22/5/09

Giá sữa ở Việt Nam đắt nhất thế giới, vì sao?

Giá sữa trong nước đang diễn tiến theo chiều ngược với thị trường thế giới. Các nhà sản xuất và cung ứng không có sự cạnh tranh giảm giá nào, và định giá sữa dựa trên nhận thức của người tiêu dùng

Các bậc phụ huynh phải chấp nhận mua sữa với giá cao, một phần do tin rằng sữa làm con em mình thông thái hơn (?).

Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan. Đó là thông tin từ hội thảo về chất lượng sữa do hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Hội đang đề nghị đưa sản phẩm sữa vào danh mục các mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, kiểm soát giá.

Giá thế giới giảm, giá trong nước tăng

Sự bất hợp lý trong tiêu dùng sữa của thị trường Việt Nam thể hiện ở chỗ người tiêu dùng phải trả số tiền lớn hơn để mua sữa trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam lại thấp so với thế giới. Theo ông Hồ Tất Thắng, phó chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, giá sữa ở trong nước liên tục tăng, trong khi thuế và giá sữa thế giới lại giảm. Ghi nhận từ thị trường, vào lúc cao điểm giá sữa nguyên liệu lên đến trên 5.000USD/tấn (từ giữa đến cuối qúi 3.2008), người tiêu dùng đã phải chịu mua sữa giá cao gọi là để chia sẻ khó khăn (về đầu vào) với doanh nghiệp. Khi giá sữa nguyên liệu giảm từ các tháng cuối 2008 đến nay, các nhãn sữa trên thị trường cũng không giảm giá, mà lại tiếp tục tăng! Hiện nay, giá sữa trên thị trường thế giới ở đã giảm hơn 40% so với cao điểm. Một thuận lợi khác cho sữa nhập khẩu, là chính phủ đã giảm thuế từ 30% xuống còn 7%. Nhưng giá bán sữa cứ tăng!

Ngay cả sữa tươi dùng nguyên liệu trong nước, người tiêu dùng cũng gánh chịu giá cao. Như 1 lít sữa tươi 100% nguyên chất (làm từ sữa bò của nông dân), giá bán lẻ của các công ty sữa có thể lên đến 23.400-23.610 đồng, gấp gần 4 lần so với giá mua của nông dân chỉ khoảng 6.500- 7.000 đồng.

Giá một kg sữa đạt chuẩn về hạm lượng đạm, béo, đường và có bổ sung đầy đủ các khoáng chất, vitamin, DHA, Prebiotic… theo tiêu chuẩn của FAO/ WHO không quá 70.000đ. Nếu cộng thêm bao bì khoảng 7.000 - 8.000đ/lon thiếc, các khoản thuế và chi phí khác cho kinh doanh thì bán trên 100.000đ/kg là các công ty đã có lãi.

Theo mức giá trên thị trường hiện nay mà một công ty sản xuất sữa vừa mua hàng vào đầu tháng 3.2009, giá sữa nguyên liệu đạt chuẩn nhập từ các nhà cung cấp bán cho các tập đoàn toàn cầu vào khoảng 55.000đ/kg (đã có thuế). Trong các chất bổ sung, mắc nhất là DHA khoảng 80USD/kg, calcium khoảng 7 USD/kg, vitamine tổng hợp (6- 10USD/kg)… Tính trên giá thành, mỗi kg sữa có bổ sung tối đa các thành phần theo công thức tốt nhất mà các hãng sữa nêu, thậm chí có bổ sung DHA đến 4-5 lần, thì giá cũng chỉ vào khoảng 70.000đ/kg (bổ sung DHA lên gấp 4 lần, giá chỉ có thể tăng thêm khoảng 4.000đ/kg sữa bột).

Thế nhưng hiện nay người tiêu dùng phải trả từ 143.000 - 165.000đ/kg cho sữa sản xuất trong nước và từ 305.000 - 425.000đ/kg cho sữa nhập khẩu "cao cấp" để mua niềm tin vào sự ảo tưởng bé sẽ khoẻ hơn, sẽ cao hơn, sẽ ít bệnh hơn…

Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc công ty Hancofood, chi phí xăng dầu tăng làm đội chi phí một chuyến xe tải chở hàng chỉ khoảng 10%, tức mỗi thùng sữa 24 lon chỉ tăng thêm khoảng 2.000 đồng. Với mức lợi nhuận bình quân là 30%, còn sữa “hiệu”, sữa “cao cấp” lên đến trên 60%, áp lực chi phí tăng giá xăng dầu, bao bì chỉ tác động rất nhỏ đối với nhà sản xuất sữa.

Càng tiếp thị, sữa càng đắt

Có 3 phân khúc thị trường sữa: giá trung bình, giá ở mức khá và giá cao cấp. Ba phân khúc này chia người tiêu dùng thành những nhóm tiêu thụ khác nhau, bao gồm: nhóm trung bình chuyên tiêu dùng các nhãn hiệu như Dutch Lady thường, Nestlé, Dielac, Nuti…; nhóm khá: Friso, Abbott IQ, Enfa thường…; và nhóm thu nhập cao: Friso Gold, Dumex Gold, GainPlus, Enfa Gold A++...

Sự khác biệt giữa dòng sữa trung bình với khá là sữa có tăng cường thêm một số thành phần bổ sung như DHA, ARA, Taurin, Cholin…Dòng sữa cao cấp thể hiện khác với dòng sữa dành cho thu nhập khá ở chữ Gold, ở các A++… với các thành phần bổ sung có nhiều chất hơn, hàm lượng các chất tăng cao hơn.

Về phương diện tiếp thị, ông Trần Hữu Đức, phụ trách đối ngoại công ty Nutifood nhìn nhận: sữa ngoại tạo được nét khác biệt cho sản phẩm để làm PR, tiếp thị mà các hãng sữa Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Chẳng hạn các nhãn hiệu sữa ngoại thường tổ chức các quảng cáo, hội thảo khoa học với sự có mặt của các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ Việt Nam và thế giới, tạo tâm lý tác động đến phụ huynh - người tiêu dùng. Và niềm tin vào sự thông minh của con em khi dùng sữa cao cấp đã thuyết phục các bậc cha mẹ dốc túi chi tiêu, góp phần làm giá sữa tại Việt Nam... cao nhất thế giới.

"Làm giá" sữa từ nhận thức của người tiêu dùng

Sữa ở Việt Nam có giá đắt không chỉ do Việt Nam phải nhập nguyên liệu, và do biến động tỉ giá USD làm tăng giá sữa, mà nguyên nhân chính là thị trường đang bị các nhãn sữa ngoại chiếm thị phần áp đảo. Số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường ước tính, thị trường sữa bột Việt Nam năm 2008 có qui mô khoảng 8.000 tỉ đồng, nhưng trong đó 7.000 tỉ thuộc về các nhãn hiệu ngoại nhập và công ty nước ngoài. Trong 20% thị phần ít ỏi còn lại, Vinamilk chiếm 15%, các nhà sản xuất sữa khác của Việt Nam chiếm 5%. Sữa đang nằm trong nhóm tiêu dùng thiết yếu, lượng tiêu thụ trong giai đoạn sức mua giảm toàn thị trường vẫn đạt tăng trưởng từ 8 - 12% (đo qua kênh siêu thị).

Các nhà kinh doanh sữa ở Việt Nam chưa hề có cuộc cạnh tranh kéo giá xuống để mang lại lợi ích cho người mua. Phân tích kỹ về cách kinh doanh của các hãng sữa, có thể thấy hầu hết đều chạy theo cuộc đua cạnh tranh về thương hiệu bằng cách thêm chất này, chất kia vào sữa để lôi kéo người tiêu dùng chạy theo. Chẳng hạn như sữa D vừa tung ra loại chứa 28 vitamin, sữa N tung ra loại 32 vitamin, và mới đây sữa X tung ra loại 54 vitamin. Tương tự, DHA của hãng M tăng gấp 4 lần, lập tức DHA trong sữa của D tăng đến 5 lần…

Ông Trần Bảo Minh, phó tổng giám đốc công ty Vinamilk phát biểu: "Chiến lược giá của sản phẩm sữa hiện nay không theo công thức giá bán = giá thành sản xuất + chi phí phân phối + chi phí kinh doanh khác…, mà giá sữa được định theo từng nhóm đẳng cấp, các hãng sữa đo nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu để định ra giá bán. Xu hướng chung là sữa càng mắc, càng cao cấp thì càng dễ làm thương hiệu để bán.”

Theo ông Trần Ngọc Dũng, chuyên viên nghiên cứu thị trường của công ty nghiên cứu thị trường FTA, các phân tích và nghiên cứu thói quen tiêu dùng tại Việt Nam trong năm 2007- 2008 cho thấy: các bà mẹ dù thuộc loại thu nhập nào cũng đều có khuynh hướng chọn sữa đắt tiền được quảng cáo có bổ sung nhiều dưỡng chất bổ sung cho con, vì họ tin sữa đắt tiền sẽ giúp con họ thông minh, khỏe mạnh.

Nghiên cứu của FTA chỉ ra rằng, tuy tất cả các nguyên liệu sữa của các nhãn hiệu sữa dành cho trẻ em đang bán ở Việt Nam đều nhập khẩu từ các nguồn New Zealand, Úc, Hà Lan…với thành phần trong sữa gần như nhau, chất lượng thực sự giữa các nhãn hiệu sữa - thông qua thành phần được ghi trên bao bì - gần như tương đương, nhưng khoảng cách giá giữa sản phẩm sữa "cao cấp" với sản phẩm giá thấp cách xa nhau rất nhiều. Chính chất lượng mà người tiêu dùng “cảm nhận” thông qua bao bì, thương hiệu, quảng cáo và giá cả đã góp phần tạo nên khoảng cách lớn đó.
Giá sữa nguyên liệu thế giới ngày càng giảm

Đơn vị: đồng/kg, lấy giá sữa của châu Đại dương (tập đoàn Fonterra)

Thời gian
Tháng 1.2008 Tháng 4.2008 Tháng 7.2008 Tháng 12.2008 Tháng 3.2009
76.824 73.346 73.284 35.274 36.972

(Nguồn: Bloomberg)

B.Thảo

1 nhận xét:

  1. Hello there

    I am sorry i can't read Vietnamese or speak it for that matter...

    But it is nice to meet you...

    Happy days

    Trả lờiXóa