19/2/09

Nhà báo hiện đại - Tính chính xác, công bằng và khách quan


Dẫu có đổi thay gì thì có hai truyền thống vẫn luôn là cốt lõi. Thứ nhất đó là đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mọi nhà báo phải chính xác và công bằng. Thứ hai, điều khó giải thích nhưng lại dễ bị công kích, là truyền thống về tính khách quan.
Tổng hòa được hai truyền thống này chính là điều mà các phóng viên và biên tập viên luôn cố gắng thực hiện trong công việc của mình.
Tính chính xác
Bob Woodward – phóng viên, tác giả và biên tập viên của tờ The Washington Post – đã bào chữa tại tòa cho một bài điều tra đăng trên tờ báo của ông. Bài báo này, theo lời ông, là “một phiên bản tốt nhất của sự thật có thể đạt được”.
Một mục tiêu nghe còn to tát hơn nữa chính là cái “sự thật” không cần thêm thắt. Dù bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lý tưởng, Bob Woodward đã nhận ra thực tế cuộc sống và sự hạn chế của nghề báo. Cho dù hàng thế kỷ tranh luận, các nhà triết học và thần học vẫn chưa thống nhất được “sự thật” là gì. Dẫu cho có sự nhất trí về câu hỏi cơ bản đó đi nữa thì làm sao Giáo hội Công giáo Roma và tổ chức sinh đẻ có kế hoạch lại cùng nhất trí với “sự thật” về việc nạo phá thai, hay một vị tổng thống và đối thủ của ông ta lại cùng nhất trí về “sự thật” của tình trạng kinh tế nước Mỹ?
Trong chuyện làm báo hàng ngày ở Mỹ, những tranh cãi như thế thường nảy sinh trong các phe phái ở tất cả các khía cạnh, trên các bài xã luận và các bài phê bình. Vai trò của các phóng viên chỉ đơn giản là phát hiện và viết lại sự thật. Vấn đề là chuyện đó hóa ra lại không đơn giản như vậy.
Đôi khi thu thập sự thật lại rất khó khăn. Một hội đồng tuyển chọn hiệu trưởng mới cho một trường đại học thông báo rằng danh sách ứng viên đã được rút lại còn năm người, nhưng tên của năm vị đó thì không được nêu ra. Các thành viên hội đồng đã hứa là phải giữ bí mật. Bạn làm thế nào để biết được tên năm ứng viên đó? Bạn có nên thử không?
Nhiều khi cũng khó mà biết sự thật có ý nghĩa gì. Một tòa án tối cao tiểu bang từ chối xử vụ các nhà lập pháp nghi ngờ tính hợp hiến của việc giới hạn chi tiêu của bang này. Tòa chỉ nói rằng không hề có “tranh cãi đáng phân xử”. Điều này có ý nghĩa gì? Ai thắng? Phán quyết này là tin tốt hay tin xấu, và giành cho ai?
Nhiều khi cũng chẳng biết đâu là sự thật. Sau cả năm trời nghiên cứu, một ủy ban của tổng thống cho rằng không có nạn đói hoành hành ở nước Mỹ. Kết luận này có phải là sự thật không? Hay sự thật chỉ là những gì mà ủy ban này đã nói? Và làm thế nào bạn có thể xác định là ủy ban này có đúng hay không?
Nghề báo hàng ngày vẫn tồn tại nhiều rắc rối. Thông thường, khi làm phóng viên thì bạn chỉ có vài giờ, nhiều thì vài ngày, để nghiên cứu càng nhiều sự kiện càng tốt. Dù thời gian rất hạn hẹp, bạn vẫn có thể tích lũy thông tin thành một câu chuyện khoảng 2.000 chữ để rồi nghe thông báo là chỉ có đủ chỗ đăng hay thời lượng phát sóng cho khoảng 1.000 chữ hoặc ít hơn. Báo trực tuyến – loại hình truyền thông mới – cung cấp thêm nhiều diện tích đăng bài nhưng không có thêm thời gian cho việc tường thuật.
Khi bạn quan tâm đến những thực tế và hạn chế này, bạn có thể nhận thấy rằng việc đạt được “một phiên bản tốt nhất của sự thật” thôi quả là thử thách đối với bất kỳ nhà báo nào.
Làm sao bạn biết là đạt được mục đích? Hiếm khi có một câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, có hai câu hỏi mà những nhà báo có trách nhiệm nên đặt ra cho mọi bài viết trước khi tự hài lòng, đó là: Nó có chính xác không? Nó có công bằng không?
Sự chính xác là yếu tố quan trọng nhất đối với bất kỳ bài báo nào, lớn hay nhỏ, dài hay ngắn. Phải chính xác trong từng chi tiết. Mọi cái tên phải được phát âm thật chuẩn xác, mọi câu trích dẫn phải đúng với những gì đã được nói, mọi dãy số phải được cộng lại. Và chừng đó vẫn còn chưa đủ. Bạn có thể lấy các chi tiết đúng và vẫn gây ngộ nhận nếu bạn không đặt đúng bối cảnh. Cùng một câu nói có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau phụ thuộc vào tình huống nó được phát ngôn và lối diễn đạt trong khi nói. Hoàn cảnh và mục đích cũng ảnh hưởng đến hành động. Bạn sẽ không bao giờ có “phiên bản tốt nhất của sự thật” nếu không tường thuật chính xác các chi tiết và bối cảnh.
Bạn cũng không tiếp cận được sự thật nếu thiếu sự công bằng. Chính xác và công bằng liên quan đến nhau, nhưng chúng không là một. Đối với tin tức, có nhiều quan điểm khác nhau để nhìn nhận một sự kiện hay vấn đề. Mỗi quan điểm sẽ có thể lý giải khác nhau về cái gì đang diễn ra và nó có ý nghĩa gì. Nghề báo cũng như thể thao, ngay cả với phóng viên cẩn thận nhất hay vận động viên giỏi nhất cũng có khi phạm sai lầm.
Sự công bằng trong nghề báo đòi hỏi bạn phải tường thuật sự kiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Hiếm khi chỉ có một, thường là hai hoặc hơn. Sự công bằng đòi hỏi bạn phải dành cho kẻ đang bị công kích hoặc nghi vấn tính chính trực trong bài báo của mình thật nhiều cơ hội để họ có thể phản hồi. Trên hết, sự công bằng đòi hỏi bạn phải nỗ lực để tránh thành kiến trong cách tường thuật và bài viết của mình.
Định góc độ cho tin tường thuật
Quan điểm hay góc nhìn mà bạn sử dụng để tường thuật sẽ định ra góc độ cho tin được tường thuật. Chẳng hạn, những bài báo về những thay đổi xã hội sâu rộng tràn đầy các trang báo và màn hình những năm 1960 có thể được tường thuật theo góc độ của những trật tự được thiết lập hoặc theo các mục tiêu và cá nhân ủng hộ sự thay đổi. Tùy thuộc vào góc nhìn, hai bài viết về phong trào quyền công dân sẽ khác nhau về giọng điệu và thậm chí cả nội dung.
Do ảnh hưởng của trào lưu báo chí công dân, việc chọn góc nhìn vấn đề đã trở thành trung tâm thảo luận của nghề báo. Quan điểm chung của báo chí công dân là phải xem xét chính trị và đời sống công chúng một cách rộng rãi hơn, từ quan điểm của một công dân hơn là của một nhà lãnh đạo. Những bài báo dựa trên quan điểm công dân như thế sẽ thay đổi không chỉ các bài viết về chiến dịch vận động chính trị mà còn là các bài về sự phát triển kinh tế, tranh chấp quy hoạch đất đai, hay hầu như mọi vấn đề. Những bài báo viết từ góc nhìn của một cử tri sẽ khác hẳn những bài viết theo góc nhìn của ứng cử viên.
Mỗi câu chuyện đều có thể nhìn từ nhiều góc độ. Không có góc độ nào là hoàn hảo. Mỗi phóng viên nên chọn góc độ nào có thể phản ánh câu chuyện đầy đủ và trung thực nhất.
Tin khách quan
Những quy tắc mà các nhà báo chính thống tuân thủ nhằm đạt được “một phiên bản tốt nhất của sự thật” thường được đúc kết thành tính khách quan. Tính khách quan được các nhà báo, sinh viên, giảng viên ngành báo chí ở Mỹ xem như một nguyên tắc nghề nghiệp. Nó được các nhà báo hàng đầu đề cao như là một lý tưởng cốt yếu, dù không dễ đạt được. Ngược lại, những người phê phán như nhà xã hội học Gaye Tuchman đã xem tính khách quan chỉ là “một nghi thức chiến lược” nhằm che giấu vô số tội lỗi nghề nghiệp trong khi đưa tin không kỹ lưỡng và gây ngộ nhận.
Michael Schudson, trong tác phẩm kinh điển Discovering the News (Khám phá Tin tức), đã dò theo sự phát triển của nhu cầu báo chí khách quan từ thời kỳ hậu Thế chiến I, khi các học giả và các nhà báo đều dựa vào các phương pháp và ngôn ngữ của khoa học để tìm hiểu cái thế giới đang bị đảo lộn bởi ảnh hưởng của Freud và Marx, bởi sự xuất hiện những thế lực kinh tế mới và sự suy thoái những giá trị truyền thống. Tính khách quan trông cậy vào những sự kiện có thể quan sát được, nhưng nó cũng là phương pháp giúp các bài tường thuật bám sát hiện thực và không bị tác động bởi các định kiến của nguồn tin, tác giả hay độc giả. Bản thân tính khách quan là một giá trị, một lý tưởng.
Schudson viết: “Các nhà báo đặt niềm tin vào tính khách quan, tới mức họ tin bởi vì họ muốn tin, cần phải tin, do bị thúc bách bởi khao khát của một con người bình thường muốn tìm kiếm lối thoát cho lòng hoài nghi và thái độ thụ động đã hằn sâu trong nhận thức”.
Schudson và Robert Karl Manoff – hai người đã tuyển chọn các bài tiểu luận quan trọng về nghề báo thành cuốn Reading the News – đã mô tả sự mâu thuẫn lý tưởng báo chí khách quan và cách thực thi nghề báo:
Phóng viên không chỉ thuật lại câu chuyện mà còn tạo ra nó.
Dĩ nhiên, điều này là tối kỵ trong nghề báo. Bạn chỉ tường thuật, chứ bạn không tạo dựng. Bạn đưa ra các câu hỏi AI?, CÁI GÌ?, KHI NÀO?, ở ĐÂU?, TạI SAO? và NHƯ THế NÀO?, lắng nghe câu trả lời, và trở về nhà. Tuy nhiên, làm sao phóng viên biết được khi nào cần nêu những câu hỏi cơ bản của báo chí ấy, và hỏi ai? Làm sao để phóng viên biết được khi nào câu hỏi sẽ được trả lời. Ai được coi là cái “ai” có giá trị thông tin? Sự việc hay dữ kiện nào sẽ là câu trả lời thích đáng cho câu hỏi “cái gì”? Ngay cả với những câu hỏi đơn giản nhất, “khi nào”, “ở đâu”, làm sao phóng viên biết được liệu câu trả lời có đầy đủ không?
Tóm lại, những điều răn dạy trông có vẻ đơn giản của nghề báo đã định sẵn cách thức truy vấn, phương pháp diễn dịch những câu trả lời, một hệ thống các quy tắc chọn lựa đối tượng và vấn đề cần hỏi...
Những nhà báo giỏi nhất luôn ghi nhớ những điểm hạn chế này, cho dù điều đó hiếm khi được nêu ra trong tòa soạn. Điều mà một xã hội tự do cần ở các nhà báo chính là “sự giải thích trung thực, toàn diện, thông minh các sự kiện của thời đại trong một bối cảnh làm cho các sự kiện ấy có ý nghĩa”. Mục đích của chương này là giúp bạn biết các nhà báo hôm nay và tương lai hiểu rõ nhu cầu đó như thế nào, làm sao họ đáp ứng được điều đó, và sự phức tạp của nhiệm vụ này. Phần còn lại cuốn sách sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng cần trang bị để đương đầu với thử thách. Hiếm có thử thách nào lại quan trọng hay đem lại nhiều khích lệ như nghề báo.
THE MISSOURI GROUP biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét