10/10/08

Chinsu In Và Phát Bài Báo: Có Vi Phạm Luật Cạnh Tranh?

Chinsu In Và Phát Bài Báo: Có Vi Phạm Luật Cạnh Tranh?
[13.06.2007 17:45]
Xem hình
Cuộc chiến nước tương, nước chấm đã đến hồi gay gắt
Công ty Masan (chủ sản phẩm nước tương Chinsu) trình bày lại các bài báo về 17 doanh nghiệp có sản phẩm chứa độc tố 3-MCPD gửi đi các nơi. Việc làm này có được xem là hành vi “cạnh tranh không lành mạnh”?

Những ngày qua, tại khu vực chợ Bình Tây quận 6, nhiều đại lý, cửa hiệu bán nước tương có lưu hành một số bài báo viết về các doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm quy định chất độc tố 3-MCPD trong nước tương. Theo các chủ đại lý, cửa hàng, các bài báo này là do người của Công ty Masan giao xuống.

Copy, trình bày lại và phân phát cho đại lý

Cửa hiệu có tên Dung Tèo khu vực Chợ Lớn có giữ rất nhiều phong bì của công ty Masan. Trong mỗi phong bì có một bức thư ngỏ gửi khách hàng của Masan giới thiệu về chất lượng của nước tương hiệu Tam Thái Tử do Vitecfood (đơn vị thành viên của Masan) sản xuất, 2 phiếu kiểm định chất 3-MCPD trong nước tương, hai bài báo lấy từ báo Người Lao Động và Tuổi Trẻ.

Người chủ hiệu nói là Công ty Masan giao, và các thư này sẽ được gửi kèm theo các lô hàng nước tương khi giao về cho các đại lý nhỏ hơn.

Hai bài báo là “Vụ nước tương có chất gây ung thư - Vì sao quá chậm công bố thông tin?” trên báo Người Lao Động ngày 25/05, “Thành phố Hồ Chí Minh: Công bố thêm 7 cơ sở sản xuất nước tương vi phạm” trên báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 29/05.

Từ Bạc Liêu, các đại lý gửi lên một trang vừa trích báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, vừa trích báo điện tử Tuổi Trẻ ngày 29/05, nội dung cũng xoay quanh vấn đề vi phạm tiêu chuẩn cho phép 3-MCPD, danh sách 17 doanh nghiệp và các nhãn hiệu vi phạm. Văn bản này cũng của Masan phát cho các đại lý. Theo lời một chủ đại lý nước tương ở Bạc Liêu, các đại lý ở đây nhận được rất nhiều bài báo từ các nhân viên giao hàng của Masan đem đến.

Cơ sở sản xuất phản ứng

Các chủ cơ sở sản xuất nước tương phản ứng rất mạnh về hành động này. Chủ cơ sở sản xuất Nam Phương, bà Loan, vô cùng bức xúc. Bà Loan nói rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

”Chúng tôi đã khó khăn càng thêm bế tắc” - bà Loan nói.

Về nội dung, có thể thấy rõ những bài báo này hoàn toàn bất lợi cho các cơ sở sản xuất nước tương. Về cách trình bày, cũng gây bất lợi. Những cái tên doanh nghiệp và sản phẩm được phóng to, in đậm ấn tượng, người đọc không thể bỏ qua. Theo cách trình bày này thì hình thức văn bản không còn giống hình dáng của một bài báo nữa.

Ông N, chủ một cơ sở sản xuất nước tương có sản phẩm khá nổi tiếng từ nhiều năm, nói rằng, các doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm cũng không hề né tránh. Họ đang tích cực thu hồi sản phẩm vi phạm và đang tìm dây chuyền cho công nghệ mới. Thế nhưng những tài liệu phát đi như thế này sẽ gây khó khăn cho những sản phẩm sắp tới của các cơ sở khi đưa ra thị trường.

Theo các cơ sở sản xuất nước tương, sự việc vừa qua là một sự kiện lớn, cả nước biết. Hiện nay là thời gian mà các cơ sở sản xuất nỗ lực sửa sai, khắc phục. Việc nhấn đi nhấn lại câu chuyện vừa qua, nhắc lại trong người tiêu dùng khiến họ không yên tâm và cảm thấy đau đớn.

”Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm” - ông N nói.

Một chủ cơ sở khác, chỉ nói: ”Hiện nay tình thế đang rất nhạy cảm. Tôi không dám nói gì. Nhưng tôi nghĩ, việc phát đi các bài báo như vậy, rõ ràng có hàm ý chỉ ra cho bạn đọc đừng mua sản phẩm của chúng tôi”.

Có vi phạm Luật Cạnh tranh?

Chúng tôi đã có trao đổi với đơn vị phát ra những tài liệu này, là Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Masan, mà Công ty Vitecfod, nhà sản xuất các nhãn hiệu nước tương Chinsu và Tam Thái Tử, là thành viên. Một cán bộ của Masan lý giải: Đây là những bài báo, đã được phổ biến rộng rãi, được Nhà nước và xã hội công nhận. Vì vậy việc gửi đi các bài báo không thể gọi là cạnh tranh không lành mạnh.

Theo thông tin cung cấp từ Masan, trước đây khi sản phẩm Chinsu đang trong giai đoạn khó khăn, thì Công ty Nestlé cũng đã có việc làm tưong tự. Nhân viên Nestlé đã in phát cho các đại lý những bài báo viết về sự kiện nước tương Chinsu bị châu Âu cảnh báo có độc tố 3-MCPD cao quá quy định cho phép. Công ty Masan đã hỏi luật sư Nguyễn Sơn Lâm. Luật sư cho biết, việc làm này chưa bị vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, và không đủ cơ sở để khởi kiện Nestlé.

Công ty Masan cho rằng họ chỉ phát cho hệ thống đại lý, chứ không phân phát, phát tán lung tung. Nhưng lời lý giải này có vẻ khó thuyết phục vì bằng cách nào thì cũng không nằm ngoài mục tiêu là chuyển đến người sử dụng nước tương. Phải chăng vì thấy chưa đủ chứng cứ và quy định pháp lý mà Masan lại tiếp tục cách làm của Nestlé?

Có thể Masan đã đúng khi cho rằng về pháp luật, họ không vi phạm Luật Cạnh tranh. Nhưng trong kinh doanh, còn có đạo đức cạnh tranh. Phạm trù này pháp luật không xử được, mà thuộc về phán xét của lương tâm doanh nghiệp.

Những ngày này, tại khu vực chợ đầu mối Bình Tây, các sản phẩm của 17 cơ sở có nhiễm bẩn được cột thành xâu, đóng thành thùng đẩy la liệt ra vỉa hè chờ xe tới chở đi. Nước tương hiệu Tam Thái Tử được đưa tới, thay vào đặt kín trên các kệ.

Biết rằng thời gian trước đây Chinsu đã phải chịu đựng nhiều sóng gió, có thể bị hàm oan. Song có thể nói, ngày hôm nay Chinsu đã thắng lớn, một mình một chợ. Không thể lấy cái được để bù vào cái mất và cho là đủ, song lẽ nào chừng ấy chưa đủ để Chinsu thỏa mãn với những thiệt thòi trước đây của mình?

Chúng tôi đã đưa sự việc tham khảo ý kiến của người dân, những người sử dụng nước tương. 100% đều chung nhận xét, hành vi này của Masan cũng là một hành vi cạnh tranh, và cũng không thể xem là cạnh tranh lành mạnh. Có thể đây còn là chỗ hở hoặc chỗ khuyết mà Luật Cạnh tranh chưa nghĩ tới.

(Theo Vietnamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét