19/2/09

Nhà báo hiện đại - Nghề báo mới


Những người sáng lập nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã sớm nhận ra báo chí là điều tối cần thiết cho một nền dân chủ lành mạnh. Đó là lý do tại sao họ đã thêm vào quyền tự do của báo chí song song với quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng và hội họp vào Hiến pháp nước này.
Hai trăm năm sau, một số nhà báo sâu sắc nhất của nước này lại nhận ra rằng một nền dân chủ lành mạnh là điều tối cần thiết cho báo chí. Nhận thức đó đã tạo nên một trong những bước phát triển quan trọng nhất và gây nhiều tranh cãi nhất để định hình nền báo chí Mỹ trong thời khắc chuyển giao sang thế kỷ mới.
Được gọi là “báo chí cộng đồng” hay là “báo chí công dân”, trào lưu làm báo mới này dựa trên hai ý tưởng: Thứ nhất, nền dân chủ không được thực thi tốt như lẽ ra nó phải thế. Thứ hai, những nhà báo có trách nhiệm phải cố gắng làm gì đó để cải thiện tình trạng này. Ít có nhà quan sát chính trị nào sẽ phản bác quan điểm đầu tiên. Một số học giả thậm chí đưa ra kết luận rằng chúng ta đang mất dần ý thức cộng đồng cơ bản. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai đánh thẳng vào kiểu làm báo trung lập truyền thống, với thái độ cách biệt của phóng viên với những sự kiện mà họ tường thuật. Jay Rosen, một lý thuyết gia hàng đầu về nền báo chí công dân, đã đưa ra một loạt so sánh về những niềm tin trái ngược nhau của các nhà báo truyền thống và nhà báo cộng đồng. Đây là hai điều minh họa cho sự cách biệt đó:
Nhà báo cộng đồng tin rằng: Đời sống công chúng sẽ tạo ra tác động, và báo chí có vai trò tác động công chúng để tạo ra tác động.
Nhà báo truyền thống tin rằng: Nếu đời sống công chúng sẽ tạo ra tác động thì cũng tốt, nhưng vai trò của chúng ta không phải là tác động công chúng và thật nguy hiểm khi nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều đó.
Nhà báo cộng đồng tin rằng: Nhiều thứ cơ bản phải thay đổi, bởi vì nền báo chí bây giờ không có hiệu quả.
Nhà báo truyền thống tin rằng: Các truyền thống báo chí đã tốt lắm rồi, nếu có điều gì cần phải cải thiện thì đó chính là cách hành nghề.
Một nhà báo, người được đa số tôn vinh – hay buộc tội – vì đã đưa những nguyên tắc trên ra thực hiện, là Davis “Buzz” Merritt, sau này trở thành chủ bút tờ The Wichita Eagle ở Kansas. Merritt ngán ngẩm chất lượng nghiệp vụ lộ rõ trên tờ báo của mình cũng như những tờ khác trong suốt cuộc bầu cử năm 1988. Ông lo lắng khi thấy báo chí ở Wichita và khắp đất nước thiếu hẳn sự quan tâm và can dự vào đời sống công chúng. Vì thế, ông bắt đầu một loạt thử nghiệm báo chí mà sau này thành nền móng cho cả một trào lưu.
Bắt đầu từ năm 1989, những nhà báo ở Wichita – và không lâu sau đó là hàng chục thành phố khác trên khắp nước Mỹ – đã làm những cuộc thăm dò để xem đâu là những vấn đề mà công dân cho rằng các cuộc vận động tranh cử nên đề ra, chứ không cho phép các ứng cử viên áp đặt ý kiến trong những cuộc tranh luận công khai nữa. Họ đã tài trợ tổ chức những diễn đàn công cộng để thảo luận nhiều vấn đề từ chính trị cho đến chủng tộc. Thậm chí có nhiều trường hợp họ còn phân công hoặc tuyển thêm phóng viên để giúp các công dân công kích đủ loại vấn đề ở địa phương. Các tổ chức phi lợi nhuận như Pew, Kettering và Knight đã đóng góp tiền bạc và trợ giúp về mặt chuyên môn. Nghiên cứu đã cho thấy nhiều dự án báo chí công dân dường như đã làm thay đổi thái độ của mọi người đối với đời sống cộng đồng và đối với các tổ chức báo chí.
Phái chỉ trích, trong đó có chủ bút của các tờ báo hàng đầu như The Washington Post và The New York Times, lo ngại rằng những nhà báo cộng đồng sẽ giành được sự ủng hộ nhưng có thể lại mất đi một điều còn quan trọng hơn – sự độc lập. Theo họ, cơ quan báo chí không thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhà báo chỉ nên đóng vai trò trọng tài. Khi một tờ báo tổ chức một cuộc thảo luận công khai, thay vì chỉ tường thuật lại một cuộc thảo luận được tổ chức bởi các cơ quan khác, thì báo chí đã trở thành cầu thủ trong trận bóng trong khi chỉ nên làm người cầm còi quan sát từ xa. Khi những nhà báo hỏi xem công dân muốn biết điều gì, thay vì cho họ biết những gì mà nhà báo nghĩ rằng họ cần biết, báo chí đã đánh mất chức năng giáo dục và trở thành kẻ phục tùng.
Những tranh cãi và những thử nghiệm dường như vẫn đang tiếp diễn. Sự bất đồng đó bản thân nó cũng đã minh họa cho giá trị của sự tự do.
Dĩ nhiên không có gì mới về chuyện các nhà báo xem xét lại việc làm của mình. Chẳng hạn như trong những năm 1960, các nhà báo bắt đầu phải học theo dõi tin tức từ những phong trào xã hội và chính trị đang làm biến đổi đời sống ở Mỹ. Có lẽ đầu tiên là phong trào đòi quyền công dân. Sau đó lại xuất hiện nhiều lực lượng mạnh mẽ của phụ nữ, thanh niên, người tiêu dùng, người bảo vệ môi trường, người đồng tính và nhiều thành phần khác. Chủ trương và cách làm của mỗi phong trào không giống nhau, nhưng nhìn chung chúng đã bắt các nhà báo phải từ bỏ niềm tin cậy cố hữu vào những nguồn tin chính thống từ các quan chức đắc cử, giới quan liêu trong chính quyền và những nhà lãnh đạo kinh tế. Martin Luther King Jr., Gloria Steinem, Ralph Nader, Cesar Chavez, Barry Commoner – không ai trong số họ làm chính trị hay giữ một vị trí quyền lực kinh tế nào, nhưng họ và hàng chục người như họ đã thu hút được sự chú ý và những dòng tít lớn của báo chí Mỹ. Những nhà báo phải học cách tìm kiếm, đối phó và đánh giá những nhân vật tạo thời cuộc, những người không hề có cái mác “quan chức” truyền thống và những người nhiều khi hết sức ngờ vực các nhà báo chính thống.
Rồi bạn sẽ phải làm những việc giống như vậy. Bạn không thể theo dõi hết những mối quan hệ chỉ bằng việc phỏng vấn ông thị trưởng (dĩ nhiên, trừ phi bạn viết về mối quan hệ của chính nhân vật đó, nhưng đó lại là chuyện khác). Bạn sẽ không thể hình dung được các trung tâm mua sắm nếu chỉ nói chuyện với người phụ trách báo chí của Bộ Thương mại. Để dò được những cách làm mới tin tức, phóng viên phải rút tỉa từ những mối quan tâm rộng rãi và từ nền tảng kiến thức bao quát.
Những nhà báo của thế kỷ 21 cần phải hiểu biết nhiều hơn thế hệ trước về nhiều vấn đề ngày càng gia tăng, bao gồm sinh vật học (AIDS chưa thể chữa được), xã hội học (những tộc người thiểu số đang trở thành đa số), thống kê học (thế giới quanh ta là thế giới định lượng) và những kiến thức khác giúp lý giải được cái thế giới ngày càng phức tạp và tương quan chặt chẽ. Bạn mới chỉ bắt đầu một tiến trình học hỏi thôi, nếu bạn thật sự xem nghề báo là sự nghiệp, thì bạn phải đeo đuổi việc học đó không ngừng.
THE MISSOURI GROUP biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét