19/1/09

Văn hóa doanh nhân đến văn hóa doanh nghiệp


PV
Tạp chí Nhà quản lý

Có một số nhận xét cho rằng, phần lớn các doanh nhân Việt Nam ít đọc sách, ít sử dụng email và ít truy cập thông tin trên Internet. Kinh nghiệm về lãnh đạo và quản lý còn quá mỏng. Kiến thức về thị trường quốc tế, về kinh tế của các nước đang phát triển cũng còn sơ sài.

Những doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam thường có nhận xét là phần lớn các doanh nhân Việt Nam rất ít để thì giờ của mình cho gia đình và đặc biết là để vui chơi với các con ở lứa tuổi cần sự chăm sóc và tình thương của cả bố lẫn mẹ. Trong lúc đó, ngoài công việc tại cơ quan, họ đã giành quá nhiều thời giờ cho các hoạt động giao tế, vui chơi với bạn bè. Kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy những doanh nhân thành công lớn là những người biết phân bổ quỹ thời gian hợp lý. Sự phân bổ quỹ thời gian thiếu cân đối dễ dẫn đến sự xào xáo trong gia đình, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập và tuổi thơ của con cái cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong gia đình, rất nhiều doanh nhân Việt Nam thành đạt, trẻ, đầy năng động và tham vọng, cũng chưa xây dựng được văn hóa trong gia đình. Họ chưa tổ chức được những bữa ăn văn hóa như sắp xếp bàn ăn, cách ngồi ăn, thức ăn, đồ uống hoặc thực tập các bữa ăn dùng dao, nĩa của người phương Tây. Nhiều doanh nhân thành đạt cũng chưa chú trọng ...xây dựng tủ sách trong gia đình và chưa để dành ngân sách cho các hoạt động văn hóa hàng năm cho gia đình như vui chơi, giải trí, du lịch, tham quan. Chính những sinh hoạt gia đình này sẽ tạo nên sự thư giãn cho con người và mức thăng bằng trong công việc hàng ngày.

Có một số nhân xét là phần lớn các doanh nhân Việt Nam ít đọc sách, ít sử dụng email và ít truy cập thông tin trên internet. Kinh nghiệm về lãnh đạo và quản lý còn quá mỏng. Kiến thức về thị trường quốc tế, về kinh tế của các nước đang phát triển cũng còn sơ sài. Theo Michael Porter (giáo sư của trường kinh tế của Đại học Harvard), tài sản của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào sự cạnh tranh của nước ấy. Nhưng muốn cạnh tranh thành công, ngoài điều kiện cần là phải có một nền kinh tế vĩ mô như môi trường chính trị và cơ sở pháp lý ổn định, lại phải có điều kiện đủ là ưu tiên chăm sóc nền kinh tế vi mô như các cơ sở kinh doanh năng động và môi trường kinh doanh lành mạnh. Nếu phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa tự trang bị cho mình đầy đủ tri thức cần thiết và không có tầm nhìn xa và rộng thì thực khó lòng có đủ sức cạnh tranh với thế giới một khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO. Một nhận xét khá chính xác là phần lớn các doanh nhân Việt Nam nắm giữ chức vụ cao không có lịch làm việc khoa học như các đồng nghiệp của họ ở nước ngoài. Lịch làm việc của các cấp lãnh đạo chưa phản ánh các chương trình ưu tiên và trọng điểm của Công ty, chưa dành nhiều thời gian trong năm để tham dự các buổi hội thảo trong nước hoặc quốc tế hoặc họp với các ban, ngành, chuyên gia tư vấn để thảo luận các vấn đề phát triển công tư mang tính chiến lược. Chương trình làm việc của các doanh nhân đứng đầu doanh nghiệp phần lớn có tính bị động nhằm giải quyết các vấn đề hàng ngày, là những vấn đề thuộc phần vụ của các chức vụ như Phó giám đốc hay trợ lý của thủ trưởng cơ quan.

Về mặt phân cấp chức năng, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam khác với văn hóa của các nước phương Tây phát triển. Tại các nước này, mỗi cấp quản lý có quyền quyết định các hoạt động thuộc chức năng của mình, kể cả phần chi thu thuộc phạm vi trách nhiệm, ưu tiên của sự phân cấp chức năng là làm cho mỗi cấp quản lý có thêm trách nhiệm, thêm sự tự tin, phát huy mọi sáng kiến, năng động hơn và có hiệu nâng cao. Sự phân cấp chức năng còn giúp cho vị thủ trưởng có thêm nhiều thì giờ và năng lực để tập trung giải quyết các vấn đề then chốt mang tính vĩ mô của Công ty.

Một đặc điểm thường gặp ở các doanh nhân nắm giữ các vai trò lãnh đạo tại Việt Nam là tập quán quan liêu, thiếu trong sáng trong quản lý và chưa khách quan trong tuyển dụng guồng máy nhân sự. Nếu không chữa trị, chính những chứng bệnh này sẽ làm thui chột trí tuệ, năng lực, sự sáng tạo, sức cạnh tranh và đà phát triển của mỗi Công ty. Đây là những chứng bệnh nan ý khó có thể chữa lành trong một sớm một chiều. Nhưng muốn chiến thắng cuộc thư hùng không phải bằng súng đạn mà bằng chính những tấm thẻ tín dụng và các con số trong sổ kế toán thì bằng mọi phương cách, các doanh nhân phải tự chữa lành các căn bệnh nan y của mình.

Hình ảnh của một doanh nhân nắm vững vai trò lãnh đạo còn có thể thấy qua người thư ký của mình. Người thư ký của Giám đốc và Tổng Giám đốc là người gây ấn tựơng đầu tiên cho các đối tác và khách hàng của Công ty. Vì vậy, người thư ký phải được đào tạo đúng mức và phải có lối ứng xử thích hợp với từng loại khách. Người thư ký còn phải có phong thái tự tin xem mình như là người đại diện của Công ty trong lúc giao tiếp với khách trên điện thoại hay trong lúc vị Giám đốc hay Tổng Giám đốc còn bận chưa tiếp được khách.

Hiện nay phần lớn các thư ký của các doanh nhân chưa hành xử đúng vai trò của mình. Trong giờ rảnh buổi trưa hay trong giờ nghỉ giải lao, ít thấy có một người thư ký cầm một quyển sách hay một quyển truyện đọc như các đồng nghiệp của mình thường làm ở nước ngoài. Phẩm chất của người thư lý do đó là một phần phẩm chất của một doanh nghiệp. Hiện nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng người thư ký với phẩm chất ấy.

Để có những doanh nhân trên đây, muốn làm một doanh nhân lãnh đạo một doanh nghiệp không phải dễ. Văn hóa doanh nhân chính là tổng thể đạo đức của tất cả cá nhân trong một doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân không thể tách rời nhau. Một doanh nghiệp có cả hai loại văn hóa đó quyện vào nhau sẽ làm nên sức mạnh của doanh nghiệp. Một nước có nhiều doanh nghiệp như thế sẽ là nền tảng của một nền kinh tế giàu mạnh. Chính vì thế, muốn mạnh, muốn đủ sức để cạnh tranh với thế giới, các doanh nhân lãnh đạo của Việt Nam không thể không xây dựng những nét văn hóa trên, đi từ những điều bình thường trong gia đình đến những nguyên tắc nghiêm nhặt của một doanh nghiệp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp không phải là một đặc ân trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó vừa là một nghệ thuật vừa là một thiên chức cần phải phấn đấu không ngừng nghỉ. Nó hàm chứa cả “đạo” lẫn “đức”. Đạo giúp tìm được con đường dài và chiến lược đúng để đi, còn Đức là phần thưởng vừa tinh thần vừa vật chất tích lũy được trên con đường kinh doanh lâu dài của Công ty.
Nguồn: Tạp chí Nhà quản lý

Bạn có phải là nhà lãnh đạo trong khủng hoảng?


Cuộc khủng hoảng tài chính có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kiểu nhà lãnh đạo mới. Những nhà lãnh đạo bình tĩnh, quản lý được rủi ro và lường trước được các "cơn bão" có thể xảy ra. Liệu bạn có thuộc kiểu nhà lãnh đạo này không?. Hãy thử sức với bài trắc nghiệm dưới đây.


Ảnh minh họa

1. Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển tới phòng làm việc của bạn, bắt đầu giải thích một cách rất căng thẳng về vấn đề mà một sản phẩm mới đang gặp phải. Bạn nhanh chóng nhận ra rằng bạn không hiểu về vấn đề này, thậm chí ngay cả những điều cơ bản nhất.

a. Bạn lắng nghe và sau đó bảo ông ta hãy tự đưa ra quyết định mà ông ta nghĩ là tốt nhất.

b. Bạn gật đầu và làm ra vẻ bạn hiểu vấn đề, sau đó ra quyết định dựa trên những gợi ý của ông ta.

c. Thừa nhận rằng bạn không nắm rõ vấn đề và nhờ một nhà điều hành khác giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.

d. Nhớ trong đầu là phải tìm hiểu thêm về hoạt động của các công ty nghiên cứu và phát triển.

2. Khi phải ra quyết định, bạn sẽ:

a. Cho rằng chỉ có một người là ông chủ thôi và bạn có được vị trí như ngày nay nhờ việc bạn đưa ra các quyết định đúng, của riêng mình.

b. Là người muốn thu thập ý kiến của càng nhiều người càng tốt trước khi đi đến một sự thống nhất.

c. Ủy thác lại. Bạn thuê những người tài giỏi, thông minh, trả tiền cho họ thì lẽ nào bạn không thể giao việc này cho họ được chứ?!

d. Kết hợp cả kiểu a và kiểu b. Bạn xem xét tất cả những lựa chọn có sẵn, sau đó chịu trách nhiệm cuối cùng về việc đưa ra quyết định mà bạn cho là đúng nhất.

3. Khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tôi động viên nhân viên của mình bằng:

a. Tiền thưởng: Ai lại không thích tiền thưởng cơ chứ!

b. Mục đích: Mọi người làm việc ở đây biết về điều chúng ta đang cố gắng để làm được.

c. Không làm gì cả.

4. Cuộc khủng hoảng kinh tế có thể khiến chính phủ nhiều nơi đưa ra các luật lệ, quy tắc chặt chẽ hơn. Bạn xem điều này:

a. Là điều không thể tránh khỏi. Nó đang diễn ra rồi, vì thế tốt hơn cả là học cách thích nghi.

b. Điều này không tốt cho doanh nghiệp của bạn và bạn phản đối bằng mọi giá.

5. Bạn đã thông báo một kế hoạch chiến lược 5 năm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng này. Bạn sẽ:

a. Giữ nguyên kế hoạch. Việc có tầm nhìn dài hạn rất quan trọng. Chỉ nghĩ về những cái trước mắt thì làm sao giành được những mục tiêu xa hơn!

b. Bắt đầu lại. Đây là lúc cần sự linh hoạt và suy nghĩ sáng tạo.

c. Tìm kiếm câu trả lời từ các cộng sự - những người đang nhìn thấy cuộc khủng hoảng này - hoặc ít nhất là lên kế hoạch để bảo vệ công ty khỏi những thảm họa không lường trước.

d. Cứ để nguyên kế hoạch đó và không làm gì cho đến khi khủng hoảng qua đi. Bất kỳ quyết định nào vào lúc này đều có thể sai.

Kết quả:

Câu 1: đáp án đúng là c. Nhà lãnh đạo không sợ thừa nhận những điều họ không biết.

Câu 2: đáp án đúng là d: Thực ra việc ủy thác không phải là quá tệ nhưng nhà lãnh đạo cần phải là người cuối cùng ra quyết định. Quá nhiều quan điểm (như phương án b) cũng không phải là tốt hoàn toàn vì quá nhiều có thể dẫn đến việc không dẫn tới một sự nhất trí nào.

Câu 3: đáp án đúng là b. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiền thưởng không làm cho nhân viên làm việc tốt hơn. Các nhà lãnh đạo tốt nhất có thể truyền đạt rằng doanh nghiệp của mình đang tạo ra những điều gì, các sản phẩm sẽ được cải thiện như thế nào hoặc giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển bền vững.

Câu 4: đáp án đúng là a. Nhà lãnh đạo nhận ra rằng họ cần biết các luật lệ luôn chặt chẽ, tôn trọng và phối hợp hiệu quả với những người đưa ra các luật lệ này.

Câu 5: đáp án đúng là b. Trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo bảo vệ cuộc sống cần thích nghi nhanh chóng khi những cơn bão không lường trước tấn công. Bây giờ không phải là lúc để cứng nhắc hoặc đổ lỗi.

Nguyệt Ánh
Theo CNN

“Quản lý” lại ông chủ, tại sao không?

“Quản lý” lại ông chủ để giữ niềm vui và năng suất trong công việc. Nếu ông chủ dưới hoặc trên tầm quản lý của bạn, bạn có thể làm gì để đạt được những điều mình cần từ họ? Và bạn có thể làm thế nào “quản lý” họ hiệu quả để luôn cảm thấy vui vẻ và làm việc đạt năng suất cao?

Ảnh minh họa. Nguồn: Corbis

Hầu hết mọi người đều cho rằng quản lý ai đó, nhất là cấp trên của mình trong công việc là “con đường một chiều”. Họ nghĩ rằng chỉ có ông chủ của họ mới có quyền quản lý mà lại quên mất một điều: chính những ông chủ đó cũng cần sự quản lý của bạn.

Các lãnh đạo đôi khi cũng cần được quản lý bởi chính nhân viên của mình bởi lẽ đôi khi họ cũng rơi vào tình trạng trên hoặc dưới tầm kiểm soát nhân viên. Ví như, họ trên tầm quản lý của người cấp dưới, quản lý vi mô và tiếp tục kiểm soát quá trình tiến triển của công việc. Hoặc, họ nằm dưới tầm quản lý: không đưa ra cho nhân viên đủ phương hướng, cụ thể và thông tin phản hồi.

Những vấn đề kiểu như trên xảy ra thường xuyên hơn so với những gì bạn có thể tưởng tượng vì vô vàn những lý do khác nhau. Ví dụ, những nhà quản lý thường được thăng tiến dựa trên sự tinh thông về kỹ thuật và hiếm khi được đào tạo để có những kỹ năng thành thạo quản lý nhân viên. Hay nhiều khi họ thiếu những mẫu hình lý tưởng trong vai trò của người quản lý nên phản ứng như thế nào với những điều kiện ngoại cảnh khác nhau, và vai trò lãnh đạo được thể hiện như thế nào? Cuối cùng nhưng không phải kém quan trọng, họ ít khi thu nhận được những phản hồi cụ thể từ nhân viên của mình một cách đúng lúc về việc họ sẽ làm như thế nào.

Nếu bạn có một ông chủ cần được quản lý vì một trong số những lý do đã đề cập ở trên, thì đây chính là một số việc hữu ích bạn có thể làm để cải thiện mối quan hệ của bạn với họ.

Hãy đặt bản thân vào tình cảnh của họ

Hãy cố gắng tìm hiểu những thách thức mà ông chủ của bạn đang phải đối mặt và tìm ra những dạng áp lực mà ông chủ của bạn đang phải chịu. Điều này có thể làm lên sự khác biệt đáng kể trong việc tìm hiểu tại sao ông chủ của bạn sẽ không quản lý bạn một cách thích đáng.

Cung cấp những phản hồi tích cực

Hãy dành cho người quản lý của bạn những phản hồi tích cực về những điều đang làm cho quan hệ giữa bạn và họ tốt hơn lên. Ví như, hãy nói rằng: “Cảm ơn vì đã trả lời ngay lập tức khi tôi cần sự giúp đỡ của ông trong tình huống cấp thiết từ phía khách hàng. Khách hàng của tôi rất hài lòng với cách giải quyết đó và sự giúp đỡ của ông thực sự là công cụ hữu hiệu để giữ chân khách hàng này.”

Đưa ra mục tiêu cấp tiến

Khi bạn muốn ông chủ thay đổi hành vi ứng xử, thay vì đưa ra những phản ứng về những điều không thể thực hiện trong quá khứ, hãy tập trung vào mục tiêu bạn mong muốn họ sẽ làm trong tương lai. Việc chuyển đổi mục tiêu từ quá khứ sang tương lai sẽ giúp bạn duy trì được quan điểm tích cực. Tập trung vào quá khứ và những điều chưa thực hiện được có thể thường tạo ra cảm giác chống đối và tức giận. Nếu như hướng mục tiêu về phía tương lai, bạn sẽ tạo ra một không khí tích cực giúp cho ông chủ của bạn thay đổi hành vi ứng xử nhanh hơn.

Hãy là người gương mẫu

Nếu bạn muốn ông chủ làm một số việc nào đó, hãy tự mình thực hiện chúng. Ví như, nếu ông chủ của bạn cần cải thiện kỹ năng lắng nghe, bạn nên thực hành kỹ năng này trong các cuộc nói chuyện với ông ta. Ông chủ sẽ sớm nhận ra cách ứng xử của bạn và cư xử sao cho thích hợp với những điều bạn đang làm.

Cuối cùng, hãy nhớ kỹ rằng, đúng thời điểm những nhà quản lý cần thay đổi phong cách lãnh đạo của họ sao cho thích nghi với người mà họ đang phải đối mặt, thì bạn hãy “quản lý” lại họ. Bạn không thể quản lý tất cả những ông chủ của bạn theo cùng một cách. Hãy cố gắng tìm hiểu xem đâu là phong cách lãnh đạo họ ưa thích, bạn có thể gây ảnh hưởng với họ như thế nào, điều gì cần làm và điều gì không nên làm đối với họ. Nếu bạn làm tốt công việc và dành thời gian để chuẩn bị kế hoạch hành động, thì sẽ sớm gặt hái được kết quả như ý.

X.Chi
Theo Human resources management

9/1/09

Michael Porter bàn về cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam

Michael Porter - “cha đẻ” chiến lược cạnh tranh, người được cho là nhà tư tưởng chiến lược vĩ đại của thời đại sẽ đến Việt Nam vào ngày 01/12/2008 để chủ trì hội thảo quốc tế về kinh tế và kinh doanh, theo lời mời của Học Viện Giám Đốc PACE.



Buổi hội thảo do Micheal Porte chủ trì sẽ được tổ chức vào thứ Hai, ngày 1/12/2008, tại khách sạn Sheraton (thành phố Hồ Chí Minh) với chủ đề : “Cạnh tranh toàn cầu & lợi thế Việt Nam”.
Các nội dung thảo luận:
- Những xu hướng trong nền kinh tế toàn cầu
- Bản chất thay đổi của cạnh tranh quốc tế
- Các nền kinh tế của các quốc gia châu Á
- Năng lực cạnh tranh và những yếu tố quyết định cạnh tranh
- Tạo dựng vị thế cạnh tranh bền vững, độc nhất
- Các nguyên tắc định vị chiến lược
- Sự đa dạng hóa của doanh nghiệp và các loại chiến lược
- Xác định lộ trình của doanh nghiệp
- Chiến lược tổng thể của một công ty đa ngành
- Chiến lược quốc tế cho những công ty Việt Nam
- Những sai lầm chiến lược phổ biến
- Nguồn lực cho lợi thế cạnh tranh
- Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam
- Những hạn chế cho sức cạnh tranh của Việt Nam
- Phân tích môi trường kinh doanh Việt Nam
- Những vấn đề chính cho sức cạnh tranh của Việt Nam
- Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu 2008
Hội thảo dự kiến sẽ quy tụ khoảng 1000 người tham dự là các doanh nhân hàng đầu, những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, những nhà lãnh đạo cấp tỉnh/thành,
các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế… từ các quốc gia trong khu vực và châu lục.
Hội thảo sẽ bàn luận về những vấn đề của cạnh tranh toàn cầu, cạnh tranh châu lục và cạnh tranh khu vực hiện nay. Đặc biệt, trong phần “lợi thế của Việt Nam”, người tham dự sẽ được nghe những kiến giải sâu sắc của Michael Porter về những xu hướng trong nền kinh tế thế giới, bản chất thay đổi của cạnh tranh quốc tế, cũng như những yếu tố cấu thành nên năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng địa phương và của quốc gia trong bối cảnh mới này.
Thông tin về diễn giả Micheal Porte
Năm 2005, Michael Porter đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới (theo bình chọn chọn của 50 Thinkers; cùng với Peter Drucker, “cha đẻ” quản trị kinh doanh hiện đại và Philip Kotler, “cha đẻ” marketing hiện đại của thế giới, người đã đến Việt Nam vào trung tuần tháng 8/2007).
Michael Porter cũng được nhận định là một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Harvard. Những tác phẩm kinh điển của ông như Chiến lược cạnh tranh (Competitive Strategy), Lợi thế cạnh tranh (Competitive Advantage), Lợi thế cạnh tranh quốc gia (Competitive Advantage of Nation) đã trở thành sách “gối đầu giường” của giới kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt gần 3 thập kỷ qua.
Ông còn là người chủ trì Global Competitiveness Report - Báo cáo xếp hạng thường niên về năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển của hơn 120 quốc gia, được xuất bản bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đồng thời, ông cũng đã từng được mời trao đổi về chiến lược cạnh tranh với rất nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam (vào năm 2005 tại Hoa Kỳ).
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên này, ông sẽ tham dự và chủ trì một hội thảo quốc tế với chủ đề “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam”. Đây là một sự kiện kinh tế có tính toàn cầu, được tổ chức tại Việt Nam. Được biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất tổ chức cuộc hội thảo nói trên trong chuyến viếng thăm châu Á lần này của Michael Porter.
T.L
(Theo Lãnh Đạo)

Dự án truyền thông "Báo động từ vốn di sản"

I.Mục đích:
Những di sản văn hóa Việt Nam (bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể) là những giá trị quí báu hiện đang hoặc có nguy cơ biến mất, trong đó nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức trân trọng, giữ gìn của con người.
Mục đích của dự án:
- Thông qua kênh truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm tác động vào nhận thức và ý thức của toàn xã hội về các di sản văn hóa truyền thống. Qua đó giúp mọi người hiểu biết, trân trọng, nâng cao ý thức tự hào và gìn giữ các di sản văn hóa.
- Tìm kiếm và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.
II.Nội dung dự án:
* Xây dựng mỗi năm một chủ đề để tập trung tuyên truyền, trong đó chủ yếu nhấn mạnh đến những giá trị đang nằm trong diện “báo động đỏ” :
2008: Những báu vật nhân văn sống Việt Nam (về những nhân vật là hiện thân cho những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Việt)
2009: Những di sản kiến trúc truyền thống giá trị
2010: Văn hóa những tộc người có nguy cơ biến mất trong cộng đồng văn hóa Việt Nam
* Nội dung của dự án: gồm 4 hoạt động chính:
1.Xây dựng một chuyên mục cố định trên 2 tờ báo: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần (tiếng Việt), Vietnam News Sunday (tiếng Anh) với tên gọi: Báo động từ vốn di sản
Chuyên mục này mỗi tháng xuất hiện 2 lần, với dung lượng 2 trang A4 (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần) và 1 trang A3 (Vietnam News) gồm bài viết+ hình ảnh dạng phóng sự về chủ đề.
2.Tổ chức 1 hội thảo khoa học về chủ đề của năm. Hội thảo tổ chức tại Hà Nội, có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, báo chí và các đối tượng có liên quan.
Mục đích của hội thảo : Đánh giá nguy cơ mai một của các di sản, tìm kiếm những giải pháp thiết thực và khả thi nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, chọn ra 02 di sản có nguy cơ biến mất cao và giải pháp khả thi để xây dựng dự án thực hiện với thời gian thực hiện tối đa 6 tháng. Ban cố vấn dự án và Ban tổ chức sẽ quyết định việc lựa chọn này. Việc thực hiện dự án và kết quả dự án sẽ được thông tin cập nhật trên TT&VH và Vietnam News.
3.Kết thúc loạt bài trong năm sẽ in và phát hành 1 cuốn sách (tập hợp các bài viết đã đăng, mở rộng các tư liệu và hình ảnh).
4.Kết thúc dự án năm bằng một sự kiện mang tính cộng đồng cao:
+ Trình diễn
+ Triển lãm
III.Dự án 2008 - Những báu vật nhân văn sống
1.Thời gian thực hiện: từ tháng 11/2008 đến hết tháng 11/2009
- Mở chuyên mục Báo động từ vốn di sản trên báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần và Vietnam News: từ tháng 11/2008 đến hết tháng 11/2009. Đăng tải liên tục các phóng sự về di sản văn hóa theo chủ đề
- Hội thảo: tháng 9/2009
2.Ban chỉ đạo
-Ông Trần Mai Hưởng, Phó TGĐ điều hành TTXVN, TBT Vietnam News
-Ông Ngô Hà Thái, TBT báo Thể thao & Văn hóa
-Bà Kim Hoa, Thư ký tòa soạn báo Thể thao & Văn hóa
3.Ban cố vấn:
- GS.TSKH Tô Ngọc Thanh
- Đặng Hoành Loan
- Nhà văn Nguyên Ngọc
(Danh sách này còn tiếp tục được cập nhật)

Dự báo thị trường lao động năm 2009: Dược phẩm, truyền thông, tiếp thị “lên ngôi”

Thị trường lao động tiếp tục thiếu hụt đội ngũ quản lý
Ngày 9-11, tại TPHCM, Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Nhân Việt tổ chức hội thảo nghề nghiệp khối ngành dược dành cho gần 1.000 sinh viên. Tại hội thảo, nguồn nhân lực của ngành dược được đặt ra và được các nhà tuyển dụng dự báo sẽ thiếu hụt trong thời gian tới.
Ngành y tế cần 110.000 lao động
Bà Châu Thị Bé, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Nhân Việt, cho biết mỗi năm có khoảng 12.000 nhân viên y tế về hưu. Ước tính, từ nay đến năm 2010, nhu cầu nhân lực trong ngành y tế của cả nước là 110.000 người. Cũng theo bà Bé, trung bình mỗi năm, mỗi công ty trong ngành dược sẽ tuyển từ 40-80 lao động, chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học để đảm nhận những công việc như trình dược viên, nhân viên trong các công ty dược, bệnh viện và sở y tế các tỉnh, thành.
Sự thiếu hụt nhân lực trong ngành đã khiến các doanh nghiệp lớn như GlaxoSmithKline, About, Bayer Pharma Việt Nam... đưa ra chính sách thu hút nguồn nhân lực trong tương lai. Tại Công ty GlaxoSmithKline, trong năm 2009, sẽ cần từ 30- 40 vị trí cho các chức danh: nhân viên phụ trách đăng ký nhóm sản phẩm, chuyên viên tư vấn y khoa, nhân viên giám sát nghiên cứu thí nghiệm lâm sàng, nhân viên tư vấn dược an toàn... Bà Lê Thị Mai Lan, Trưởng Phòng Đào tạo Công ty GlaxoSmithKline, cho biết để hút nhân sự, công ty luôn có chính sách đào tạo dành cho nhân viên thông qua chương trình đào tạo thạc sĩ, học Anh văn trên mạng... Đặc biệt, công ty còn có chương trình “Hành trình lãnh đạo tiềm năng”. Thông qua chương trình này, những ứng viên trẻ có cơ hội được học hỏi kỹ năng làm lãnh đạo thông qua quá trình thực tập, làm việc tại doanh nghiệp.
Truyền thông, media khan hiếm nhân lực
“Nếu như các ngành tài chính, công nghệ thông tin, dịch vụ, xây dựng, du lịch... đang đứng trước nguy cơ bị cắt giảm lao động thì các ngành truyền thông, media sẽ tăng do có nhiều công ty trong lĩnh vực này ra đời. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo cũng khiến cho ngành này khan hiếm nhân lực” – bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực L&A, nhận định.
Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 6.000 công ty quảng cáo, trong đó TPHCM là 3.000 công ty. Ông Trần Hoàng, đại diện Hiệp hội Quảng cáo châu Á tại Việt Nam, Chủ tịch Vietnam Marcom, cho rằng: Sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp truyền thông khiến cho nhân lực ở lĩnh vực này vốn chưa được đào tạo bài bản luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Hiện các vị trí như copywriter, giám đốc sáng tạo, nhân viên quan hệ cộng đồng... luôn được các công ty săn với mức lương cao cùng nhiều chính sách đãi ngộ.
Theo ghi nhận, hiện nay, lao động trong lĩnh vực quảng cáo có mức lương khá cao, dao động từ 500 đến 1.000 USD/tháng đối với công ty trong nước và 3.000- 5.000 USD/tháng đối với công ty nước ngoài.
Bán hàng, marketing: Tiếp tục nóng
“Trong năm 2009, lĩnh vực marketing, bán hàng sẽ tiếp tục là ngành nóng” - bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet Corporation, nhận định. Lý giải cho nhận định của mình, bà Trinh cho rằng ở bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng cần đội ngũ bán hàng, tiếp thị. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, lại càng cần đến đội ngũ này hơn. Đó cũng là lý do khiến nhân lực của ngành trong những năm qua vốn thiếu hụt nhân lực sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới.
Ghi nhận từ thông số trực tuyến của Vietnamworks.com cho thấy bán hàng, tiếp thị là một trong 6 ngành có cầu nhân lực cao nhất, trở thành ngành “nóng” hiện nay. Ông Trần Hoàng, Chủ tịch Vietnam Marcom, cho rằng với lượng doanh nghiệp như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng đội ngũ marketing sẽ lên đến gần 500.000 lao động. “Tuy nhiên, để làm được công việc này, ứng viên phải sáng tạo không ngừng. Đặc biệt, ngoài kiến thức và kỹ năng thì sự dấn thân là yếu tố giúp các bạn trẻ thành công”.

Dự báo xu thế thị hiếu thị trường truyền thông thế giới

Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường dịch vụ truyền thông, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và trường Đại học Hoa Sen vừa phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Thống kê, khảo sát thị hiếu người tiêu dùng sản phẩm truyền thông: Thị trường và Công nghệ” tại L’Espace- Trung tâm VH Pháp-24, Tràng Tiền, HN

Thị trường truyền thông Việt Nam đang đứng trước sự thay đổi của các xu thế truyền thông thế giới. Các loại hình truyền thống như: Báo giấy, Phát thanh, Quảng cáo trực quan, Tổ chức sự kiện… sẽ dần thu hẹp về quy mô, nhường chỗ cho những phương tiện truyền thông mới như: Truyền hình, Công nghệ online, Mobile, Internet…

Theo phân tích của các chuyên gia, trong vòng 5-10 năm tới, lĩnh vực truyền thông chính yếu sẽ thiên về tích hợp viễn thông - truyền thông và công nghệ cao.

Nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng sản phẩm truyền thông là một trong những vấn đề được giới Truyền thông và toàn xã hội quan tâm. Những số liệu khách quan, chính xác về thị hiếu, sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ sẽ giúp cho các đơn vị hoạt động truyền thông, truyền hình, phát thanh, dịch vụ mạng… có những định hướng phát triển đúng đắn, đồng thời mở ra nhiều khả năng xã hội hóa hoạt động của mình. Nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng cũng có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, các tập đoàn, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các dịch vụ truyền thông để quảng bá thương hiệu, sản phẩm với công chúng...

Hội thảo cũng là dịp trao đổi, giao lưu, gặp gỡ giữa các cơ quan truyền thông với các nhà đầu tư, các đối tác quan tâm đến lĩnh vực thống kê, khảo sát thị hiếu khán thính giả sử dụng dịch vụ truyền thông tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tuyết Minh

Người Mỹ phàn nàn về chất lượng truyền hình

Sau báo in, nay đến truyền hình bị công chúng phàn nàn. Dù nguyên nhân là do bản thân truyền hình hay do yêu cầu người xem quá cao thì truyền thồng Mỹ cũng đang đứng trước tình hình rất khó khăn.

Số lượng nhiều, chất lượng... liều!

Bạn đã bao giờ bật TV mà bối rối không biết chọn kênh nào để xem? Chắc chắn là có. Tuy nhiên số lượng nhiều các sự lựa chọn không có nghĩa là chất lượng của các chương trình truyền hình nào cũng tốt như nhau. Người xem dường như có xu hướng trung thành với các chưong trình truyền hình truyền thống.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát trên 1204 người diễn ra từ 24-26 tháng 8 do hãng Associated Press và kênh AOL tổ chức thì 62% người Mỹ phàn nàn rằng chất lượng các chương trình truyền hình ngày càng tồi tệ và chỉ có 22% trong số họ tỏ ý khen ngợi.

Cuộc thăm dò ý kiến này còn cho thấy càng nhiều tuổi người ta càng không thích xem TV nữa. Hơn ¾ các cụ ở độ tuổi 60 cho rằng TV bây giờ chỉ phục vụ giới trẻ thôi.

Bà Terie Wiliam, một bà mẹ của bốn đứa con đến từ vùng Richmond Park trả lời phóng viên với giọng buồn buồn: “Ngày xưa các chương trình TV không nhốn nháo như bây giờ. Tôi cảm thấy mình thực sự lạc lõng khi xem các chương trình đứa con gái mới 19 tuổi của tôi hay xem. Tôi cũng không hiểu vì sao các chương trình này toàn về tình dục. Tôi có cảm giác rằng TV làm xa cách khoảng cách giữa các thế hệ trong một gia đình”. Bà bồi hồi nhớ lại show “The Walton” trên truyền hình ngày xưa bà hay xem.

Ông Eugene King, 51 tuổi một kiến trúc sư từ Philadenphia cũng có ý kiến tương tự. Ông cho rằng kể cả những chương trình mà ông yêu thích như “This old house”, “Masterpiece Theater” những show truyền hình khá nổi tiếng ở Mỹ hay những chương trình khoa học cũng toàn đưa tin lá cải.

Đừng có nghĩ tivi là nhất!

Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về sự phát triển của truyền hình Tim Brooks cho rằng trước kia khi công nghệ chưa thực sự phát triển, TV luôn được coi là sự lựa chọn số một của người xem vì vậy những người làm truyền hình luôn chú trọng đến việc đáp ứng đủ nhu cầu của họ.

Ngày nay, chính số lượng qua nhiều các kênh truyền hình dẫn đến chất lượng của chúng không đảm bảo. Hơn nữa, TV cũng giống như một người bạn thân luôn bên cạnh những người xem truyền hình. Họ sẽ có cảm giác vui, buồn hay thậm chí giận dỗi khi ở bên người ban tri kỷ này.

Những người cao tuổi “trách yêu” TV vì tuổi tác làm cho họ có cảm giác rằng TV không thực sự còn “hiểu” họ.

Giải thích như vậy không có nghĩa là các nhà làm truyền hình có thể lờ đi kết quả của cuộc khảo sát này nhất là trong thời đại có quá nhiều phương tiện giải trí khác để lựa chọn như hiện nay.

Thật bất ngờ với câu hỏi về chương trình truyền hình nào được yêu thích nhất chỉ có 7% số người được hỏi nêu được chính xác tên chương trình tuy nhiên 80% trong số họ đưa ra kết quả giống như cuộc khảo sát năm 2005 cũng do kênh truyền hình này tổ chức.

Một điều cần biết thêm là các chương trình truyền hình mới đang dần mờ nhạt trong tâm trí họ. Đài CBS là một kênh truyền hình đang có số lượng người xem khá cao ở Mỹ có lẽ sẽ đau đầu khi biết rằng 7% số người được phỏng vấn phàn nàn rằng chương trình “The survivor” của đài đáng bị cắt đi.

Ông Jeanie Peterson, 59 tuổi đến từ bang New Orleans thành thật nhận xét về chương trình này “Tôi thấy rùng mình khi xem nguươì ta ăn nhện”. Rõ ràng rằng ý tưởng làm chương trình “The survivor” là rất mới và độc đáo nhưng hình như các nhà làm truyền hình chưa quan tâm đến đối tượng người xem cũng như tâm tư tình cảm của họ.

Sau báo in, nay đến truyền hình bị công chúng phàn nàn. Dù nguyên nhân là do bản thân truyền hình hay do yêu cầu người xem quá cao thì truyền thồng Mỹ cũng đang đứng trước tình hình rất khó khăn. Con đường phía trước sẽ còn nhiều gian nan...

Hồng Nhung (theo AP)

Thông tin và truyền thông nước Mỹ


(Thông tin này cũ, có từ năm 2007, nhưng vẫn có giá trị, duyệt!)
Ở Mỹ hiện có tất cả 11.600 hệ thống truyền hình cáp đang hoạt động phục vụ khoảng 33.000 khu vực dân cư. Rất nhiều chương trình mới khác nhau theo ý thích của những nhóm nhỏ hoặc những ý thích đặc biệt cũng ra đời. Bạn đọc Lê Oanh tiếp tục chia sẻ với bạn đọc Tuần Việt Nam về lĩnh vực thông tin và truyền thông nước Mỹ - một trong những nội dung của cuốn sách "Cuộc sống và các thể chế ở Mỹ" của nhà văn Mỹ nổi tiếng Doulas K.Spevenson. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.

Khi nói về báo chi Mỹ, nhiều người bên ngoài nước Mỹ nghĩ đên một tờ báo nghiêm túc, số trang không nhiều, tờ Internationnal Herald Tribune (Diễn đàn người đưa tin quốc tê), được nêu trong danh sách báo hằng ngày của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, tờ Internationnal Herald Tribune không hoàn toàn là một tờ báo Mỹ. Có bán tại 164 nước, nó được biên tập tại Paris, và in đồng thời ở Paris, London, Zurich, Praha,Marseilles, Rome, Frankfurt, Hồng Công, Singapo, Tokyo, New York, và Miami.
Tờ báo là nơi tiêu thụ thông tin quốc tế, hầu hết những tin tức này lấy từ những tờ báo mẹ lớn hơn, tờ New York Time (Thời báo Mew York) và tờ The Washinhton Post (Bưu điện Washington). Thế nhưng nhiều người Mỹ chưa bao giờ nghe đến tờ báo này. Và ít người Mỹ đọc báo này khi họ đã có những báo hàng ngày dăng đầy đủ tin tức.

Năm 1992, hơn 10.000 loại báo xuất hiện ở khoảng 6.500 thành phố ở Mỹ. Hầu hết các báo hàng ngày đều được ra nhiều hoặc trình bày bóng đẹp vào các dịp lễ Noel, lễ Tạ ơn, hoặc vào Ngày Quốc khánh Mỹ 4/7. Trong số đó bao gồm cả 85 loại báo tiếng nước ngoài in bằng 34 thứ tiếng khác nhau. Mỗi ngày ở Mỹ bán trên 60 triệu tờ báo .
Tám trăm chín mươi số báo Chủ nhật thường lớn hơn các số ra ngày thường. Kỷ lục bán báo chủ nhật là tờ New York Time. Có một số báo chủ nhật năm 1965 dày 946 trang, nặng trên 7 pao, và giá 50 cent. Người Mỹ có truyền thống đọc báo chủ nhật, đối với một số người đây là hình thức thay cho việc đến nhà thờ. Các báo Chủ nhật có lượng phát hành trung bình 62 triệu bản. Cũng có hơn 7.000 loại báo được xuất bản hằng tuần, hằng nửa tuần, hoặc hàng tháng.

Hầu hết các báo hàng ngày đều là những loại có “chất lượng” chứ không phải “bình dân” (có nghĩa là không chất lượng). Trong số 20 tờ báo có chất lượng phát hành lớn nhất, chỉ có hai hoặc ba tờ thường chú ý đến tội phạm, tình dục và các vụ bê bối. Tờ báo có lượng phát hành lớn nhất , The Wall Street Journal (Tạp chí phố Wall) trên thưc tế là tờ báo rất nghiêm túc.

Người ta thường nói là không có “báo chí dân tộc” ở Mỹ cũng như ở Anh, nơi một vài tờ báo trội hơn hẳn về số lượng lưu hành và được cả nước đọc. Theo một nghĩa nào đó, điều này là đúng sự thực. Hầu hết các báo cáo hằng ngày được phân phối tại địa phương, hoặc trong khu vực, người ta mua một trong những tờ báo của thành phô lớn cộng thêm những tờ của địa phương nhỏ hơn. Một vài tờ trong số những báo nổi tiếng nhất như The Wall Street Jourall có thể có mặt trong toàn quốc.
Tuy nhiên, người ta không thể hy vọng tờ The Milwaukee Journal được tìm đọc ở Boston Globe được tìm đọc ở Houston. Chỉ có một tờ báo thực sự là báo của quốc gia, tờ USA Today (Nước Mỹ ngày nay). Nhưng tờ báo này vẫn chỉ có lượng lưu hành là 1,5 triệu bản và nó chỉ có thể cung cấp tin thuộc các môi quan tâm chung chung. Trong một đất nước mà tin tức và các sự kiện chính trị ở các bang , thành phố, và đại phương có ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến người đọc và vì thế thu hút họ, thì điều đó là không đủ.
Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, xuất phát từ ảnh hưởng và việc chia sẻ tin tức, thì phải có một tờ báo quốc gia. Một số tờ báo lớn nhất đồng thời cũng là các hãng thu thập tin tức. Họ không chỉ in ấn báo chí mà còn thu thập và bán thông tin, tin đặc biệt, và ảnh cho hàng trăm tờ báo khác ở Mỹ và trên thế giới. Ba trong số các hãng dịch vụ tịn tức được biết đến nhiều hơn là The New York Time, The Washington Post, và The Los Angeles Time.

Một ví dụ được nhiều người biết đến, một câu chuyện của CIA để lộ ra được đăng ở tờ The New York Time cũng xuất hiện trên mặt báo của 400 tờ khác của Mỹ và được hàng trăm tờ báo nước ngoài khác lấy đăng. “Nhặt” đăng không hoàn toàn đúng. Các câu chuyện như thế đã được đăng ký bản quyền và các tờ báo khác phải trả tiền nếu muốn sử dụng.
Các tờ báo khác thường tránh phải trả tiền cho các thông tin như vậy bằng cách đưa tin câu chuyên này từ báo gốc và trích một cách gián tiếp (“Tờ Washington Post hôm nay đã đưa tin là …”). Vì có nhiều các báo khác đăng tin lấy từ các tờ báo và tạp chí chủ yếu của Mỹ như thế nên những tờ báo này có ảnh hưởng rất lớn, vượt ra ngoài các độc giả của họ trong toàn quốc và trên thế giới.

Hơn nữa, các tờ báo này và những tờ báo khác như The Christian Science Monitor (Người quan sát khoa học Thiên chúa giáo), The Baltimore Sun (Mặt trời Baltimore), The St. Louis Dispatch (Thông điệp St.Louis) hoặc The Milwaukee Journal thường được nhắc đến trong số những tờ báo hay trên thế giới. Trong một cuộc điều tra quốc tế rộng rãi về các hãng báo chí, tờ The New York Time được hầu hết mọi người đánh giá là “Nhật báo hàng đầu thế gới”.

Các nhà báo chuyên trách từng mục viết cho nhiều tờ báo khác nhau, các bài báo của họ được một hãng bán để tăng cùng một lúc trên nhiều tờ báo, cũng có ảnh hưởng tương tự. Những người chuyên viết xã luận và bình luận nghiêm túc cho các báo chủ yếu hàng ngày được đăng bài trên hàng trăm báo nhỏ hơn trong cả nước. Điều này giúp người đọc ở thị trấn nhỏ hàng ngày biết được quan điểm của một số nhà phân tích thời sự quốc tế và trong nước giỏi nhất. Nhiều tờ báo cũng sử dụng các nhà báo này như một cách để cân bằng quan điểm chính trị. Trên các trang đằng sau trang xã luận của các báo thường in song song bài của những nhà bình luận theo trường phái tự do và bảo thủ hàng đầu.

Những tranh biếm họa chính trị và xã luận cũng được khá nhiều tờ báo dùng. Những người vẽ tranh biếm họa chính trị nổi tiếng như Oliphant hoặc MacNelly được hầu hết người đọc Mỹ và nhiều tờ báo nước ngoài biết đến. Các bài báo hài hước và châm biếm cũng thường nổi tiếng trên thế giới.

Các cơ quan thông tấn
Các báo Mỹ lấy một lượng tin rất lớn từ những nguồn giống nhau, những nguồn này phục vụ khoảng nửa số dân trên thế giới, đó là hai hãng thông tấn Mỹ, AP và UPI. Hai hãng thông tấn quốc tế này là những hãng lớn nhất thế giới. Không giống như những hãng thông tấn khác, ví dụ hãng thông tấn của Pháp AFP, không hãng nào do nhà nước sở hữu, quản lý hoặc điều hành. AP là hãng lâu đời và lớn nhất thế giới (Thành lập năm 1884).
Hãng có phóng viên và thợ chụp ảnh làm việc tại 122 phòng thông tin trong nước và 56 văn phòng nước ngoài. Họ có khoảng 10.000 nơi đặt mua định kỳ, đó là các hãng tin tức, báo chí, cơ quan phát thanh truyền hình và các tổ chức khác trong 115 nước trả tiền để có và được sử dụng tin và ảnh của AP. UPI là hãng thông tấn lớn thứ hai, có 92 văn phòng trong nước và 81 văn phòng ngoài nước trên 90 nước khác.
Theo dự đoán, tổng cộng khoảng hai tỷ người trực tiếp hoặc gián tiếp có được thông tin thời sự phần lớn từ AP và UPI. Người ta cung cho rằng lý do giải thích tại sao dường như có quá nhiều tin về “Mỹ”trên thế giới là vì cả hai hãng thông tấn này đều có trụ sở chính ở Mỹ.

Một đặc điểm cơ bản của nền báo chí Mỹ là hầu hết các chủ biên và nhà báo đều tán thành một điều, tin tức cần được phân biệt thật rõ – càng rõ càng tốt – với quan điểm về những tin đó. Theo đạo đức báo chí và truyền thông, các phóng viên và chủ biên trẻ được dạy là mục ý kiến và quan điểm chính trị phải để ở trang ý kiến và xã luận. Tất nhiên, họ biết rằng việc chọn lựa tin tức để đưa lên báo có thể gây thiên lệch. Nhưng họ sẽ phải cố để tách biệt hai thể loại này.

Cũng còn có lý do kinh tế rất thuyết phục để tách tin tức và quan điểm. Vào cuối thế kỷ XIX, người ta đã phát hiện ra rằng nhiều độc giả tin tưởng vào mua báo khi tin tức không bị lái sang hướng này hoặc hướng khác. Ngày nay, thường khó phân biệt một tờ báo là Dân chủ hay Cộng hòa, tự do hay bảo thủ. Một ví dụ là hầu hết các báo đều thận trọng đưa tin không thiên lệch và tương đương nhau về các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử. Họ có thể ủng hộ người này hoặc người khác trên các trang xã luận, như năm này có thể là một ứng cử viên của Đảng Cộng hòa , năm sau lại là của Đảng Dân chủ.

Hãng AP va UPI có được uy tín và thành công trên thế giới là nhờ vào chính sách này. Chỉ bằng cách thận trọng hạn chế ở mức đưa tin – ai nói gì và cái gì xảy ra trên thực tế, xảy ra như thế nào, lúc nào và ở đâu – họ đã giành được sự tin cậy và vì thế tin tức của họ được sử dụng rộng rãi. Để bảo vệ danh tiếng khách quan của mình, cả AP và UPI đều thực hiện những luật lệ nghiêm ngặt. Những luật lệ này ngăn không để các báo thay đổi quá nhiều tin gốc của AP và UPI trong khi vẫn tuyên bố các hãng này là nguồn.

Ngoài việc bán thông tin, AP và UPI hàng ngày còn cung cấp hàng chục bức ảnh và tranh châm biếm chính trị cho những mục chính của các báo. Những bức ảnh này thể hiện những quan điểm khác nhau và biểu hiện mọi thái độ, từ ca ngợi đến chế nhạo. Những người đặt mua được tự do lựa chọn và cho in ấn những gì họ thấy phù hợp với mình nhất.

Tự do thông tin

Do ở Mỹ không có một hãng thông tấn chính thức hoặc của nhà nước nào nên cũng không có tờ báo chính thức hoặc của nhà nước nào cả. Không có sự kiểm duyệt của nhà nước, không có “quy định về bí mật quốc gia”, cũng như bất cứ luật nào nói, ví dụ như, hồ sơ của nhà nước phải giữ bí mật sau nhiều năm. Luật tự do thông tin cho phép tất cả mọi người (người Mỹ hay nước ngoài), kể cả phóng viên báo chí, lấy được thông tin mà nơi khác đơn giản là “không có”. Các tòa án và thẩm phán không thể cấm in một câu chuyện hay xất bản một tờ báo. Ai đó có thể kiện lên tòa sau đó, nhưng tất nhiên lúc ấy câu chuyện đã được đăng.

Các cố gắng của nhà nước giữ không để cho những người đã từng là nhân viên tình báo cho đăng các bí mật của họ đã từng hứa – không “kể toàn bộ câu chuyện”, trích nguyên lời của báo chí – luôn gặp phải thất bại. Một trong những ví dụ dược nhiều người biết đến nhất là khi tờ The New York Time và The Washington Post cho đăng cái gọi là “Tài liệu của Lầu năm góc”. Đây là những tài liệu mật liên quan đến chính sách quân sự của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Sau đó phía báo chí đã thắng Tòa án tối cao. Tòa án tuyên bố (1971): “Quyền của nhà nước kiểm duyệt báo chí được hủy bỏ để báo chí có thể duy trì mãi mãi sự tự do đối với sự kiểm duyệt nhà nước”.

Truyền thống của người Mỹ “bới móc những chuyện bê bối” – đào bới những chuyện bẩn thỉu và phơi bầy cho công chúng thấy – vẫn rất mạnh, và phóng sự điều tra vẫn là một phần lớn công việc của nhà báo. Đây là một lý do giải thích tại sao nhiều thanh niên Mỹ thích nghề báo chí, cho đó là một cách để tạo thay đổi trong xã hội. Tất cả những ai nổi tiếng, dù là chính trị gia, thẩm phán, cảnh sát, tướng tá, nhà kinh doanh hàng đầu, ngôi sao thể thao, hoặc những người hoạt động trong ngành điện ảnh và truyền hình đều là nhân vật được công chúng biết đến.

Rõ ràng, một số người Mỹ không hài lòng với truyền thống viết phóng sự điều tra này. Họ cho rằng thói quen này đã đi quá xa, đến mức làm người ta hiểu sai về đất nước này, đến mức hầu như không thể giữ cho cuộc sống cá nhân khỏi bị đụng chạm. Họ nói báo chí không phải và không nên là một phần của nhà nước.
Giới báo chí Mỹ là phản ứng lại bằng cách trích dẫn những bản quyền của họ được hiến pháp quy định và nhắc lại một cách tự hào những lời cao quý của Thomas Jefferson: “Tự so của chúng ta phụ thuộc vào tự do báo chí, và hạn chế tự do là đánh mất nó”. Giới báo chí cho rằng họ làm công việc phục vụ công chúng, một công việc cần thiết cho một chế độ dân chủ lành mạnh. Tất nhiên, họ cũng biết, cái kém phần cao quý hơn là khi một sự việc được che đậy bí mật thì lại được đưa lên những trang đầu để họ có thể bán được rất nhiều báo.

Tạp chí

Ở Mỹ có trên 11.000 tạp chí và ấn phẩm ra định kỳ. Hơn 4.000 ấn phẩm ra hàng tháng, khoảng 500 ấn phẩm ra hàng tuần. Các tạp chí này viết về mọi chủ đề và môi quan tâm, từ nghệ thuật và kiến trúc đến tennis, từ hàng không và làm vườn đến máy vi tính…

Trong các tạp chí tin tức hàng tuần, những tạp chí nổi tiếng nhất là Time (Thời đại), Newsweek (Tuần tin tức), và U.S.News and World Report (Tin Mỹ và thế giới), các tạp chí này đóng vai trò như một theer loại báo chí quốc gia. Chúng cũng có ảnh hưởng quốc tế khá lớn, lớn nhất là tạp chí Time. Tạp chí tin tức này hiện ra hàng tuần với hơn 200 số trong nước Mỹ, và trên 100 số ở nước ngoài. Trong bất kỳ trương hợp nào, không một ấn phẩm nào được nhiều người đọc trên thế giới như Time.

Có hai lý do giải thích tại sao Time lại có ảnh hưởng quốc tế đến như vậy. Thứ nhất, một số tạp chí tin tức khác được phỏng theo hình mẫu của Time, trong đó có các tạp chí tin tức hàng đầu ở Pháp, Đức, Italia. Thứ hai, Time cũng bán tin tức, tin dặc biệt, phỏng vấn, ảnh, đồ thị và sơ đồ cho các tạp chí khác trên khắp thế giới. Dođó, những chuyện đặc biệt được đăng ở Time lần đầu tiên đựơc nhiều ấn phẩm ở nhiều nước khác đăng lại.

Các tạp chí tin tức đều nhằm vào các độc giả trung niên và có học. Cũng có nhiều tạp chí định kỳ viết nhiều về các chủ đề nghiêm túc như giáo dục, chính trị và văn hóa. Tạp chí nổi tiếng nhất trong số đó là The Atlantic Monthly (Nguyệt san Đại Tây Dương), Harvard Educational Review (Tạp chí Giáo dục Harvard)…Những tạp chí được nhiều người đọc như thế cùng với hàng trăm tờ báo chuyên ngành đã tạo ra một diễn đàn rộng lớn và thực chất để thảo luận một cách nghiêm túc.

Rất nhiều bài báo lần đầu tiên xuất hiện trên những ấn phẩm này thường cũng lại được đăng trên khắp thế giới hoặc in thành sách. Với các ấn phẩm nghiêm túc như vậy thì trường tiêu thụ khá mạnh. Tạp chí National Geographic (Địa lý quốc gia) có lượng lưu hành bình quân 10 triệu bản, Consumer Report (Ý kiến người tiêu dùng) khoảng 3,8 triệu bản. Có trên 70 tạp chí ở Mỹ mỗi loại bán được trên 1 triệu bản cho một số, và một số lượng gần như tương tự các tạp chí bán trên 500.000 bản mỗi số.

Sách

Dù lo ngại việc thông tin điện tử có thể làm mất đi việc xuất bản sách, song sự thật lại có vẻ như ngược lại. Kể từ khi truyền hình ra đời, sách bán ra lại tăng lên đáng kể, vượt hơn nhiều so với mức tăng dân số. Và một cuộc điều tra quãng thời gian từ 1988 đến 1993 cho thấy sách bán ra tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ bán các chương trình TV, tạp chí, báo, đài hoặc phim. Trên thực tế, Mỹ dẫn đầu về số sách được đọc theo đầu người. Những cuốn sách này gồm từ những sách hiện bán chạy nhất hoặc sách tiểu sử cho đến sách về các sự kiện lịch sử, về làm vườn và nấu ăn hoặc sách về kỹ thuật và bách khoa toàn thư.

Đã có một số lý do được đưa ra để giải thích thực tế này. Trước hết, trường học ở Mỹ có truyền thống chú trọng và cố gắng tạo “lòng ham mê đọc sách”, khiến cho nó trở thành một thói quen. Sự quan tâm về giáo dục này đã thành công. người ta có thể nhận thấy có nhiều người đọc sách như thế nào, họ không chỉ đọc tạp chí hay báo, trên các xe buýt trên thành phố, sân bay, trong giờ nghỉ ăn trưa, hoặc trên bãi tắm. Thứ hai, các thư viện công cộng luôn hoạt động tích cực ở các khu dân cư trên toàn quốc. Cả ở lĩnh vực này chính sách chung là đem sách đến với người dân chứ không phải bảo vệ sách không cho dân sử dụng.

Lý do thứ ba và có thể là lý do quan trọng nhất là không có luật nào quy định ai là người bán sách và quy định giá cả cố định. Ai cũng có thể bán sách mới và cũ với giá giảm và giá khuyến khích, và gần như mọi người đều bán sách. Đã từ lâu, sách được bán ở khắp nơi, ở hiệu thuốc và cửa hàng tự phục vụ, quầy hàng bách hoá, các câu lạc bộ sách, các trường học và tại các quầy sách thông thường.

Nhiều hiệu sách ở các trường đại học là của sinh viên và do sinh viên quản lý. Các hiệu sách này hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, có nghĩa là mọi lợi nhuận giành để làm cho giá sách thấp xuống, để trả lương cho những sinh viên phục vụ trong cửa hiệu, và thường để dành làm các học bổng cho sinh viên và các hình thức tài chính khác.

Các chương trình truyền hình và phát thanh toàn quốc, các phim mới, và sách ở dạng phim thường góp phần làm cho sách bán được khá nhiều.

Và lý do cuối cùng là do có một số sự hài hước đặc biệt Mỹ đối với toàn bộ thực tế này. Một số người Mỹ viết sách trong những năm 1980 cho rằng người Mỹ chưa đọc đủ hoặc ít ra chưa đọc “đúng cái đáng đọc”. Và những sách này cũng trở thành những cuốn bán chạy nhất.

Đài phát thanh và truyền hình

Nói về đài phát thanh và truyền hình Mỹ là một điều khó khăn, đơn giản là vì có qua nhiều cái để nói, nhiều thể loại khác nhau, và nhiều hình thái khác nhau.

Năm 1993, có trên 11.500 đài phát thanh riêng biệt hoạt động ở Mỹ. Trong số đó trên 1.600 đài phát thanh không mang tính thương mại, có nghĩa là không cho phép bất cứ quảng cáo hay quảng cáo thương mại nào. Những đài phát thanh giáo dục và công cộng này chủ yếu là của các trường cao đẳng và đại học, các trường trung học địa phương và các sở giáo dục, các nhóm tôn giáo khác nhau, và do họ điều hành.

Đồng thời, có 1.500 trạm truyền hình khác nhau, không chỉ là trạm chung chuyển để chuyển tiếp các chương trình. Trong số các trạm truyền hình này, 350 trạm không mang tính thương mại, không có lợi nhuận và mang tính giáo dục về bản chất, không cho phép quảng cáo các loại.

Giống như các trạm phát thanh phi thương mại, các đài truyền hình phi thương mại được sự trợ giúp từ cá nhân quyên góp, được tài trợ từ các quỹ và các tổ chức tư nhân, cộng với nguồn tài chính từ liên bang, bang và thành phố.

Tất cả các đài phát thanh truyền hình ở Mỹ, công cộng hay tư nhân, giáo dục hay thương mại, lớn hay bé, đều phải có giấy phép thu phát sóng từ Uỷ ban thông tin lên bang (FCC), một tổ chức liên bang độc lập. Mỗi giấy phép có giá trị chỉ trong một vài năm. Và các giấy phép này không được bán đấu giá cho những nhà thầu trả giá cao nhất như ở một số nước khác. Nếu các đài phát thanh truyền hình không tuân thủ quy định của FCC, họ có thể bị thu hồi giấy phép. Có một số quy định cần phải lưu ý.

Mặc dầu FCC quản lý việc truyền thanh và truyền hình, cơ quan này không quản lý việc thu sóng. Vì thế, ở Mỹ sở hữu các máy thu thanh và thu hình hoặc tiếp nhận bất cứ gì được phát đi đều không mất cước phí, không bị khoản thu nào, không mất thuế. Điều này vẫn là sự khác biệt chủ yếu giữa Mỹ và các nước khác, ở những nước này, luật pháp buộc mọi người phải trả lệ phí giấy phép, thậm chí khi người ta không xem những chương trình mà vẫn phải trả lệ phí, và thậm chí khi những chương trình này có cả quảng cáo thương mại.

Luật pháp cấm bất cứ bang nào hoặc chính quyền liên bang nào được sở hữu hoặc điều hành các đài phát thanh và truyền hình. Cũng không có sự kiểm duyệt của nhà nước hoặc “duyệt lại” chương trình và nội dung. Không có ban sở nào của nhà nước hay các nhóm được chỉ định nào để kiểm soát bất cứ việc phát thanh và truyền hình nào. Thay vào đó, FCC bảo dảm rằng không có tình trạng độc quyền nào tồn tại và mỗi lĩnh vực phải có nhiều thể loại chương trình và nhiều đài phát.

FCC cũng quản lý quyền sở hữu thông tin: ví dụ, không một tào báo nào có thể đồng thời sở hữu đài phát thanh hoặc truyền hình ở chính khu vực của họ, hay một đài phát thanh đồng thời sở hữu đài truyền hình ở cùng một nơi. Các chính sách này và những chính sách khác của FCC có nhiều tác dụng ngăn chặn bất cứ một nhóm nào có quá nhiều ảnh hưởng ở bất kỳ lĩnh vực nào và bảo đảm cho mỗi đơn vị có những lựa chọn rộng rãi.

Với chính sách “mỗi người đều có một cái gì đó”, thậm chí ở những nơi chỉ có 10.000 hoặc khoảng từng đó dân cũng thường có hai đài phát thanh địa phương. Các đài này có thể phát các sự kiện của địa phương và các bài về nông nghiệp, thời tiết và tình trạng đường xá trong vùng, về các cuộc họp của hội đồng thành phố, hoạt động của nhà thờ, các sự kiện thể thao và những việc khác mà dân chúng địa phương quan tâm. Họ cũng phát tin tức trong nước và quốc tế lấy từ các đài hoặc mạng lưới các đài lớn hơn và nhấn mạnh bất kỳ cái gì có thể là “câu chuyện quan trọng” ở thị trấn nhỏ đó.

Ngược lại, các thành phố lớn có rất nhiều đài phát thanh địa phương phục vụ, thường là hơn 25 đài, người dân sống ở các thành phố, ví dụ nhu New York, Chicago, hoặc Los Angeles, được chọn đến 100 đài sóng AM và FM và rất nhều “dạng” khác nhau.

Hầu hết các đài phát thanh mang tính thương mại đều có các chương trình riêng, một loại chương trình thu hút đối tượng nghe nhất định. Một vài trong số các chương trình phát thanh phổ biến nhất được in dưới đây với số lượng gần chính xác các đài phát thanh ở Mỹ cho mỗi thể loại (một số đài có thể nhiều loại hơn). Để đổi từ thể loại này sang thẻ loại khác, các đài phát thanh phải được FCC cho phép.

Mặc dù có khoảng 2.700 đài phát thanh phát nhạc đồng quê, nhưng thị trường người nghe cho mỗi đài chỉ là 11% so với khoảng 15% cho các đài phát tin tức và đàm thoại. Thị trường người nghe của 1.200 đài tôn giáo chỉ là 2%.

Các đài truyền hình cũng rất đa dạng, mặc dù nhìn chung có ít đài truyền thanh. Các thành phố và khu vực nhỏ có một hoặc hai địa phương, và các thành phố lớn hơn có 10 hoặc hơn. Chín mươi phần trăm toàn bộ các gia đình Mỹ có thể tiếp nhận ít nhất sáu đài truyền hình khác nhau, và hơn 60% có thể tiếp nhận từ 10 đài trở lên không cần cáp, không cần phải trả cước phí hoặc bất cứ khoảng nộp nào.
Chính sách cho phép hầu như tất cả mọi người đều có chút quyền lợi đã dẫn đến nhiều vô cùng thể loại khác nhau. Ví dụ, chính sách này dẫn đến hàng trăm đài phát thanh bằng tiếng nước ngoài, trong đó có các đài phát bằng tiếng Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Ba Lan, Bồ Đào Nha. Trên 350 đài phát thanh trên toàn nước Mỹ phát bằng tiếng Tây Ban Nha, 75 trong số đó phát hơn 10 giờ một ngày.
Khoảng sáu đài phát thanh là của các nhóm và bộ tộc người thổ dân da đỏ Mỹ. Có khoảng 400 đài do sinh viên các trường đại học điều hành. Trong số này, nhiều đài là thành viên của hệ thống phát thanh của các trường đại học trong toàn quốc mà ở đó họ chia sẻ quan điểm và tin tức với nhau.

Hệ thống Đài phát thanh công cộng toàn quốc (NPR) là hiệp hội gồm các đài công cộng, có nghĩa là không mang tính thương mại và là những đài mang tính giáo dục. NPR đặc biệt nổi tiếng về tin tức có chất lượng và các chương trình thảo luận. Một hệ thống đài phát thanh công cộng khác, hệ thống Đài phát thanh cộng cộng Mỹ(APR), thì cung cấp chương trình giải trí và bình luận, chương trình Người bạn đồng hành của quê hương đồng cỏ đã trở thành chương trình quốc gia được hâm mộ. Những chương tình nghiêm túc khác như mọi điều suy ngẫm (của NPR) đã đem lại cho các đài địa phương của hệ thống này sự trung thành vững chắc của người nghe. Và nhiều người đã quyên góp tiền cho những đài này tiếp tục hoạt động.

ABC,CBS,NBC,hoặc Fox không phải là hệ thống truyền hình lớn nhất. Những cơ sở này cũng không phải là một trong những hệ thống truyền hình tin tức và các chương trình liên quan đến tin như CNN (Hệ thống truyền tin cáp), không phải là ESPN, hệ thống truyền hình cáp về các loại thể thao, hoặc thậm chí MTVnổi tiếng về các băng video ca nhạc. Đúng hơn các đài này thuộc Hệ thống truyền hình công cộng.

PBS đặc biệt nổi tiếng nhờ chất lượng của nhiều chương trình truyền hình giáo dục của mình, đó là các chương trình chuyên vê dụng cụ giáo dục cho tất cả lứa tuổi khác nhau. Nova, những điều đặc biệt về Địa lý quốc gia, và Những hiểu biết về khoa học Mỹ, là cơ sở của một số chương trình này. Trên 95% các đài truyền hình công cộng này có các chương trình học từ xa, được trên .800 trường đại học và cao đẳng trong toàn quốc chấp nhận và ủng hộ. Mỗi năm trên ¼ triệu sinh viên “theo các khóa học” kiểu này.

Các chương trinh mới cho trẻ em như Barney và các bạn kế tục tuyền thống của PBS là các chương trình truyền hình có chất lượng cho trẻ em chưa đến tuổi đi học, và có các chương trình dài kỳ như truyền hình trực tiếp từ trung tâm Lincoln, truyền những vở opera và các bản nhạc hay nhất, trực tếp và không mất tiền.

Phần đông người Mỹ xem các chương trình của đài truyền hình thương mại. Khoảng 70% chương trình của các đài này được lấy từ bốn hệ thống thương mại. Các tổ chức này có một số lợi thế nhờ lượng tài chính và những người làm công tác chuyên môn của mình.Quan trọng hơn cả, họ có thể duy trì các tổ chức thu thập tin tức lớn trong toàn quốc và trên thế giới. Họ cũng thu được khá nhiều tiền từ việc bán tin và băng video cho các đài truyền hình quốc tế khác.

Tất cả bốn tổ chức này đều có các chương trình tin toàn quốc trong đó cũng đưa chủ yếu các tin nổi bật vào cá buổi sáng trong suốt cả tuần. Tất cả đều có các chương trình tin cố định phát hành nhiều kỳ. Trong số các chương trình được nhiều người biết đến nhất có chương trình 60 phút của CBS và The MacNeil hay Lehrer Newshour của PBS (MacNeil thôi không làm chương trình này năm 1995). Chương trình chuyền hình tồn tại lâu nhất trên thế gới là chương trình Gặp gỡ với giới báo chí của NBC, được phát hàng tuần từ năm 1948.
Trên thực tế, các hệ thống truyền hình thương mại đã tăng số lượng các chương tình hay với giới báo chí và chuyền các chương trình này vào “thời điểm quan trọng”. Các truyền hình địa phương cũng có lực lượng đi săn tin, phóng viên, và đội ngũ làm phim của riêng họ.

Đã có nhiều sách và các bài nghiên cứu, và các bài viết mang tính quần chúng về truyền hình thương mại Mỹ và các chương trình của nó, về chất lượng và kém chất lượng của chương trình, tác động trên thực tế và tưởng tượng của các chương trình này, về biểu tượng, các câu chuyện huyền thoại và sức mạnh của truyền hình thương mại. Tuy nhiên, cũng có không ít các nhóm áp lực ở Mỹ như các nhóm tôn giáo, giáo dục, và các nhóm đại diện cho các công ty quảng cáo, nên chương trình truyền hình thương mại phải truyền những gì mà phần đông dân chúng muốn xem.

Dân chúng Mỹ thường xuyên kiểm tra các chương trình đại chúng như vậy để xem họ nói gì về truyền hình Mỹ, về người Mỹ, hoặc thậm chí về các chủ đề trừu tượng như “lối sống của người Mỹ”.

Nhưng hầu hết các chương trình thương mại dài kỳ và các chương trình nói chung đã thành công ở Mỹ cũng đều thành công trên thế giới. Các nước chỉ có hệ thống truyền hình do nhà nước kiểm soát hoặc cung cấp tài chính thường mua và chiếu các chương trình này. Không một hệ thống truyền hình thương mại nào ở Mỹ cho rằng các chương trình dài kỳ như Dallas là vở kịch hay. Nhưng họ thấy các công ty truyền hình ngoại quốc như BBC hoặc ITV tranh giành nhau quyền phát sóng và các công ty khác vội vã làm các chương trình tương tự, vì thế họ kết luận rằng các chương trình giải trí nhiều kỳ này trên thực tế được quần chúng yêu thích.

Đôi khi người phê bình quên rằng một số chương trình có nguồn gốc từ Mỹ, hoặc có “giấy phép” từ Mỹ, và điều này đã dẫn đến những kết quả thú vị. Ví dụ,một bài báo trên tờ The Times (của London) năm 1992 đã phê phán mạnh mẽ một chương trình về trò chơi của Đức rằng đã “phơi bày toàn bộ mọi mặt về đời sống vật chất của xã hội Đức”. Điều này cũng ngớ ngẩn tương tự như việc đánh giá người Mỹ như thế nào qua việc người Mỹ xem hinh mẫu của họ, Bánh xe vận mệnh. Cả hai trường hợp đều thể hiện sự thiển cận.

Ngày nay, việc những nơi muốn quảng cáo có ảnh hưởng ở mức độ nào đến việc xây dựng chương trình truyền hình không còn được quan tâm nhiều như trước đây. Các quảng cáo thương mại đủ thế loại, từ những quảng cáo thú vị , hay thông minh đến những quảng cáo tẻ nhạt, chán ngắt và ngốc nghếch. Những nhà quảng cáo học dược một điều là trừ phi các quảng cáo của họ có một chút thú vị nếu không người xem sẽ chuyển sang kênh khác hoặc đứng lên làm việc khác khi có “nghỉ” quảng cáo. Năm 1990, Quốc hội thông qua luật giới hạn thời gian quảng cáo trong các chương trình truyền hình cho thiếu nhi là từ 10 đến 12 phút mỗi giờ. Không một chương trình nào khác bị giới hạn thơi gian quảng cáo như vậy.

Với các chương trình chuyền hình công cộng ngày càng được phổ biến rộng rãi và truyền hình cáp không mang tính thương mại, người xem nếu muốn có thể chuyển sang các kênh không có quảng cáo. Kinh nghiệm ở các nước dẫn đầu về số lượng chương trình truyền hình – theo thứ tự là Canada, Mỹ, và Nhật Bản – cho thấy, thậm chí với nhiều sự lựa chọn, các chương trình với mục đích thương mại vẫn được nhiều người ưa thích.

Cho dến cuối những năm 1980, người ta vẫn không biết chắc liệu các “giải pháp” về truyền hình mất tiền, truyên hình vệ tinh và truyền hình cáp như dự đoán có trở thành hiện thực hay không. Những người hoài nghi cho rằng các công ty truyền hình cáp sẽ phải có cái gì đó rất đặc biệt để làm cho người Mỹ phải trả tiền cho cái họ có thể xem, các chương trình thương mại thông thường và truyền hình công cộng không phải mất tiền.

Những nơi khác thì băn khoăn làm thế nào để bắt mọi người phải trả tiền cho cái mà người ta có thể có được với một đĩa về tinh. Đến nay thì rõ ràng những người hoài nghi này đã sai. Truyền hình cáp vệ tinh, và thể loại kết hợp cả hai hình thức đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành truyền hình video ở Mỹ. Kết quả là đã ra đời các chương trình mới, đa dạng hơn, thuộc đủ các thể loại.

Không giống như ở nhiều nướ khác, ở Mỹ không có một hệ thống truyền hình cáp duy nhất, một chính sách chung toàn quốc, và không có danh mục những gì có thể hoặc không thể được truyền hình cáp. Nói một cách khác, ở mỗi địa phương dân chúng được tự do chọn hệ thống truyền hình, với những chương trình và giá cả họ chấp nhận (nếu có)trong số nhiều công ty truyền hình cáp đang cạnh tranh nhau.

Có nhiều thể loại hệ thống và chương trình khác nhau. Một số giới thiều các phim hàng đầu mới nhất trên các hệ thống xem mất tiền, một số chiếu các vở opera và nhạc giao hưởng. Tất cả các hệ thống này đều sẵn sàng cung cấp các kêng truyền hình “công chúng tham gia” trong đó các cá nhân và nhóm dân chúng tự lập nền các chương trình của mình.

Ở Mỹ hiện có tất cả 11.600 hệ thống truyền hình cáp đang hoạt động phục vụ khoảng 33.000 khu vưc dan cư. Rất nhiều chương trình mới khác nhau theo ý thích của những nhóm nhỏ hoặc những ý thích đặc biệt cũng ra đời.

Nước Mỹ có truyền thống thận trọng trong việc ngăn chặn bất cứ hình thức độc quyền truyền hình (hoặc truyền thanh) hay một thể loại chương trình nào. Các hệ thống truyền hình không phải là các đài quốc gia, mặc dù nhiều chương trình được chiếu toàn quốc. Tuy nhiên, không có đài phát thanh hay truyền hình nào được phép phát sóng trên toàn quốc. Các đài phát vệ tinh và cáp kết hợp đã tăng thêm thể loại chương trình và sự lựa chọn cho khán giả

Trên thực tế có các kênh được khán giả trên toàn quốc và hơn thế nữa, trên thế giới chọn xem. Hai kênh nổi tiếng nhất trong số đó là MTV và CNN. MTV khởi đẩu là một kênh giới thiệu về truyền hình cáp, đã trở thành một kênh quốc tế 24 giờ trong ngày. Nhiều nước đã xem chương trình này ở các thể loại đa dạng dành cho từng khu vực.

CNN, mạng tin truyền hình cáp, cũng khởi đầu từ một ý tưởng mà ngược trở lại năm 1980 ít ai nghĩ có thể thành công. Đài này đã có đội ngũ lấy tin tức toàn thế giới, và các hệ thống truyền hình lớn, được cung cấp tài chính đầy đủ ở các nước khác, cũng đã cho mục tin tức là thế mạnh của họ.

Cần thêm một vài nhận xét về “một người Mỹ điển hình” xem truyền hình nhiều đến mức độ nào. Rõ ràng là có rất nhiều cái và nhiều thể loại để xem. Các sự kiện thể thao được truyền trực tiếp và đầy đủ, thu hút rất nhiều người xem. Các bộ phim mới ra không bị cắt bỏ được nhiều người ưa thích và luôn có ít nhất một đài truyền hình có “phim chiếu muộn”, thường là các phim rùng rợn của phương Tây hoặc Nhật Bản bắt đầu chiếu từ nửa đêm và kéo dài đến ba hoặc bốn giờ sáng.

Các báo thông thường thường không thận trọng khi đưa các số liệu về thời gian xem truyền hình. Các con số thống kê của Mỹ phát hành hàng năm cho thấy thời gian trung bình một gia đình Mỹ điển hinh bật máy truyền hình mỗi ngày (và đêm) chứ không phải thời gian thực tế họ xem truyền hình. Khác biệt này là điều quan trọng. Vậy là cái được tính là toàn bộ thời gian máy truyền hình được bật (nay là 7 giờ trong một ngày). Trên thực tế, số giờ một người Mỹ được gọi là bình thường xem không thay đổi trong ba năm qua khoảng 4,5 giờ một tuần.

Ở Mỹ, máy truyền hình được bật lên theo cách và với cùng lý do như việc bật đài, đó là tiếng động và nhạc nền. Trong cả hai trường hợp mọi sinh hoạt vấn tiếp tục. Nhiều chương trình buổi sáng và ban ngày chỉ được xem ngắt quãng, trong khi các việc khác vẫn tiếp diễn và chỉ thỉnh thoảng đựơc để mắt tới.

Liên lạc điện tử

Đã trở thành điều thông thường, thậm chí lỗi thời khi chỉ ra rằng sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và truyền thông, hai lĩnh vực một thời hòan toàn biệt lập, sẽ làm thế giới “như thế giới chúng ta đã biết” thay đổi. Hoặc, rằng sẽ có những thay đổi to lớn trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, cung cách và trình tự sống và làm việc. Những nhận xét như thế không chỉ ngày càng lỗi thời mà còn không nắm bắt được một điểm là ở Mỹ ngày nay, cái gì là hiện tại và cái gì là tương lai, có thể nói, là cái đang diễn ra hiện nay.

Các hệ thống máy tính và đường truyền cáp, điện thoại và vệ tinh và các nhà xuất bản hiện được lên kết và hòa quyện với nhau. Qua chính sách xóa bỏ các quy chế của nhà nước đối với một số lĩnh vực cơ bản có thể “thay thế” được cho nhau.

Nhiều trường hợp mà thường chỉ một vài năm trước, có vẻ như không thể xảy ra thì giờ đã trở thành hiện thực hoặc thậm chí một vấn đề đã lùi vào quá khứ. Năm 1992, hệ thống cáp quang 150 kênh đầu tiên trên thế giới đã đi vào hoạt động ở khu các hoàng hậu ở thành phố New York. Năm mươi trong số các kênh này là kênh phim với khả năng phối hợp được với nhau, người xem có thể “gọi điện đến” và đặt chương trình muốn xem riêng của mình.

Xa lộ thông tin rộng lớn của Mỹ (hay còn gọi là “infobahn”) vẫn đang được thiết kế và xây dựng “từng byte một”. Đồng thời, hệ thống máy vi tính và dịch vụ thương mại trên mạng thường được coi là “những đường dẫn nối” tới đường cao tốc – đã rất bận rộn và đông đúc. Sự phát triển nhanh chóng này thể hiện rõ nhất trong hệ thống Internet. Hệ thống này bắt nguồn từ một hệ thống mạng khá hạn chế của Chính phủ Mỹ nhưng nhanh chóng phát triển thành hệ thống ban đầu là của quốc gia, sau đó trở thành hệ thống của thế giới, hệ thống trung tâm của các hệ thống.

Không ai biết có bao nhiêu người trên khắp thế giới sử dụng mạng Net. Vào giữa những năm 1990, có thể thấy những dự đoán chuyên môn về số người sử dụng mạng Net là từ khoảng 20 đến 50 triệu người. Và nếu dự đoán chung là khoảng 60 đến 70% số người sử dụng vẫn ở Mỹ không thôi, thì tốc độ sử dụng Internet này lan tràn tới những nước khác cũng đã rất chú ý rồi.

Chỉ riêng việc hệ thống Internet được biết đến nhanh chóng như thế nào trên khắp thế giới, và đặc biệt đối với công chúng nói chung, cũng có thể dễ dạng nhận thấy. Nhìn vào tốc độ nhanh chóng mà hệ thống Internet và thông tin về nó đã lan tỏa, thì sẽ là không khôn ngoan chút nào nếu dự đoán về tương lai của một cuộc cách mạng thay đổi thông tin nhanh chóng biết nhường nào và hiện đang lan rộng.

Tất nhiên, còn có rất nhiều câu hỏi cơ bản về cuộc cách mạng này mà chắc chắn sẽ tiếp tục được đặt ra vượt qua cuộc tranh cãi hiện nay. Một lần nữa, lấy Internet làm ví dụ, những câu hỏi như vậy gồm ai, nếu có, sẽ hoặc nên “kiểm soát” hay “chỉ đạo” Internet. Hiện nay không ai và không chính phủ nào làm những công việc đó, và thậm chí câu hỏi này có thể gây ra một sự tức giận lớn đối với những người cảm thấy rằng Internet không nên (hoặc nói cách khác, không thể) bị kiểm soát.

Những vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ là những vấn đề rõ ràng đáng quan tâm. Một số người hêt sức lo lắng rằng những lĩnh vực có thể bị các phương tiện thông tin đại chúng “truyền thống” hạn chế về mặt luật pháp với, chẳng hạn, phim ảnh khiêu dâm, hay văn học mang tính phân biệt chủng tộc, lại có thể di chuyển một cách hữu hiệu khắp mọi nơi. Các cơ quan cảnh sát đang phải giải quyết một thực tế là tội phạm có tổ chức đã không hề chậm trễ trong việc thích nghi với những công nghệ truyền thông mới (và việc “bắt giữ máy tính cá nhân” chẳng giúp ích được gì).

Có những lo lắng thường trực của các bậc cha mẹ và thầy cô giáo rằng điều đó sẽ có nghĩa là một “sự mù chữ mới”, còn những người khác lại thấy rằng thư điện tử đối với bạn bè qua thư từ, rốt cuộc, chỉ là viết và đọc.

Tại Mỹ, có một sự chú ý đặc biệt đối với những cuộc tranh luận này, điều này làm chậm đáng kể ngày tháng của các cuộc tranh luận và sẽ (chúng tôi tin tưởng dự đoán như vậy) làm cho các cuộc tranh luận đó tiếp tục diễn ra.

Tất cả những câu hỏi như vậy và tương tự như vậy sẽ được giải quyết bằng quyền tập trung hàng đầu tới những khái niệm như “quyền tự do ngôn luận”, và “quyền tự do hội họp”. Một số nhà quan sát hiện nay đã nhận thấy một sự nhất trí trên khắp cả nước về “quyền phát triển thông tin”. Nhưng chúng tôi cảm thấy đây là một vấn đề đối với tương lai.
Bạn đọc: Lê Oanh (Hà Nội)

Trở thành nhà báo chỉ với một blog

TMT (Technology, Media & Telecommunication) là một tổ chức chuyên nghiên cứu về truyền thông trực thuộc Deloitte Touche Tohmatsu - một trong bốn hãng kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới. Deloitte có văn phòng đại diện tại 140 quốc gia trên toàn thế giới (trong đó có Việt Nam), với 135.000 nhân viên. Tập đoàn này cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn kinh doanh và tư vấn thuế cho hơn 80% các khách hàng lớn trên thế giới, bao gồm: các công ty đa quốc gia, các doanh nughiệp tầm cỡ quốc gia, các công ty truyền thông … với doanh thu đạt trên 20 tỷ USD/năm.
Dự báo về truyền thông thế giới là một trong những tài liệu do TMT nghiên cứu dưới sự quản lý của Deloitte. Đây là tài liệu quan trọng của hãng dùng để tư vấn chiến lược phát triển cho các công ty truyền thông. Tài liệu được xây dựng dựa trên 36 cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo truyền thông trên khắp thế giới và các bài báo do các phóng viên của TMT viết trên tờ Financial Times trong suốt thời gian qua.



"Với một chiếc bút vẽ bạn rất có thể sẽ trở thành Picasso - Với một blog bạn hoàn toàn có thể trở thành nhà báo". Đó là nhận định thú vị về xu hướng nhà báo công dân được đăng tải trong tài liệu Dự báo về truyền thông thế giới do TMT, một tổ chức chuyên về truyền thông mới công bố năm nay.

Trong năm 2006, chúng ta đã được chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các blogger trên mạng Internet. Số lượng các blog tăng như “nấm sau mưa”. Chỉ với một trang cá nhân miễn phí, công chúng lập tức trở thành người đưa tin.
Với một chiếc máy quay kỹ thuật số, hay chỉ là chiếc điện thoại di động, ai cũng có thể tự sản xuất một bộ phim ăn khách trên mạng Interent. Điều này khiến cả Hollywood bàng hoàng.
Đến năm 2007, xu hướng này còn phát triển rầm rộ hơn. Số lượng blog, thuê bao di động tăng không ngừng, web cá nhân nở rộ. Số lượng người truy cập blog hàng ngày cũng tăng cao. Nếu không tính các blog của những nhà báo, biên tập viên nổi tiếng, đã có những blog cá nhân đạt đến mức 60 triệu người truy cập.
Vì thông tin trên các blog không thể đảm bảo tính chính xác hoàn toàn nên tại thời điểm hiện tại, blog không thể lấn lướt các phương tiện truyền thông chính thống.

Nhưng không có nghĩa rằng nhà báo công dân và các thiết bị số không đóng vai trò gì trong thế giới truyền thông. Những vụ lớn trên thế giới thời gian qua đã thể hiện rõ sự nhập cuộc và đóng góp quý giá của các nhà quay phim, chụp ảnh nghiệp dư (như vụ sập cầu tại Missisippi (Mỹ).

Có những blogger bộc lộ tài năng trong việc làm báo, công việc mà trước kia họ không bao giờ nghĩ đến. Nhờ có blog, nhiều tờ báo đã bổ sung thêm cho đội ngũ phóng viên năng động, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết.
Để theo kịp xu hướng này, nhiều tờ báo nổi tiếng như New York Times hay Wall Street Journal đã thiết kế blog cho độc giả của mình. Chiến lược này đã thu hút một lượng lớn độc giả đến với báo. Các trang chia sẻ video hay ảnh như Youtube, Flirk vì thế cũng làm ăn phát đạt.

Máy điện thoại di động ngày càng được các nhà sản xuất cho thêm nhiều chức năng, đặc biệt là các chức năng có liên kết với các blog, mạng xã hội….
Các loại hình báo chí như truyền hình, phát thanh tưởng như không mấy chịu ảnh hưởng của xu hướng này nhưng thực tế vai trò nhà báo công dân trong các chương trình trên TV hay đài phát thanh ngày càng thể hiện rõ. Những bức thư của khán giả, thậm chí bức vẽ của một em nhỏ hay những cuộc gọi điện từ phía thính giả cũng thường xuyên được lên sóng.
Trở lại nhận định thú vị của TMT "Với một chiếc bút vẽ bạn rất có thể sẽ trở thành Picasso. Tương tự như vậy, nếu sở hữu một blog bạn hoàn toàn có thể trở thành nhà báo". Với một chiếc bút vẽ bạn hoàn toàn có khả năng làm công việc Picasso từng làm, đó là vẽ. Giống như nếu có blog bạn có thể đưa tin đến với công chúng. Nhưng trở thành Picasso cũng như trở thành nhà báo chuyên nghiệp đều không dễ chút nào.
Trên đây là một trong những dự đoán của TMT về xu hướng phát triển của truyền thông trong những năm tới. Tuần Việt Nam xin được lần lượt giới thiệu với bạn đọc các xu hướng phát triển khác trong các bài tiếp theo.
H.T (theo Media Prediction)

ZenithOptimedia dự báo chi phí cho quảng cáo toàn cầu sẽ giảm 14 tỷ bảng.

Dự báo chi tiêu cho quảng cáo toàn cầu sẽ giảm 14 tỷ bảng chỉ hai tháng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính nhưng xét trong hiện tại thì tình hình lại càng khó khăn hơn ban đầu (theo ZenithOptimedia).



Bộ phận mua truyền thông của Publicis Groupe sẽ thông báo tại hội nghị truyền thông hàng năm, UBS tại New York, rằng dự đoán sẽ có sự sụt giảm nghiêm trọng trong tổng chi tiêu cho quảng cáo toàn cầu trong năm 2009, từ 4% xuống còn 0.2%.
Vào tháng 10 tổng chi tiêu này dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 4% nhưng hiện tại mức dự đoán chỉ còn 0.2%, với sự sụt giảm lớn nhất tại thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu.
Chỉ riêng tại Anh, ZenithOptimedia đã cắt giảm 427 nghìn bảng so với dự báo trước đó, và ước tính tổng giá trị của thị trường quảng cáo sẽ đạt 12.8 tỷ bảng trong năm 2009.Chi tiêu cho quảng cáo tại Bắc Mỹ sẽ giảm 5.7% so với năm 2008 vào năm tới.
Đối với khu vực Đông Âu, ZenithOptimedia đã giảm mức dự đoán của mình từ tăng trường 2.6% xuống còn sụt giảm 1%.Công ty này cũng đã điều chỉnh lại mức phát triển mong đợi ở khu vực Trung và Đông Âu, từ 12.7% xuống chỉ còn 1.5% tập trung vào các nền kinh tế vững chắc như Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Tuy nhiên ZenithOptimedia vẫn tin rằng sự phát triển của các thị trường quảng cáo sẽ dẫn đến sự phát triển về lâu dài, dự đoán rằng họ sẽ đóng góp lên đến 89% tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho quảng cáo từ năm 2008 đến 2011.

Khu vưc Mỹ Latin vẫn được xem là khu vực phát triển mạnh với tốc độ mong đợi là 14.9% trong 2009, dựa vào tốc độ tăng trường 30% tại Brazil.
Quảng cáo trực tuyến sẽ phát triển nhanh hơn vào năm 2009 ở mức 17.7%, trong khi đó quảng cáo trên báo chí và đài phát thanh có thể sụt giảm. ZenithOptimedia thông báo rằng vì sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, nên bây giờ công ty sẽ bắt đầu đánh giá số liệu qua từng tháng thay vì từng quý như trước đây.
Công ty cũng trông đợi sự phục hồi nhẹ của thị truờng bắt đầu từ quý 3 năm 2009.

Nikki Sandison(Minh Anh - Sưu tầm và lược dịch từ Brand Republic.com)

Báo kết hợp blog - lựa chọn mới của người Mỹ

Ra đời được 2 năm rưỡi, The Huffington Post là 1 trong 5 blog được nhiều người truy cập nhất trên thế giới. Đây là tờ báo mạng đi tiên phong trong việc cung cấp thông tin đa chiều cho độc giả bằng mô hình kết hợp với blog.
Năm 2005, The Huffington Post gia nhập làng truyền thông Mỹ dưới mô hình blog. Ban đầu, bài viết của nó là các entry từ blog của những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Điều đặc biệt trong cơ chế hoạt động của The Huffington Post chính là mọi bài báo đều không được hưởng nhuận bút. Và các blogger tham gia viết bài bằng tinh thần tự nguyện.


Mô hình báo kết hợp blog phát huy hiệu quả cao
Sau gần 2 năm rưỡi hoạt động với chi phí bỏ ra gần 10 triệu đôla, mô hình báo kết hợp với blog này dần dần đi vào hoạt động hiệu quả. Theo kết quả khảo sát gần đây, The Huffington Post là 1 trong 5 blog được nhiều người truy cập nhất và chắc chắn sang năm khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trở thành tâm điểm, con số này sẽ còn tăng gấp đôi.

Từ 3 nhân viên trong những ngày đầu thành lập, giờ đây, số nhân viên chính thức đã là 43 người - một con số ngoài sức tưởng tượng đối với cả những người điều hành tờ báo. Danh sách các blogger của Huffington lên đến 1,800 người, trong đó có cả những tên tuồi đình đám như học giả Bill Maher và Harry Shearer, cả người viết kịch bản kiêm đạo diễn Nora Ephron và diễn viên Steven Webber.

Slogan của tờ báo này là “Nếu một ngày bạn thức giấc, trong lòng đầy ắp tâm sự. Đừng ngần ngại: Hãy chia sẻ cùng chúng tôi”!

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành truyền thông ở Mỹ, với sự bùng nổ của Internet hiện nay, chỉ một, hai năm nữa thôi, The Huffington Post sẽ là một thương hiệu hàng đầu giống như MySpace và Facebook bây giờ.

Hiện tại, những chủ đề về chính trị và chống chiến tranh đang là tâm điểm của The Huffington Post. Tuy nhiên, những người điều hành tờ báo này đang hướng đến mục tiêu xây dựng The Huffington Post thành một tờ báo mạng với nguồn thông tin phong phú hơn. Willow Bay, cựu giám đốc sản xuất của CNN đang là tổng biên tập của tờ báo này, phụ trách về mảng đời sống xã hội.

Tuy nhiên, trang nhất của The Huffington Post vẫn sẽ là những bài viết nóng hổi về chiến tranh Iraq. Mục tiêu của Hufington là xây dựng tờ báo này thành một diến đàn xã hội với chủ đề là chiến tranh Iraq. Đây sẽ là nơi mà mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, từ những người yêu chuộng hòa bình đến những ai ủng hộ chính sách hiện tại của tổng thống Bush. Quan điểm về sự tự do là một trong những sức hấp dẫn lớn lao thu hút các blogger gửi bài đến cho tờ báo này.

Hilary Rosen, cựu chủ tịch của the Recording Industry Association ở Mỹ và một bình luận viên về chính trị thường xuyên của đài MSNBC tỏ ra hài lòng: “Thật là tuyệt khi thấy bài báo mình vừa viết lúc 3h sáng lại được đăng ngay lập tức và gần như không bị chỉnh sửa một từ nào”!

Giờ đây, trên The Huffington Post, từ những nhân vật nổi tiếng đến sinh viên đại học, giáo sư, chính trị gia, và những người bình thường đều có quyền nói lên tiếng nói của mình.

Trong khi các tờ báo truyền thống chỉ đăng tải những thông tin theo hướng một chiều, thì The Huffington Post lại làm ngược lại. Tờ báo này cung cấp cho độc giả những thông tin thú vị, nhưng không quá quan tâm xem quan điểm đó là của ai. Có lẽ đó là lý do giải thích tại sao nó lại ngày càng thu hút được nhiều độc giả như vậy.

“Theo tôi, báo chí phải học cách thích nghi, làm sao để mọi thông tin vừa cập nhật lại luôn có giá trị đối với độc giả dù ở bất cứ thời điểm nào. Chỉ có như thế mới mong tồn tại được trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay” - Tổng biên tập tờ báo, bà Arianna Huffington khẳng định.

Thu Hiền (theo USA Today)