19/2/09

Nhà báo hiện đại - Công chúng mới


Công chúng đó là ai? New Directions for News – một nhóm chuyên gia về nhật báo – đã làm một cuộc điều tra mới mẻ và khám phá ra cái gọi là “nước Mỹ mới”. Dân số của nước Mỹ mới sẽ gồm có:
* 51% là phụ nữ
* 30% là những người trẻ tuổi, từ 18 đến 34 tuổi
* 25% người dân tộc thiểu số và các nhóm dân nhập cư
* 21% người trên 50 tuổi
* 15% người từ 5 đến 17 tuổi
Công ty Gannett, nơi đã xuất bản hơn 100 tờ báo, thiết lập một nhóm chuyên trách để tạo ra một tờ báo kiểu mẫu sẽ hấp dẫn những độc giả thế kỷ 21. Tin tức viết cho lớp độc giả mới, theo báo cáo của nhóm này, phải có những tính chất sau:
Hình thức bắt mắt: Tờ báo phải nhiều màu sắc, hấp dẫn, sinh động, thỏa mãn mắt người xem cũng như thách thức trí óc họ hoạt động.
Thông tin dày đặc nhiều tầng nhiều lớp: Những cột văn bản không đủ. Đồ thị, hình ảnh, biểu đồ, danh sách và phần tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau sẽ thỏa mãn được những bạn đọc đói tin tức bổ ích mà lại bị áp lực về thời gian.
Tính tương tác: Cho bạn đọc biết cách cùng tham dự vào tờ báo, cách phản hồi tin tức, cách liên hệ với chuyên gia, với độc giả khác hay với chính tờ báo.
Tính liên quan: Cho những độc giả hoài nghi thấy tin tức thiết thực với họ như thế nào. Đưa những con người gần gũi với độc giả vào bài báo của bạn. Thuật lại tác động và tầm quan trọng của tin tức.
Tính đa dạng: Xã hội có nhiều mặt hơn là những gì tin tức phản ánh. Hãy chắc rằng bạn bao quát được toàn bộ cộng đồng.
Ngoài những nội dung chuẩn mực của tin tức địa phương và thế giới, nhóm chuyên trách này đã đề xuất những chủ đề có thể giúp người đọc trong đời sống hằng ngày – bao gồm tin tức về mua sắm và tiêu dùng, về Internet và kỹ thuật, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, sự hòa hợp giữa tâm hồn và cơ thể, và tạo ra được những cộng đồng.
Richard Saul Wurman viết một cuốn sách mà mọi nhà báo nên đọc đi đọc lại – cuốn Information Anxiety (Mối lo thông tin). Trong đó, Wurman nói rằng hầu hết tin tức có thể chia ra thành ba loại: tin mang lại hy vọng, tin về những chuyện lạ lùng tới mức vô lý và tin về các thảm họa. Nhà báo nói chung hay nhấn mạnh đến những chuyện lạ lùng và thảm họa, còn người đọc thì lại đói niềm hy vọng. Bạn sẽ thấy rằng tờ báo kiểu mẫu nói trên sẽ mang đến nhiều tin tức lạc quan hơn so với những gì mà báo chí hay những chương trình thời sự truyền thống thường cung cấp. Làm báo theo kiểu này còn được gọi là “báo chí giải pháp” (solution journalism). Thay vì chỉ vạch rõ những vấn đề của chúng ta – điều có thể sẽ làm tăng thêm cảm giác cách biệt và tuyệt vọng – các nhà báo có thể xác định những giải pháp khả dĩ giải quyết những vấn đề đó, cung cấp những ví dụ về những giải pháp và nói cho độc giả biết có thể tìm hiểu thêm thông tin ở đâu hay làm thế nào để tham dự vào.
Wurman còn nêu ra một điều khác mà các nhà báo bây giờ mới bắt đầu hiểu ra: Thông tin không thôi chưa phải là sản phẩm có giá nhất. Sự cảm thông là điều thiết yếu để truyền thông có hiệu quả. Khi nhà báo tập trung tường thuật những vấn đề có liên quan và hữu ích thì rất có thể họ đã chuyển tải được sự cảm thông. Không có điều đó, độc giả sẽ bị trôi dạt và có khi bị chết đuối giữa biển thông tin ngày càng thăm thẳm.

THE MISSOURI GROUP biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét