể tiếp diễn mãi được

Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008.(Ảnh: Lê Quang Nhật)

Tuy vậy, Krugman tiếp tục ủng hộ tự do mậu dịch và toàn cầu hóa. Ông cho rằng xuất khẩu đã giúp các nước đang phát triển như Việt Nam và tiếp tục là sự lựa chọn tốt nhất. “Điều không còn dễ dàng tồn tại là thặng dư xuất khẩu quá lớn. Ngòai ra không có lý do nào để tin rằng mô hình xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng không còn ứng dụng được nữa.”

Krugman nhấn mạnh một trong những quan điểm chính mà ông liên tục đưa ra trong các bài báo của mình: Lĩnh vực tài chính cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều, để tránh những thảm họa như đã xảy ra với cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi. “Bất cứ những gì phải giải cứu trong giai đoạn khủng hoảng đều cần phải được điều chỉnh,” ông nói. Tình trạng đòn bẩy quá đà đặt ra yêu cầu phải có những quy định cụ thể về vốn. Các ngân hàng truyền thống không nên được phép tham gia vào quá nhiều loại kinh doanh khác nhau khó kiểm soát. Ngoài ra, việc điều chỉnh trong lĩnh vực tài chính phải được quốc tế hóa để tránh tình trạng giống như “thiên đàng thuế” ở Cayman, Virgin Islands… khi các công ty đổ xô đăng ký ở những nơi họ không bị kiểm soát.

Krugman cho biết ông hoàn toàn không có ý cho rằng mọi lĩnh vực kinh doanh phải được điều chỉnh giống như mô hình “kế hoạch hóa tập trung” của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Ông cho rằng nhu cầu điều chỉnh chủ yếu nhắm vào lĩnh vực tài chính, là lĩnh vực hết sức trọng yếu đối với sức khỏe của nền kinh tế.

Việt Nam

Không ít câu hỏi được đặt ra cho ông Krugman về khả năng lạm phát của Việt Nam nếu chính phủ bị sức ép kích cầu và in tiền quá nhiều. Ông Krugman nói ngay rằng in tiền không phải là giải pháp. Ông cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chọn giải pháp vay, nhất là trong khi dự trữ tiền trên thế giới đang tăng như hiện nay. “Không nhất thiết phải in tiền, mà có thể vay tiền và sử dụng tiền vay một cách hiệu quả.” Ông cho rằng Mỹ đang vay nợ quá nhiều nên không có chỗ để sử dụng lựa chọn này. Nhưng khi biết rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam đang khá lớn, ông thừa nhận rằng như vậy Việt Nam không có nhiều lựa chọn lắm. “Không có câu trả lời dễ dàng cho tình huống này.”

Lan Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét