9/1/09

Trở thành nhà báo chỉ với một blog

TMT (Technology, Media & Telecommunication) là một tổ chức chuyên nghiên cứu về truyền thông trực thuộc Deloitte Touche Tohmatsu - một trong bốn hãng kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới. Deloitte có văn phòng đại diện tại 140 quốc gia trên toàn thế giới (trong đó có Việt Nam), với 135.000 nhân viên. Tập đoàn này cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn kinh doanh và tư vấn thuế cho hơn 80% các khách hàng lớn trên thế giới, bao gồm: các công ty đa quốc gia, các doanh nughiệp tầm cỡ quốc gia, các công ty truyền thông … với doanh thu đạt trên 20 tỷ USD/năm.
Dự báo về truyền thông thế giới là một trong những tài liệu do TMT nghiên cứu dưới sự quản lý của Deloitte. Đây là tài liệu quan trọng của hãng dùng để tư vấn chiến lược phát triển cho các công ty truyền thông. Tài liệu được xây dựng dựa trên 36 cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo truyền thông trên khắp thế giới và các bài báo do các phóng viên của TMT viết trên tờ Financial Times trong suốt thời gian qua.



"Với một chiếc bút vẽ bạn rất có thể sẽ trở thành Picasso - Với một blog bạn hoàn toàn có thể trở thành nhà báo". Đó là nhận định thú vị về xu hướng nhà báo công dân được đăng tải trong tài liệu Dự báo về truyền thông thế giới do TMT, một tổ chức chuyên về truyền thông mới công bố năm nay.

Trong năm 2006, chúng ta đã được chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các blogger trên mạng Internet. Số lượng các blog tăng như “nấm sau mưa”. Chỉ với một trang cá nhân miễn phí, công chúng lập tức trở thành người đưa tin.
Với một chiếc máy quay kỹ thuật số, hay chỉ là chiếc điện thoại di động, ai cũng có thể tự sản xuất một bộ phim ăn khách trên mạng Interent. Điều này khiến cả Hollywood bàng hoàng.
Đến năm 2007, xu hướng này còn phát triển rầm rộ hơn. Số lượng blog, thuê bao di động tăng không ngừng, web cá nhân nở rộ. Số lượng người truy cập blog hàng ngày cũng tăng cao. Nếu không tính các blog của những nhà báo, biên tập viên nổi tiếng, đã có những blog cá nhân đạt đến mức 60 triệu người truy cập.
Vì thông tin trên các blog không thể đảm bảo tính chính xác hoàn toàn nên tại thời điểm hiện tại, blog không thể lấn lướt các phương tiện truyền thông chính thống.

Nhưng không có nghĩa rằng nhà báo công dân và các thiết bị số không đóng vai trò gì trong thế giới truyền thông. Những vụ lớn trên thế giới thời gian qua đã thể hiện rõ sự nhập cuộc và đóng góp quý giá của các nhà quay phim, chụp ảnh nghiệp dư (như vụ sập cầu tại Missisippi (Mỹ).

Có những blogger bộc lộ tài năng trong việc làm báo, công việc mà trước kia họ không bao giờ nghĩ đến. Nhờ có blog, nhiều tờ báo đã bổ sung thêm cho đội ngũ phóng viên năng động, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết.
Để theo kịp xu hướng này, nhiều tờ báo nổi tiếng như New York Times hay Wall Street Journal đã thiết kế blog cho độc giả của mình. Chiến lược này đã thu hút một lượng lớn độc giả đến với báo. Các trang chia sẻ video hay ảnh như Youtube, Flirk vì thế cũng làm ăn phát đạt.

Máy điện thoại di động ngày càng được các nhà sản xuất cho thêm nhiều chức năng, đặc biệt là các chức năng có liên kết với các blog, mạng xã hội….
Các loại hình báo chí như truyền hình, phát thanh tưởng như không mấy chịu ảnh hưởng của xu hướng này nhưng thực tế vai trò nhà báo công dân trong các chương trình trên TV hay đài phát thanh ngày càng thể hiện rõ. Những bức thư của khán giả, thậm chí bức vẽ của một em nhỏ hay những cuộc gọi điện từ phía thính giả cũng thường xuyên được lên sóng.
Trở lại nhận định thú vị của TMT "Với một chiếc bút vẽ bạn rất có thể sẽ trở thành Picasso. Tương tự như vậy, nếu sở hữu một blog bạn hoàn toàn có thể trở thành nhà báo". Với một chiếc bút vẽ bạn hoàn toàn có khả năng làm công việc Picasso từng làm, đó là vẽ. Giống như nếu có blog bạn có thể đưa tin đến với công chúng. Nhưng trở thành Picasso cũng như trở thành nhà báo chuyên nghiệp đều không dễ chút nào.
Trên đây là một trong những dự đoán của TMT về xu hướng phát triển của truyền thông trong những năm tới. Tuần Việt Nam xin được lần lượt giới thiệu với bạn đọc các xu hướng phát triển khác trong các bài tiếp theo.
H.T (theo Media Prediction)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét