22/2/09

TĂNG ĐẦU TƯ VÀO CON NGƯỜI

Tôi nhìn vào lương Nhà nước trả cho công nhân viên hoạt động trong khu vực nhà nước, đặc biệt trong khu vực dịch vụ nhà nước.

Ngân sách Nhà nước tính theo tỷ lệ GDP ở Việt Nam là 30%, cao gấp đôi Ấn Độ và gấp rưỡi Trung Quốc hay Thái Lan, nhưng lại trả lương cho công nhân rất thấp, chỉ bằng 13% tổng chi ngân sách và bằng có 3,8% GDP, đây là hình thức bóc lột thặng dư lao động nhằm tăng đầu tư ở khu vực kinh tế nhà nước. Thu ngân sách nhiều, nhưng chi phí cho dân rất ít. Tổng số chi của Nhà nước cho các dịch vụ phục vụ nhân dân chỉ có 6,1% GDP, thấp hơn một nửa so với Trung Quốc hoặc Thái Lan. Phần còn lại là đầu tư. Đó là chưa kể đến phần đầu tư mà doanh nghiệp quốc doanh thực hiện dựa một phần quan trọng vào giá trị thặng dư vì lương lao động trả thấp.

Trả lương thấp, lo cho dân chúng thấp là vì Nhà nước muốn tập trung vốn vào đầu tư. Chính vì thế mà đầu tư lên tới 41% GDP. Đầu tư vào loại hàng đầu thế giới nhưng hiệu quả thấp, tốc độ tăng GDP cũng không cao, và trở thành nhân tố chính tạo tham nhũng và gây nạn lạm phát cao, làm đời sống đại đa số dân chúng với lương đã quá thấp khốn khổ thêm.

Tỷ lệ để dành của nền kinh tế là 29% GDP, có vẻ khá cao nhưng không phải từ thu nhập của người lao động. Để dành gồm nhiều phần: để dành của dân chúng, để dành của doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài và để dành của Nhà nước. Tất nhiên để dành của Nhà nước là âm; phần để dành của dân chúng từ sản xuất khi trừ đi tiền kiều bào và lao động ở nước ngoài gửi về chắc chắn là không nhiều; vì lương thấp, do đó phần còn lại chính là từ khấu hao và thăng dư lao động mà doanh nghiệp quốc doanh giữ lại. Người dân lao động lương không đủ sống, lại được hưởng lợi ích xã hội thấp, do đó sản xuất chỉ để Nhà nước bòn rút thặng dư đưa vào tích luỹ.

Cần có một cái nhìn mới về chiến lược phát triển, mà chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Lương lao động đủ sống phải được coi là đầu tư vào con người. Chính con người là vốn quan trọng nhất trong phát triển. Khi lương không đủ sống, con người sẽ rất dễ làm những điều bình thường họ không làm, do đó mà đạo đức xã hội xuống dốc. Chúng ta cần xét lại chính sách tăng cường thặng dư nhằm tăng tích luỹ để chạy theo tốc độ tăng GDP bất chấp hậu quả hiện nay và quay trở lại với một Nhà nước có trách nhiệm xã hội.

Tiến sĩ VŨ QUANG VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét