8/10/08

HAIKU: MỘT CHÚT LỊCH SỬ

HAIKU ĐỜI MEIJI (1867-1912): Cuộc cải cách Haiku vào đời Meiji :

Haiku và tanka đều cần được thay đổi cho hợp với thời đại mới nhưng haiku còn cần đổi mới hơn cả tanka vì gần một trăm năm khoảng trước và sau thời Meiji, không thấy có bóng dáng một nhà thơ haiku nào đáng kể. Haiku không hề bị cuộc duy tân khai tử nhưng nó chỉ hạn hẹp luẩn quẩn trong vòng các trường phái. Phần lớn người làm haiku mô phỏng ba đại gia thời Tenpô (Thiên Bảo, 1830-44) là Hôrô, Sôkyuu và Baishitsu[1], gò bó vì những « chữ theo mùa » (quý ngữ) mà nhà văn Bakin (Mã Cầm) thử đếm ra thì có tới 2600. Họ tự phong cho nhau các danh hiệu nào là Kikaku đời thứ 6, Sanpuu đời thứ 5 và Sôkyuu còn gọi chỗ của mình ở là nhà của Bashô đời thứ hai (Nhị thế Ba Tiêu đường). Nghệ thuật của họ không tiến ra khỏi vòng thù tạc.Về phía chính phủ, họ muốn lợi dụng haiku làm công cụ để duy trì tư tưởng trung quân ái quốc trước làn sóng khuynh đảo của văn hóa Tây Phương. Những bậc đại sư haiku đánh đổi sự bảo trợ của chế độ bằng lòng trung thành với hoàng triều. Tuy được nhà nước che chở nhưng haiku đã bị các nhà ủng hộ thơ mới tấn công.Tsubouchi chẳng hạn, đã không ngần ngại xem haiku như những vần thơ phúng hoa vịnh điểu và không có một chức năng nào đáng kể đối với cuộc sống của con người hiện đại.Mặc khác cũng có người như Suzuki Shôkô[2] nhận định rằng haiku và thơ mới (shintaishi) mỗi bên đều đóng vai trò riêng của mình. Thơ mới, dưới ảnh hưởng của Tây Phương, bộc lộ hết mọi cảm xúc, không để dành một chút gì cho người đọc tưởng tượng. Thơ kiểu Tây Phương nhắm cái toàn bích trong khi thơ Nhật chuộng cái gì chưa đạt được trạng thái hoàn hảo. Tây Phương thích động, Nhật Bản thích tĩnh. Vì những dị biệt như vậy cho nên cần phải giữ lại cái « Nhật Bản tính » chỉ thấy trong haiku. Lý luận của Suzuki Shôkô không hoàn toàn có sức thuyết phục vì ta đã thấy về sau thơ mới đã phát triển mạnh mẽ ở Nhật như thế nào nhưng không phải là ông không có lý một phần nào khi phân biệt hai dòng thơ như thế.

Cuộc đổi mới của thơ haiku, cũng như tanka, chỉ bắt đầu đối với thi đàn Meiji từ năm Meiji 25 (1892) sau khi Masaoka Shiki lên tiếng phê bình haiku của thời trước.

Theo con đường “tả sinh” (shasei) (tả thực và sống động) do nhóm Shiki vạch ra, có hai nhà thơ lỗi lạc là Kawahigashi Hekigotô (Hà Đông, Bích Ngô Đồng) và Takahama Kyoshi (Cao Tân, Hư Tử). Sau khi Shiki mất, người tiếp tục triệt để sự nghiệp cải cách haiku thời Meiji là Hekigotô. Ông đã đem đến cho haiku một hình thức phóng khoáng có tên là jiyuuritsu (tự do luật). Thế nhưng đến cuối đời Meiji thì người đồng môn với ông, Kyoshi, chủ trương trở về làm haiku theo hình thức cố định như cũ gọi là teikeiritsu (định hình luật) và lại khởi hành từ lập trường chủ quan để sáng tác thơ. Kyoshi được nhiều đệ tử học theo và haiku định hình còn muốn vượt cả haiku tự do nữa.

Đến thời Shôwa, Mizuhara Shuuôshi (Thủy Nguyên, Thu Anh Tử) lại phê phán lý thuyết tả sinh (shasei) của Kyoshi và vận động cho một thứ “haiku mới lên” với chủ trương đề cao cá tính của người làm thơ. Tuy nhiên, trong chiến tranh, haiku đã bị chính quyền đàn áp và suy thoái rõ. Ngay cả đến thời hậu chiến, haiku vẫn còn bị coi nhẹ, xem như một nghệ thuật hạng nhì. May là trong cuộc tranh luận chung quanh vai trò hạng nhì của haiku, đã có những nhà thơ, kể cả khuynh hướng tiền vệ, đứng ra bênh vực cho nó.

Quá trình cải cách haiku từ thời Meiji :

Haiku theo kiểu cũ có lệ mỗi tháng họp một lần (nguyệt tịnh = tsukinami) để bình thơ nhưng rốt cuộc lời bình chỉ dựa vào những kiến thức sáo rỗng, khuôn mòn. Masaoka Shiki phê phán lối làm thơ như thế và đề nghị một kiểu haiku mới. Cuộc vận động về haiku của Shiki nằm trong phạm vi những cuộc vận động xã hội thường thấy suốt thời Meiji.

Masaoka Shiki (Chính Cương, Tử Qui, 1867-1902)

Masaoka Shiki, nhà cải cách haiku và tanka, đề xướng “Shasei”.

Khi còn là một thiếu niên trên ghế trường trung học tỉnh Matsuyama, ông đã chịu ảnh hưởng những cuộc vận động chính trị đòi dân quyền.Sức khỏe kém, vì có những lần ho ra máu thường ví mình với ”chim cuốc kêu nhỏ máu” và lấy bút hiệu là Shiki (Tử Quy) vì tử quy cũng là tên chim cuốc. Trong vòng mười năm trời từ lúc ấy cho đến khi bị bệnh lao nặng mà mất, ông chỉ lo nghĩ đến việc cải cách haiku và dựa vào thành quả đạt được mà cải cách cả tanka. Không những chỉ sáng tác, sự nghiệp dẫn dắt lớp người đi sau của ông cũng thực đáng kể.

Ông đã theo học ban Triết ở Đại Học Đông Kinh (1890-1892) vì ông nghĩ tính hợp lý của triết sẽ giúp ông cải cách được haiku nhưng hai năm sau bỏ học và trở thành ký giả. Ba năm sau (1895), ông nhập ngũ, tham gia trận Nhật-Thanh. Khi về đến giữa đường, thổ huyết nặng. Từ đó sống trên giường bệnh và dồn hết tinh lực còn sót lại vào chuyện văn chương.

Trước đó, trong năm 1892, ông cho ra mắt Dassai [3]Shyo-oku Haiwa (Thát tế thư ốc hài thoại) “Bàn về cách viết haiku bằng tìm tòi qua sách vở với mục đích phủ nhận lối viết haiku từ chương. Năm 1895, ông lại viết thêm Haikai Taiyô (Bài Hài Đại Yếu) nói rõ nguyên tắc của haiku mới như thế nào. Trong đó, ông đánh giá Yosano Buson cao hơn cả Bashô và phát biểu:

“Tôi phải nói ngày rằng đa số haiku của Bashô chẳng hay ho gì cả nếu không nói là không chỉnh về âm vận. Số bài xếp vào hàng đầu không có lấy được một phần mười” (theo Shiki Toàn Tập trích dẫn bởi D.Keene).

Shiki sau khi phân tích 11 haiku nổi tiếng nhất của Bashô chỉ chịu phục có bài “Con ếch nhảy xuống cái ao xưa” (Furu ike ya). Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận Bashô đã đem đến cho haiku Nhật Bản yếu tố quyết định mà hai phái Teitoku và Danrin không sao có được là “dòng thơ nam tử” đơn sơ hùng tráng của “thời vạn diệp” tức thời đại của tác phẩm vĩ đại Man.yôshuu (thu thập thơ waka từ thế kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ tám).

Shiki lại cho rằng haiku phải đặt tình cảm lên trên tri thức và lý luận, lấy tả thực thay cho tưởng tượng. Hai chữ « tả thực » (shajitsu) nầy vốn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật “tả sinh” (shasei = sketch, drawn from the nature) thấy trong hội họa Tây Phương du nhập vào Nhật Bản đầu thời Meiji.Không riêng gì hội họa, Shiki nhìn nhận lý luận về “tả thực” của Tsubouchi Shôyô trong “Tinh hoa của tiểu thuyết” và nghệ thuật mô tả trong tiểu thuyết “Mây Trôi Giạt” của Futabatei Shimei cũng đã “mở mắt” cho ông.Lý tưởng “shasei” của ông nằm trong hai chữ Hán “bình đạm” (heitan) nghĩa là đơn sơ và đạm bạc hay kiểu cách hội họa gọi là plein air (ngoài trời) của một họa sĩ không mấy tên tuổi người Pháp tên là Raphael Collin (1850-1916) đã được họa sĩ Nhật Kuroda Seiki (1866-1924) mang từ Paris về giới thiệu cho người Nhật .

Bài thơ sau đây của Shiki tả cảnh lối đi lên chùa vào một ngày chớm thu, làm trong một buổi ông đi dạo với nhà thơ Naitô Meisetsu (Nội Đằng, Minh Tuyết,1847-1926) và họa sĩ Nakamura Fusetsu (Trung Thôn, Bất Chiết, 1866-1943) đã được nhà họa sĩ, linh hồn của lý luận “shasei” xem như nó đã thể hiện được tinh thần đó vì bài thơ sống động đến nổi có thể “đem ra vẽ được”.

Trời vào thu,
Bậc thang đá phóng cao,
Vào giữa đám tuyết tùng.

(Bài Hatsuaki no, thơ Masuoka Shiki)

Haiku giai đoạn 1885-1895 do Shiki tom góp và chỉnh lý được đăng trong tập Kanzan rakuboku (Hàn sơn lạc mộc, 1924) “ Cây trút lá trong núi lạnh”. Trong 12000 bài thu thập được ở đây, thường là những bài thơ hướng về cuộc sống hàng ngày và có tính cách tả chân. Ngoài ra Shiki còn để lại những tùy bút như Bokujuu itteki (Mặc trấp nhất trích) “Một giọt mực”, Gyôga manroku (Ngưỡng ngọa mạn lục) “Ghi chơi lúc nằm ngửa” và Byôsô rokuseki (Bệnh sàng lục xích) “ Trên giường bệnh hẹp”, qua đó hình thức viết “văn xuôi tả sinh” (shaseibun) đã được tác giả áp dụng.

Vì Shiki đăng tác phẩm Dassai sho-oku haiwa trên nhật báo Nihon (Nhật Bản) nên môn phái của ông còn được gọi là Nihon-ha (Nhật Bản phái). Năm Meiji 30 (1897), ông lập ra Hototogisu [4](Chim Cuốc) và có thời điều khiển tờ tạp chí chuyên môn haiku nầy.

Trên giường bệnh, Shiki vẫn chiến đấu với định mệnh. Nhờ sức mạnh tinh thần nâng đỡ, ông cho ra đời hết tác phẩm này đến tác phẩm khác đến khi kiệt lực và mất ở cái tuổi 35 (1902).

Nhà văn Natsume Sôseki, lúc ấy đang ở London, đã viết bài haiku như sau để khóc Shiki, người bạn và người thầy đã dìu dắt ông trong đời thơ:

Nơi đây, trên những con đường,
Chìm trong sương đục,
Một bóng người lung linh.

(Bài Kiri ni naru, thơ Natsume Sôseki)

Sau đây là một vài bài thơ Shiki để lại:

Quẳng đôi đồng kẽm cúng chùa,

Mượn hàng hiên mát lưng trưa hạ nồng.

(Bài Ni-mon nagete)

« Quẳng » ở đây không có ý khinh bạc.Khách thập phương muốn tiến cúng đền chùa, phải ném tiền vào hòm tiền đặt trước chính điện và những âm thanh gây ra khi đồng tiền rơi leng keng cũng là cách giao cảm với Thần, Phật.

Chốn nầy vừa ngớt chiến tranh,
Bên nhà sập nát, đầy cành hoa lê.

(Bài Nashi saku ya)

Nở trắng trong lùm cỏ,
Một loài hoa không tên.

(Bài Kusamura ya)

Mưa xuân ướt tấm phướn,
Anh chàng diễn kịch rong.

(Bài Koshibai no nobori)

Mỗi cái bồ cắt cỏ,
Núi xuân, không bóng người.

(Bài Kusakago wo oite)

Ngày dài lê thê,
Bóng chiếc roi
Xua con lừa cất bước.

(Bài Nagaki hi ya)

Shiki đã làm bài thơ ở trên trong chuyến du hành Trung Quốc năm 1895 khi ông xung phong qua đó với tư cách phóng viên chiến trường. Nó đã tmô tả được phong cảnh thiên nhiên mênh mông của nước Trung Hoa trong một ngày xuân.

Nếu Bashô là người đặt nền tảng cho haiku, Buson nới rộng tầm vóc nó, Issa đưa nó đến gần với cuộc sống thì Shiki tuy cũng chú trọng đến thực tế nhưng đã đưa haiku trở lại với Buson, nhìn nó với cặp mắt của một nhà nghệ sĩ.

Cuộc chia tay của hai người bạn

Sau khi Shiki mất, hai người bạn từ thủa thiếu thời,và cũng là hai cao đồ của ông, Hekigotô và Kyoshi, đối lập với nhau về phong cách làm thơ. Kyoshi dần dần lánh xa haiku Shiki. Ngược lại, Hekigotô tiến sâu thêm trên con đường “tả sinh” mà Shiki đã vạch, truyền bá lý luận « không bắt buộc câu thơ phải có một trọng tâm nào » (vô trung tâm luận) của mình. Trong dịp hai lần chu du toàn quốc, Hekigotô đã để lại nhiều vần haiku có tính cách thơ tượng trưng.Tuy nhiên, vì chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên, ông cũng có làm thơ vịnh sinh hoạt xã hội hoặc haiku theo hình thức tự do, không cần “chữ theo mùa”. « Haiku tự do » mà Hekigotô và nhóm các ông Ogiwara Seisensui (Địch Nguyên, Thủy Tuyền Tử) chủ trương (cũng như tanka tự do) không chấp nhận sự bó buộc của số chữ trong câu (5/7/5 =17 trong trường hợp haiku và 5/7/5/7/7=31 trong tanka). Thơ haiku mới cũng thấy chữ theo mùa” (kigo = quí ngữ) là một câu thúc cần gạt bỏ. Do đó, Hekigotô đưa ra chủ trương “vô quí”(không theo mùa) xem việc đòi hỏi trong khi viết haiku phải có một chữ làm liên tưởng đến thời tiết là điều không cần thiết.



TIẾT II : HAIKU ĐỜI TAISHÔ (1912-26) :

Kawahigashi Hekigotô (Hà Đông, Bích Ngô Đồng, 1873-1937) và khuynh hướng tượng trưng, tự do của thơ haiku.

Kawahigashi Hekigotô nối tiếp truyền thống của Masaoka Shiki

Hekigotô quê ở Matsuyama trên đảo Shikoku, vốn sinh sau nhưng học cùng lớp với Shiki. Ông giỏi về thơ kikô (du hành), có tập Sansenri (Tam Thiên Lý, 1910) “Ba nghìn dặm”. Ông thường tranh luận với Shiki và nhân đó, đào sâu thêm lý luận về “miêu tả phong cảnh như sự thực”. Ông đã nối tiếp Shiki chăm nom mục haiku trên tờ Nihon.

Một bài thơ của ông viết năm đã được nhà thơ và nhà bình luận haiku Ôsuga Otsuji xem là tiêu biếu:

Ngạc nhiên ta nhìn,
Lũ chim non vừa mới ra đời.
Những đóa hồng mùa đông.

(Bài Omowazu mo, thơ Hekigotô)

Bài thơ tối tăm khó hiểu vì không có cái gạch nối cho sự liên tưởng giữa hai yếu tố « chim non » và « hoa hồng mùa đông ». Tuy nhiên, theo Otsugi, điều mà Hekigotô khơi gợi được cho người đọc là cảm giác đứng trước « một mùa đông mà thời tiết đặc biệt ấm áp ».

Thừa hưởng di sản tinh thần của Hekigotô có Ôsuga Otsuji nói trên và Ogiwara Seisensui.

Ôsuga Otsuji (Đại Tu Hạ, Ất Tự, 1881-1920)

Ông người tỉnh Fukushima miền Đông Bắc. Tốt nhiệp Đại Học Đông Kinh.Đề xướng một khuynh hướng mới cho haiku và đã phát biểu nhiều bài bình luận về vấn đề này. Tác phẩm của ông có Otsuji Kushuu « Ất Tự Cú Tập ».Vẫn kính trọng Hekigotô nhưng chủ trương cách tân của ông đi đến chỗ đoạn tuyệt với haiku lối cũ. Khoảng cuối đời Meiji, ông và Ogiwara Seisensui (Địch Nguyên, Tỉnh Tuyền Thủy), người đã cùng ông chủ trương tạp chí thơ “Mây Tầng “ hay Sôun (Tằng Vân, từ 1911), cũng như Nakatsuka Ippekirô (Trung Chủng, Nhất Bích Lâu, 1887-1946)…đã thoát ly thầy, đi theo con đường riêng, mạnh mẽ hơn, của họ.

Ogiwara Seisensui (Địch Nguyên, Tỉnh Tuyền Thủy, 1884-1976)

Seisensui, một thủ lãnh khác của trường thơ haiku tượng trưng, đã làm thơ trên ghế trường trung học. Ông tạm thời xa lánh thơ để vào Đại Học Đông Kinh học Đức văn và chỉ làm thơ lại khi gặp Hekigotô. Từ 1912, ông chủ chương haiku phải dẹp bỏ « chữ theo mùa », phải mạnh mẽ và sáng sủa. Nếu chỉ cần 15 âm tiết là đủ nói lên điều mình nghĩ thì sao lại ráng thêm cho được hai âm dư thừa vì chỉ muốn đủ 17 âm đòi hỏi. Và nếu bài thơ chưa gói ghém nổi ý tưởng bằng 17 âm thì ngại gì mà không ghép vào nó thêm vài âm nữa.

Thay vì 5/7/75, ông đã viết theo khổ 3/3/5/5 chẳng hạn như trong bài sau đây :

Sora wo (3) ayamu (3)
Rôrô to (5) tsuki hitori (5)

Đi ngang qua,
Khung trời.
Long lanh
Một mình trăng.

(Bài Sora ayumu, thơ Seisensui).

Hay một bài khác với khổ 10/7 :

Chikara ippai ni naku ko to (10)
Naku tori to no asa (7)

Buổi sáng có tiếng trẻ con khóc ngất,
Cùng tiếng gà báo thức.

(Bài Chikara ippai ni naku no ko, thơ Seisensui).

Ông cũng sử dụng những ẩn dụ có tính tượng trưng mới mẽ :

Tôi hút,

Từ chất chua quả cam,
Kỹ niệm về người vợ

(Bài Tsuma no tsuioku no, thơ Seisensui)

Trường thơ tự do của Seisensui sau này sẽ được nối tiếp bởi hai nhà thơ phóng lãng : Ozaki Hôzai và Taneda Santôka..



Ozaki Hôsai (Vĩ Kỳ, Phóng Tai, 1885-1926)

Hôsai từng tốt nghiệp Dự Bị Đại Học và sau học Luật ở Đại Học Đông Kinh nghĩa là con đường sẽ đưa đến danh vọng quan trường hay trong giới kỹ nghệ của thanh niên Nhật thuở ấy nhưng sau khi làm việc ít lâu trong một hãng bảo hiểm nổi tiếng, ông đã bỏ rơi tất cả vì một lý do không ai rõ.Về sau, ông có sang Triều Tiên nhưng cũng thôi việc lần nữa, về nước rồi bỏ vợ mà vào sống trong chùa, làm công việc vặt. Ông gặp Seisensui ở một ngôi chùa Kyôto và bắt đầu chuyên chú vào việc làm thơ haiku kể từ đó. Thơ ông thường nói lên niềm cô độc như trong bài sau đây :

Suốt ngày dài,
Ta không nói lấy một câu.
Con bướm đến đổ bóng

(Bài Ichinichi môn iwwazu, thơ Hôsai)

Chỉ có con bướm đến đậu, đổ bóng trên tấm hồ dán cửa giấy mới đem đến cho ông niềm an ủi có bạn đồng hành. Hoặc như :

« Rắc muối,
Lên thùng dưa đi ! ».
Có phải mẹ sinh ta ra để làm việc đó?

(Bài Tsukemono oke ni, thơ Hôzai)

Bài thơ đó làm ra khi ông tự hỏi có phải mình sinh ra để làm một công việc không mấy danh dự là rắc muối để làm dưa cho nhà chùa.

Thơ haiku của Hôsai càng ngày càng cô đọng lại. Ông dùng vỏn vẹn thể 6/3 nghĩa là tổng cộng chỉ sử dụng có 9 âm tiết trong bài thơ :

Ngay cả khi ho,
Ta cũng chỉ một mình.

(Bài Seki wo shite mo, thơ Hôsai)

Những người yêu haiku xếp Ozaki Hôsai bên cạnh các đại sư như Bashô, Buson và Issa. Họ xem ông là một nhà thơ có những bài đọc một lần khó quên. Hôsai chỉ để lại tập thơ duy nhất nhan đề Taikuu « Trời rộng » (1926).

Thơ trường phái Sôun (tạp chí Mây Tầng) này đi đến chỗ làm thơ cực ngắn với 4 âm tiết như trong « bài » thơ sau đây của Ôhashi Raboku (1890-1933) :

Mặt trời làm phát ốm.

(Bài Hi e yamu, thơ Raboku)

Taneda Santôka (Chủng Điền, Sơn Đầu Hỏa, 1862-1940)





Taneda Santôka, nhà thơ khất thực, phóng lãng.

Trưởng nam một gia đình địa chủ tỉnh Yamaguchi, bỏ ngang Đại Học Waseda. Ban đầu làm thơ haiku theo hình thức cũ sau đổi sang haiku tự do, cộng tác với tạp chí Sôun (1915). Năm 1916 trở đi, vì gia đình phá sản nên sống đời rày đây mai đó, có lần mở cửa hàng sách cũ để kiếm ăn. Em trai tự sát, bố chết, mình thì bị cha vợ bắt ly hôn, lại trải qua cuộc động đất lớn năm 1923 nên cảm khái về lẽ vô thường của cuộc đời., xuất gia học thiền. Chu du khắp nơi và làm thơ. Có Somokutô « Tháp thảo mộc »(1940) ghi lại 701 bài do ông tuyển lựa từ khoảng 9000 bài thơ làm được trong 15 năm trời. Bashô và Hôsai là hai nhà thơ Santôka rất yêu mến. Cuộc đời lang thang và cơ cực của một nhà sư khất thực đã gợi hứng cho ông những vần thơ ( thể 7/3) như sau :

Mưa đá rơi vào,
Cái bát sắt xin cơm.

(Bài Teppatsu no naka e, thơ Santôka)

Ta nghe như có âm thanh rào rạo của những giọt mưa đá nhỏ như hạt cơm rơi vào bát sắt, trống rỗng vì không người bố thí, một dụng công của nhà thơ.

Phái Hototogisu (Chim Cuốc)

Phái « Chim Cuốc » là một phân nhánh của nhóm Masaoka Shiki nhưng đi theo chủ trương của Takayama Kyoshi.

Takahama Kyoshi (Cao Tân, Hư Tử, 1874-1959) và khuynh hướng haiku định hình và phúng vịnh



Takahama Kyoshi giữ haiku khỏi xa đại chúng để giúp nó sống còn

Năm Meiji thứ 45 (1912), Takahama Kyoshi (biệt hiệu lấy từ tên thật Kiyoshi nghĩa là « Thanh » (trong trẻo ) cho đăng lại haiku trên tạp chí Hototogisu. Kyoshi trước đây là bạn thân học cùng lớp thời trung học của Hekigotô, được ông này giới thiệu với Shiki và bắt đầu chuyên tâm làm haiku từ đó. Tuy vậy, sau này ông với Hekigotô đối lập (chuyện trường phái trong haiku là một vấn đề có tự thời Edo nhưng ngoài ra, có lẽ vì họ cùng yêu một người đàn bà. Bà này trước đi lại với Hekigoto, sau thành vợ Kyoshi) để rồi bị Hekigotô đánh giá « Kyoshi có 47% chất thi sĩ và 53% tính con buôn ». Sau ông cầm đầu tạp chí Hototogisu, từng khuyến khích Natsume Sôseki đăng Waga hai wa neko dearu “Mèo chúng tớ” và chính mình cũng từng cho ra mắt nhiều truyện ngắn viết theo kiểu « tả sinh » trong đó đáng lưu ý có Ikaruka Monogatari “Truyện bồ câu núi”(1907).

Một bài thơ của Kyoshi được nhiều người biết đến :

Chiếc lá ngô đồng,
Vươn ra đón nắng
Khi đang rơi xuống đất

(Bài Kirihitoha, 1906, thơ Kyoshi)

« Ngô đồng nhất diệp lạc » là một ý thơ đã cũ nhưng Kyoshi biết dựa vào đó để nói lên một cảm xúc khá mới mẻ của mình.

Kyoshi có để lại tập lý luận Susumu beki haiku no michi « Con đường mà thơ haiku phải đi theo » (1915-16), tập thơ Gohyakuku « Năm trăm bài haiku » (1929-31). Kyoshi trở về với truyền thống, coi trọng hình thức cố định 5/7/5 và chủ trương phải giữ chủ đề về mùa (kidai = quí đề) khi làm thơ haiku. Đó là chỗ ông khác với Hekigotô. Thứ đến, tuy Kyoshi cũng muốn có thái độ chủ quan khi làm thơ như Hekigotô nhưng vì không muốn rơi vào chỗ chủ quan tầm thường nên, ngược lại, đề nghị một phương pháp “tả sinh” (shasei)[5]…khách quan. Sau đó, trường phái của ông bị coi là loại văn chương “phúng vịnh hoa điểu”.

Tuy nhiên, theo Kyoshi, « phúng vịnh hoa điểu » không có gì đáng trách nếu vừa trung thành với thiên nhiên mà kết tinh được nét đẹp của nó.Như Tống Huy Tông (1101-1125), ông vua Trung Quốc mê hội họa , đã đòi hỏi các họa sĩ phải chính xác trong việc vẽ tranh hoa điểu. Bashô là nhân vật thứ hai mà Kyoshi viện ra để biện hộ cho mình. Trong Oi no Kobumi « Bản thảo trong tráp đeo lưng », Bashô từng khuyên cầu nhà thơ phải biết quan sát các giống hoa để có thể làm bạn với thiên nhiên bốn mùa.

Một đặc điểm nữa của Kyoshi là tài tổ chức của ông. Nhờ ông, haiku đã phổ biến trong toàn quốc và những nhà thơ dù thiếu tài năng cũng được khuyến khích và có cơ hội đóng góp với làng thơ.Người ta thường xem Kyoshi đã đưa haiku thụt lùi về thời trước khi có cuộc cải cách của Shiki, đưa nó từ một nghệ thuật hạng nhất trở lại hạng nhì. Năm 1946, nhà phê bình Kuwabara Takeo đã lên tiếng công kích mạnh mẽ các nhà thơ haiku hiện đại như thế nhưng Kyoshi đã trả lời một cách mai mĩa và xem lời chê kia như một điểm son của ông. Thật oái oăm, điều đó tuy là mâu thuẩn nội tại của haiku nhưng có lẽ nhờ vậy mà nó tiếp tục sống còn.

Các nhà thơ khác cùng thời với ông như Murakami Kijô, Iida Dakotsu, Maeda Fura đều lấy thái độ chủ quan khi sáng tác.



Murakami Kijô (Thôn Thượng, Quỉ Thành, 1865-1938)

Dòng dõi samurai nhưng không nối được nghiệp nhà vì có bệnh lãng tai. Nhà nghèo, mười mặt con, chức phận chỉ là một viên thư lại. Ông thích haiku từ khi được đọc Shiki nhưng sở trường về shaseibun (tức loại văn xuôi tả cảnh tả tình theo cung cách shasei). Trong một buổi họp mặt bình thơ ở Takasaki, gần Tôkyô năm 1913, bài thơ sau đây của Kijô đã được Kyoshi chấm hạng nhất :

Khi sơn ca bay vút lên trời,
Người nhà nông hay,
Ngày đã rạng.

(Bài Hyakushô ni, thơ Kijô)

Bài sau đây cũng được sự chú ý của Otsuji, người đã só sánh tình yêu đối với thiên nhiên của Kijô với Kobayashi Issa, nhưng trong khi Issa muốn chống chọi, tranh đấu thì Kijô tỏ ra cam phận :

Con ong mùa đông
Đi lòng vòng
Không tìm ra nơi để chết.

(Bài Fuyu hachi no, thơ Kijô, 1915)

Có thể đó là giới hạn làm thơ Kijô không thể tiến xa nhưng ông có đặc điểm đã đem đến cho haiku hiện đại một thoáng mộc mạc dân dã như khi ông viết :

Ngày Nguyên Đán,
Trên đầu giường tôi,
Cái khố mới tinh xếp gọn gàng.

(Bài Gantan ya, thơ Kijô)



Iida Dakotsu (Phạn Điền, Xà Hốt, 1885-1962)

Dakotsu được xem là một nhà thơ của đồng quê như Kijô dù gốc gác có khác. Ông người tỉnh Yamanashi, gần Tôkyô, vào Đại Học Waseda năm 1905 và từ ấy bắt đầu vùi đầu vào văn thơ cùng với các bạn đồng song như Wakayama Bokusui (Nhược Sơn, Mục Thủy), Toki Aika (Zenmaro, Thổ Kỳ, Ai Quả hay Thiện Lữ). Gặp Kyoshi cùng năm đó, ông bắt đầu cộng tác với Hototogisu. Ông sớm trở thành trụ cột của trường thơ này, trung thành với haiku 17 âm tiết và chữ theo mùa. Người ta đánh giá ông là người đã giữ được truyền thống « bất dịch » (fueki) trong « bất dịch lưu hành luận » của Bashô.

Từ năm 1917, ông chủ trương hai tạp chí thơ Kirara và Unmo. Để lại nhiều tập thơ, tiêu biểu có Sanro.shuu (Sơn lư tập) « Túp nhà trên núi » (1932), Reishi « Nấm linh chi » (191937).

Ông có bài thơ như sau :

Nỗi đau nhè nhẹ,
Khi dì tôi qua đời
Những chiếc lá phong non.

(Bài Oba yuite)

Nỗi đau mất một người thân (bà cô, bà dì) đến và đi nhẹ nhàng thôi vì người đó đã già, chỉ vừa ra khỏi vòng sinh diệt khi những chiếc lá phong non mới bước vào.

Hara Sekitei (1886-1951) và Maeda Fura (Tiền Điền, Phổ La, 1886-1954) và Sugita Hisajo (Sam Điền, Cữu Nữ, 1890-1946)

Hai ông Sekitei và Fura cũng được xem là hai kiện tướng của tạp chí Hototogisu. Sekitei không trí thức như Dakotsu, sử dụng trực giác nhiều hơn.

Ông là con một gia đình y sĩ tỉnh Shimane nhưng yêu thơ hơn y khoa nên không muốn nối nghiệp nhà. Ông sống ở vùng Yoshino, nơi có hoa anh đào và lá hồng. Trong khi đó, Maeda Fura cư ngụ vùng núi non miền biển Nhật Bản, giữa cảnh núi non hùng tráng với tuyết phủ. Kyoshi thường cho rằng thơ Sekitei với phong cách phóng túng, không bị trói buộc gợi cho ông cảnh tượng xuân, hạ và Fura, với sự gọn gàng và sức sống làm ông liên tưởng cảnh thu, đông.

Người đốt lửa đêm canh thú rừng,
Lại đánh thêm tiếng cồng,
Trong niềm cô tịch

(Bài Sabishisa ni, thơ Sekitei,)

Có lẽ không hay biết,
Ta vừa giết ai rồi.
Đom đóm bay vật vờ.

(Bài Hito korosu, thơ Fura)

Ngoài ra cần nhắc đến Sugita Hisajo (Sam Điền Cữu Nữ), một cây bút phụ nữ nhiều cá tính, đã gữi gắm tâm sự về những mối tình của mình trong haiku, gợi nhớ đến nhà thơ tanka nữ Yosano Akiko. Tuy bị khai trừ ra khỏi Hototogisu vì lối sống không thỏa hiệp của mình, bà là một trong những phụ nữ hiếm hoi nối tiếp được dòng thơ haiku thời Edo của Shiba Sonome (Tư Ba, Viên Nữ, 1664-1726), đệ tử của Bashô, và Kaga no Chiyo (Gia Hạ, Thiên Đại, 1703-1775), người có những vần thơ đậm đà thiền vị.

TIẾT III: HAIKU THỜI SHÔWA TIỀN CHIẾN (1926-45)

Những năm 1920, dòng thơ haiku của Takahama Kyoshi và nhóm Hototogisu với hậu thuẩn của những nhà thơ đại chúng, đã làm chủ thi đàn và chỉ gặp sự chống đối của nhóm cách tân nổi tiếng chung quanh Kawahigashi Hekigotô. Lúc đó, những người theo Hekigotô chưa đủ sức lập hẳn một trường phái chống đối lại phong cách cổ điển của nhóm Hototogisu. Điều này phải đợi đến đầu thời Shôwa, khi Mizuhara Shuuôshi bước vào thi đàn.

Mizuhara Shuuôshi (Thủy Nguyên, Thu Anh Tử, 1892-1981)



Mizuhara Shuuôshi, người khởi xướng phong trào “haiku mới”

Người Tôkyô, theo học y khoa ở Đại Học Tôkyô (1914-19). Trong khi còn trên ghế nhà trường đã gia nhập nhóm haiku mang tên Shibukaki “Quả Hồng Chát”. Ông có thơ đăng trên Hototogisu, nhận được sự chỉ giáo của Takahama Kyoshi, Kubota Utsuho (về tanka). Sau đó, cùng với Yamaguchi Seishi (Sơn Khẩu, Thệ Tử), Awano Seiho (A Ba Dã, Thanh Mẫu), Takano Sujuu (Cao Dã, Tố Thập) là 4S tức 4 người tên bắt đầu bằng chữ S làm trụ cột cho tạp chí Hototogisu.

Năm 1928, ông thoát ly Hototogisu và sáng lập tạp chí haiku Ashibi (Mã Toái Mộc), từ đấy trên đó sẽ có những tên tuổi như Ishida Hakyô (Thạch Điền, Ba Hương) và Katô Shuuson (Giang Đằng, Thu Thôn) xuất hiện. Trong bài tựa thi tập Katsushika ra đời năm 1929, Shuuôshi cho rằng “Một bên ( Hototogisu)có thái độ hoàn toàn trung thành với thiên nhiên và để tâm hồn mình trống không. Một bên (Ashibi) giữ lấy chủ trương của chính mình nhưng biết kính trọng thiên nhiên”. Ông định vị trí của mình rõ ràng trong thành phần thứ hai.

Năm 1931, cũng trên tạp chí này, ông đã viết bài “Cái thật trong thiên nhiên và cái thật trong văn nghệ” để phê bình tính khách quan của nhóm Hototogisu và chủ trương trở về với tính chủ quan. Ông cổ động cho phong trào “haiku mới lên”(shinkô haiku). Tuy vậy, phong trào này vẫn phê phán lối làm thơ bỏ mất chữ theo mùa (vô quý), sử dụng văn nói (khẩu ngữ), vẫn bám chặt lối làm thơ có chữ theo mùa (hữu quý), sử dụng văn viết (văn ngữ) và hình thức cố định (định hình).Khác chăng là khai thác khía cạnh trữ tình và tao nhã. Bản thân Shuuôshi có tập thơ Katsushika

“Vùng đất Katsushika” (1930), Sôrin “Rừng sương” (1950), Zanshô “Tiếng Chuông Tàn” (1952).“Vùng đất Katsushika” của ông cùng với Tôkô “Cảng Đóng Băng” (1932) của Yamaguchi Seishi được xem như hai tác phẩm đã hiện đại hóa thơ haiku.

Quây quần chung quanh Shuuôshi là những nhà thơ trẻ. Tuổi trung bình của những nhà thơ haiku của tạp chí Ashibi là khoảng 30, lúc Shuuôshi 40 thì Ishida Hakyô mới có 19.

Tạp chí Ashibi (Hoa Tiên Nữ)

Tiếng Hán viết Mã Toái Mộc. Hoa này Tây Phương gọi là Andromeda, thuộc họ Azalea (lệ quyên), một loại hoa “không thời gian”, trâu bò rất thích ăn, cành lá nó và dễ bị say. Hình như Shuuôshi đã thấy nó bên cạnh một cửa chùa khi ông đến viếng, Ta được biết chuyện đó qua câu thơ trong tập “Vùng đất Katsushika” của ông:

Khi tay tôi chạm cánh cửa,
Điện vàng trên chùa,
Hoa tiên nữ nở.

(Bài Ashibi saku, thơ Mizuhara Shuuôshi)

Shuuôshi có một người bạn tâm huyết trong đời thơ, Yamaguchi Seishi, tuy giữa hai người không phải là không có những cuộc tranh luận về thi ca đưa đến sự đoạn tuyệt giữa họ.

Yamaguchi Seishi (Sơn Khẩu, Thệ Tử, 1901-1994)

Ông người Kyôto nhưng đã sống ở Tôkyo và đảo Karafuto, vùng cực bắc nước Nhật.Sau khi vào học Đại Học Đông Kinh, ông cùng với Mizuhara Shuuôshi chấn hưng lại hội haiku ở nhà trường.Là một trong 4S nhưng ông không bằng lòng với “phúng vịnh hoa điểu” mà đi tìm một lối diễn tả mới nên sau một thời gian hoạt động với tạp chí Hototogisu, đã cùng Shuuôshi đi qua Ashibi. Ông muốn dùng haiku để nói về tâm cảnh của con người đô thị. Năm 1948, ông lập tạp chí Tenrô “Chòm sao Sirius”. Ngoài hai tập thơ Tôkô “Cảng đóng băng” (1932) và Kôki “Cờ Vàng” (1935) còn viết tùy bút và bình luận.

Trên vùng cỏ mùa hạ
Bánh sắt đầu máy xe
Nghiến lên rồi dừng lại.

(Bài Natsunokusa ni, thơ Seishi, 1933)

Bờ sông một ngày hè,
Đoạn cuối xích sắt rĩ
Dầm mình trong dòng nước

(Bài Natsu no kawa, thơ Seishi, 1937)

Bài thơ này ông viết vào năm xãy ra cuộc xung đột Trung Nhật.

Seishi đã đem vào thơ cảnh hải cảng đóng băng trên đảo Karafuto, đầu máy xe lửa vào ga Ôsaka, những nhà đăng-xinh, chỗ chơi trượt băng, những tiếng còi trong trận đấu bóng bầu dục, người thơ ký đánh máy, cuộc họp các cổ đông của một xí nghiệp, một buổi biểu tình ngày Lao Động Quốc Tế. Ông rất ít khi nói đến Nhật Bản xa xưa như Kyôto dù đó là thành phố nơi ông sinh ra và sống hầu hết cuộc đời.

Về sau, Seishi cùng với nhà thơ nữ Hashimoto Takako (1899-1963), đệ tử của ông, bỏ Shuuôshi, chấm dứt một thời gian cộng tác lâu dài để ra lập tạp chí Tenrô “Chòm sao Thiên Lang”(1948). Bà, người có danh hiệu là “nữ-Seishi” đã giúp ông trong việc xây dựng một diễn đàn giá trị cho haiku hậu chiến. 

Thơ Seishi trong thời chiến tranh không nhắc gì đến cuộc chiến mà chỉ có những vần nói lên sự trống rỗng, chứng tỏ chiến tranh thực sự đã ảnh hưởng nhiều tới ông. Một bài trong tập Gekirô “Sóng Gầm”(1944):

Khi trận bão mùa đông
Đã đi ra ngoài biển
Không còn có lối về.

(Bài Umi ni dete, thơ Seishi)

Tiếp theo đó, các nhà thơ haiku mới như Matsumoto Takashi (Tùng Bản, Takashi), Kawabata Bôsha (Xuyên Đoan, Mao Xá), Nakamura Kusatao (Trung Thôn, Thảo Điền Nam, 1901-1983) lần lượt xuất hiện. Từ lúc có cuộc vận động đổi mới thi ca, họ đón nhận thêm Tomizawa Kakio (Phú Trạch, Xích Hoàng Nam), Saitô Sanki (Tây Đông, Tam Quỉ), Akimoto Fujio (Thu Nguyên, Bất Tử Nam).

Kawabata Bôsha (Xuyên Đoan, Mao Xá, 1897-1941)

Ông là em khác mẹ của họa sĩ Kawabata Ryuushi (1891-1929), một người chuyên môn về hội họa Nhật Bản. Ông cũng đã học vẽ và tu thiền. Năm 1929 bắt đầu đăng thơ trên Hototogisu “Chim Cuốc”. Vì gốc gác họa sĩ và thiền sư nên thơ ông sử dụng nhiều ngôn ngữ Phật giáo và hình ảnh chịu ảnh hưởng từ hội họa. (Có thuyết cho rằng vì ông xuất thân con nhà chủ một trà đình geisha nên có mặc cảm tội lỗi và vì sức khỏe yếu kém mới đi đến với lòng tin tôn giáo). Có hai tập thơ tiêu biểu: Kawabata Bôsha shuu “Tập thơ Kawabata Bôsha” (1934) và Kegon “Hoa Nghiêm” (1939).

Thơ của ông thường u hoài, chan chứa luyến tiếc, thất vọng:

Sạp sách về đêm,
Sương khuya đã rơi trên trang,
Tây Quốc Lập Chí Biên.

(Bài Yomise haya, thơ Bôsha)

Cuốn Tây Quốc Lập Chí Biên (Saikoku Risshihen) là bản dịch ra tiếng Nhật của Self-Help, tác phẩm do Samuel Smiles viết, khuyên thanh niên phải có tham vọng tiến thủ.

Matsumoto Takashi ( Tùng Bản, Takashi, 1906-1956)

Tên tuổi Bosha gắn liền với Matsumoto Takashi, một người bạn cũng có số phận hẩm hiu như ông. Con một kép tuồng Nô, ông bỏ nghiệp nhà vì mắc bệnh phổi và từ đó làm thơ, Có tập Sekkon “Hồn của đá” (1953) với những vần như sau:

Chiều thu xuống,
Trong gian phòng nhà thổ,
Không có người dùng.

(Bài Yuujoya no, thơ Takashi)

Ngoài ra còn phải kể đến một nhà thơ bạc phước khác: Hasegawa Sosei (1907-46). Ông tham gia tạp chí Hototogisu và nổi tiếng nhờ những bài thơ gữi từ chiến trường Trung Quốc, nơi ông tham dự tác chiến trong một đơn vị pháo binh. Ông có tập Hôsha “Xe Chở Pháo” (1939). Sau ông lâm bệnh và sống chuổi ngày tàn phế đến lúc chết.Thơ ông trong những ngày cuối phản ánh sinh hoạt của ông lúc đó, khi hiện thực, khi trữ tình, có màu sắc ẫn nhẫn, cam chịu, rất Đông Phương.

Những nhà thơ nhân bản

Từ tạp chí Ashibi (Mã Toái Mộc) “Hoa Tiên Nữ”[6] do Mizuhara Shuuôshi chủ trương, có Katô Shuuson (Gia Đằng, Thu Thôn, 1905-1993), Ishida Hakyô (Thạch Điền, Ba Hương, 1913-1969) bỏ ra ngoài để hoạt động. Hai ông đã cùng với Nakamura Kusatao (1901-1983) thành lập phái “Nghiên Cứu Con Người” (Ningen sankyuuha) nghĩa là trường phái haiku chủ trương xuyên qua lời thơ, tìm hiểu nhân tính ẩn dấu sau đó. Ngoài ra, vào thời nầy còn có những cuộc tranh luận chung quanh việc xóa bỏ qui luật về mùa hay không ( kigo và kidai) và cuộc vận động cho haiku vô sản (puroretaria haiku). Thế nhưng, những tiếng nói đó đã bị tắt nghẹn khi Nhật Bản bước vào tình trạng chuẩn bị chiến tranh. Ngôi sao haiku vì lý do đó đã lu mờ và lại bị xem như một nghệ thuật hạng nhì.

Nakamura Kusatao (Trung Thôn, Thảo Điền Nam, 1901-1983)



Nakamura Kusatao: Haiku phải giải đáp câu hỏi của con người

Ông tốt nghiêp ban Quốc văn ở Đại Học Đông Kinh ở tuổi 33. Tuy sinh ở thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến nhưng thời trẻ sống ở Matsuyama, cái nôi của tanka và haiku, và ta không lạ gì khi ông đến với nhóm Hototogisu Được sự đào tạo chân truyền của Kyoshi và Shuuôshi và được coi là kẻ thừa kế sự nghiệp của 4S nhưng ông đã phê bình cách làm thơ của Shuuôshi và bỏ ra đi. Phái “Nghiên Cứu Con Người” ông chủ trương có mục đích “giải đáp những vấn đề của con người” cho nên còn được gọi là Nankaiha “Nạn Giải Phái”. Cơ quan của họ là tạp chí Banryoku (Vạn Lục, ra đời năm 1946) có nghĩa là “mãi mãi tươi xanh” lấy từ một chữ dùng của thi nhân đời Tống Vương An Thạch vịnh quả lựu. Tạp chí này đã đóng một vai trò chủ chốt trong lịch sử haiku hiện đại.

Về tác phẩm, Kusatao có tập Chôshi “Trưởng Nam” (1936) gom góp 338 bài thơ ông viết ttừ năm 28 đến 35 tuổi.

Thơ ông mơ hồ nên bị xem như là nhà thơ khó hiểu nhưng ông thường bảo “tôi viết cho tôi”. Giai đoạn 1935-39 thực ra là một giai đoạn cực kỳ khó khăn cho những nhà thơ muốn nói lên cảm nghĩ của mình. Sau đây là hai bài thơ tiêu biểu cho thái độ “kề cận con người” của thơ Kusatao:

Ở giữa những gì mãi mãi tươi xanh,
Là cảnh đứa trẻ con,
Mới bắt đầu mọc răng.

(Bài Banryoku no, thơ Kusatao, 1939)

Da trời xanh,
Màu của thuở ban đầu,
Ta đón lấy quả táo từ tay người vợ.

(Bài Sora wa taisho no, thơ Kusatao, 1946)

Trong bài thơ thứ hai, ông mượn hình ảnh của Adam và Eve trong Thánh Kinh để nói về niềm hy vọng lóe lên trong gia đình ông giữa cảnh cùng khổ của thời hậu chiến.

Katô Shuuson (Gia Đằng, Thu Thôn, 1905-1993)

Người Tôkyô, năm 18 tuổi sau khi cha mất, một tay cáng đáng gia đình. Khi học xong sư phạm ra dạy trung học, rồi làm đệ tử của Mizuhara Shuuôshi. Năm 1937 học tiếp đại học rồi sau ra làm giáo sư đại học nữ Aoyama Gakuin. Tập thơ đầu tay có tựa đề Kanrai “Tiếng sấm lạnh”ra đời năm 1939. Đi từ thơ chải chuốt sang thơ có chiều sâu, thao thức về con người.

Ông đặc biệt yêu thích thơ cảm thương của Takuboku và Kijô. Những bài thơ đầu tiên có cái thanh nhã của thơ Shuuôshi nhưng sau đó ông tiến gần với Kusatao vì chủ trương rằng “thơ không thể viết về những con búp bê không hồn”. Từ năm 1931, ông đã có bài:

Người đi nhặt hạt gòn,
Không cất một tiếng ca.

(Bài Wata no mi wo, thơ Shuuson)

Đáng lý ra người con gái đi nhặt bông gòn phải hát lên như người cấy lúa xứ Oku mà tiếng hò, theo Bashô, đã khơi nguồn cho thi ca.Thế nhưng việc nhặt gòn là lao động có tính cách máy móc không cho phép nàng biểu lộ tình cảm.

Sau đây là những bài thơ Shuuson làm trước khi cuộc chiến tranh cục bộ trở thành toàn diện:

Ngày tám tháng mười hai,
Trên hàng vạn mái nhà,
Sương giá đóng.

(Bài Juunigatsu, thơ Shuuson, ngày chiến tranh Đại Đông Á mở màn)

Kìa lũ cóc chồm hổm,
Ai đó, nói lên xem.
Tiếng càng to càng tốt!

(Bài Hikigaeru, thơ Shuuson, 1939)

Một con kiến nhỏ,
Bao lần dấn bước tiến lên,
Cuối cùng chết trận.

(Bài Tsui ni senshi, thơ Shuuson, có lẽ ám chỉ chiến trường Trung Hoa)

Những bài thơ lúc đó dù muốn cho là nói lên tinh thần phản chiến của ông nhưng nhìn chung cũng chỉ mù mờ và đa nghĩa. Về sau, ông hầu như trở thành đồng lõa qua việc chấp nhận đi Trung Quốc và Nội Mông trong chương trình của Bộ Thông Tin Tuyên Truyền hồi năm 1944. Dĩ nhiên thời đó người ta chỉ được có một thái độ theo hay chống và Shuuson xem việc bảo vệ nước Nhật của ông ta là trên hết. Sau thời chiến, hành vi câu kết với quân phiệt của ông đã bị Nakamura Kusatao phê phán.

Ông còn ra tuyển tập Hi no Kioku “Ký Ức về Lửa” (1948) nói về cảnh tàn phá do chiến tranh và Sammyaku “Rặng Núi” (1955) biểu lộ tình cảm trước khung cảnh thiên nhiên. Kỹ thuật thơ ông lúc đó đã nhuần nhuyễn nhưng chủ đề thì bình thường và mang tính cách trầm tư lặng lẽ như thơ Bashô trong giai đoạn cuối.

Ishida Hakyô (Thạch Điền, Ba Hương, 1913-1969)

Người Matsuyama trên đảo Shikoku, cũng là học trò của Mizuhara Shuuôshi và cũng ở trong nhóm Ashibi như Katô Shuuson. Bỏ nửa chừng việc học ở Đại Học Meiji, từ đó chuyên lo làm thơ. Năm 1937 lập tạp chí haiku Tsuru “Hạc”, cùng với Shuuson và Kusatao tìm cách giải đáp qua thơ những vấn nạn của con người. Cũng tìm về thi phong cổ điển trong Sarumino “Áo tơi cho khỉ” của Bashô. Ông không đồng ý bỏ các chữ ngắt câu (Kireji = thiết tự) của haiku truyền thống như chủ trương của nhóm Ashibi. Thơ ông vẫn đầy ya, suberi, ran, keri vv…trong số 18 chữ gọi là Kireji juuhachiji[7].

Trong thời chiến, ông tùng quân ở Trung Quốc trong đơn vị truyền tin bằng chim bồ câu. Ông yêu thú vật và viết nhiều về chúng trong haiku nên được so sánh với Issa. Vì có vấn đề sức khỏe (lao phổi), ông được gữi về nước, từ đó phải vừa chiến đấu với tật bệnh vừa sáng tác. Thi tập chính là Tsuru no Me “Mắt chim hạc” (1939), Shakumyô “Thương tiếc cuộc đời” (1950). Những năm cuối đời, ông và gia đình sống trong cơ cực, nghèo túng.

Ông giống Kusatao và Shuuson không những ở chỗ muốn đem thơ đến gần với con người mà còn ở chỗ làm thơ khó hiểu.

Trong khi đợi chuyến buýt,
Tôi không ngờ gì nữa,
Đại lộ, xuân đã về.

(Bài Basu wo machi, thơ Hakyô, 1933)

Không gây một tiếng động
Tuyết rơi nhanh, lấp dày.
Ngôi nhà xác.

(Bài Yuki wa shizuka ni, thơ Hakyô, 1950)



TIẾT IV : HAIKU THỜI SHÔWA HẬU CHIẾN (1945-89)

Haiku, một nghệ thuật hạng nhì ?





Kuwabara Takeo : Haiku ? Một nghệ thuật hạng nhì

Năm Shôwa 21 (1946), Nhà bình luận Kuwabara Takeo (Tang Nguyên, Vũ Phu), giáo sư Đại Học Kyôto, đã đăng bài luận thuyết “Nghệ thuật hạng nhì: bàn về haiku hiện đại”. Ông cho biết khi đặt những bài haiku của tác giả nổi tiếng ( Kusatao, Dakotsu, Kyoshi...) và tác giả nghiệp dư vô danh bên cạnh nhau, người ta không phân biệt được bài hay của người nầy, bài dở của người kia. Đó là phương pháp kiểm chứng của I.A. Richards trong cuốn Practical Criticism mà ông đã thử ứng dụng. Phẩm định hơn thua họa chăng là ở chổ gốc gác nếp nhà (iemoto). « Haiku là một thuật mọn chứ không thể là một nghệ thuật”. Lối lập luận của Kuwahara nhiều chỗ có tính gây hấn nhưng đã chấn động thi đàn thời đó.

Giữa hai bài haiku sau đây :

Bôfuu no
Koko made suna ni
Umoreshi to

Những tấm phên chắn gió,
Cho đến bây giờ,
Cát đã vùi tất cả..

Saezuri ya
Kaze sukoshi aru
Togemichi

Chiêm chiếp tiếng chim kêu,
Ngọn gió thoảng qua,.
Trên con đường đèo.

Thật khó lòng đánh giá được đâu là thơ của bậc đại sư, Thực ra, bài thứ nhất là của Masaoka Shiki, còn bài thứ hai của một tác giả vô danh đăng trên tập san của nhân viên đường sắt. Do đó, theo Kuwabara Takeo, trong lãnh vực haiku, phải chăng chỉ có nếp nhà, dòng dõi, số đồ đệ đi theo, mới ấn định giá trị của nhà thơ.

Theo Kuwahara, haiku đã không nhận lấy trách nhiệm xã hội, chỉ là một trò mua vui trong bọn với nhau. Đó là chưa nói hiện tượng bè phái của giới làm thơ haiku. Tinh thần ấy ảnh hưởng qua cả các nhà viết tiểu thuyết từ đời Meiji và cản trở luôn cả sự phát triển của bộ môn này.

Haiku xã hội và tiền vệ

Để đáp lại lời trách móc đó, nhiều nhà thơ haiku cho rằng Kuwabara thiếu kiến thức về haiku để có thể đánh giá đúng đắn. Kẻ khác tỏ ra bối rối, mất tinh thần, bắt đầu hoài nghi về giá trị thơ haiku. Katô Shuuson chẳng hạn, cho rằng nếu không giải đáp được vấn nạn nầy thi e khó lòng tiếp tục viết haiku. Thế nhưng, những người như Yamaguchi Seishi đã có phản ứng tích cực hơn.. Trong tạp chí Tenrô [8](Thiên Lang), ông lên tiếng cần phải có một thứ haiku cội nguồn (kongen haiku = căn nguyên hài cú) Nhờ tạp chí nầy mà có tập thơ Tanjô (Đản Sinh, 1945) của Takaha Shugyô (Ưng Vũ, Thú Hành, sinh năm 1930). Sau đó, tạp chí Kaze (Phong, từ 1946) của Sawaki Kin-ichi (Trạch Mộc, Hân Nhất, sinh năm 1919) đi theo đường lối haiku xã hội đã ra đời.

Sau đây là bài thơ của Sawaki tả cánh đồng muối trên đảo Noto :

Từng giọt từng giọt,
Nước biến thành muối,
Trời đất cùng chung sức.

(Bài Mizushio no, thơ Sawaki Kin.ichi trong ttaajp Enden « Ruộng Muối »)

Những người làm đồng,
Trên đất cày đạn bom,
Xương cốt hỏi giờ đâu ?

(bài Hôdan ni, thơ Sawaki kinichi, trong Okinawa ginyuu shuu « Tập thơ trên đường Okinawa »)

Thế rồi, hai nhà thơ Kaneko Tôta một thành viên của Kaze, và Takayanagi Shigenobu đã tiến về haiku có tính tiền vệ.

Kaneko Tôta (Kim Tử, Đâu Thái, sinh năm 1919)

Ông người Mito, gần Tôkyô, tốt nghiệp ban kinh tế Đại Học Đông Kinh, học trò haiku của Katô Shuuson. Haiku của ông có xã hội tính và kỹ thuật tiền vệ, dễ bắt gặp tâm hồn con người hiện đại. Năm 1955, ông xuất bản tập thơ haiku đầu tiên mang tên Shônen « Thiếu Niên » rồi sau đó sáng lập tạp chí Kaitei « Hành trình trên biển » (1962).Ông còn viết bình luận về thơ.

Để nói sự khủng khiếp của chiến tranh, ông đưa ra hình tượng xác ve cháy nám sau trận bão lửa.

Nghĩa địa qua trận cháy,
Xác ve cũng xạm đen.
Dính trên cành cây.

(Bài Bochi mo yakeato, thơ Kaneko Tôta)

Sau đây là một bài thơ của Tôta mà ông đã giải thích về quá trình sáng tác của nó :

Những chàng trai trẻ nom thật khỏe,
Một ngày mà mấy củ hành,
Đã thối trên bãi nước triều rút.

(Bài Tsuyoshi seinen, thơ Tôta)

Hình ảnh « củ hành thối » thấy lạ hơn những sò, ốc, cua khi nói về bải biển. Những củ hành có thể do một tàu buôn đánh rơi trong khi chuyển hàng. Và so sánh cái khỏe mạnh của những chàng trai và sự thối ruỗng của những củ hành cùng ngâm trong nước là một sự thủ pháp khá đặc biệt.

Tôta đã khai triển ý nghĩa xã hội của thơ haiku, một việc làm bắt đầu với Nakamura Kusatao năm 1953 trong tập Ginga Izen « Sông Ngân Vẫn Như Xưa » và được tiếp nối với Sawaki Kin.ichi ((Trạch Mộc, Hân Nhất, sinh năm 1919), người lãnh đạo tinh thần của tạp chí Kaze « Gió ».

Takayanagi Shigenobu (Cao Liễu, Trọng Tín, 1923-1983)

Shigenobu là người đã thí nghiệm “chẻ” thơ haiku làm nhiều mảnh.

Cầu vồng vắt thân ngang,
Rặng núi dốc đứng,
Đài tử hình.

(Bài Mi wo sorasu niji no, Takayanagi Shigenobu )

Chỉ có hai cọng cỏ còn mọc nổi,
Thời gian.

(Bài Kusa nihon dake haete iru, thơ Takayanagi Shigenobu )

Saitô Sanki (Tây Đông, Tam Quỉ, 1900-1962)

Người tỉnh Okayama, Sanki là một trong những nhà thơ haiku đã có kinh nghiệm bị trù dập hoặc bị bắt giam trong thời chiến nay trở lại với thi đàn.Có kinh nghiệm sống ở nước ngoài (ông hành nghề nha sĩ ở Singapore từ 1925 đến 1929), thơ ông có phong cách cởi mở trong cách cấu tứ và ngôn ngữ hơn những nhà thơ haiku truyền thống. Ông tham gia nhóm Kyôdai Haiku vào năm 1934 nhưng đến năm 1940 bị bắt giam hai tháng một lượt với những nhà thơ trong nhóm, những người được biết như có phong cách vượt ra ngoài qui ước xã hội hay có tư tưởng chính trị không hợp với đường lối của nhà cầm quyền. Sau chiến tranh, ông có chân trong Hiệp Hội Haiku Hiện Đại cùng với Ishida Hakyô, và viết những vần thơ có tính tượng trưng như sau:

Ở Hiroshima,
Chỉ khi ăn một quả trứng luộc,
Tôi mới mở mồm ra.

(Bài Hiroshima ya, thơ Sanki, 1947)

Đường phố ban đêm hai năm sau khi thành phố bị bỏ bom nguyên tử lúc đó hãy còn sống trong khổ muộn và người du hành qua đây cũng câm nín, chỉ mở mồm đủ rộng để đút vào đó một quả trứng luộc, một hành động máy móc.

Tomizawa Kakio (Phú Trạch, Xích Hoàng Nam, 1902-1962)

Ông là bạn của Saitô Sanki và còn đi xa hơn nhà thơ này trong việc từ khước ảnh hưởng của haiku truyền thống như qui luật về chữ theo mùa và ngữ vựng cũ. Haiku của ông không khác gì thơ hiện đại (gendaishi) bao nhiêu. Nếu có hoa cỏ chim chóc trong thơ ông thì chúng cũng chỉ là một công cụ để diễn tả không hơn không kém.

Con hải âu già
Trên mặt biển nơi đã chìm chiến hạm.

(bài Gunkan ga shizunda umi no, thơ Kakio, 1949)

Năm 1948, Kakio đã thử xuất bản một tạp chí trong đó haiku, tanka và thơ mới, ba loại thơ, được in chung nhưng thí nghiệm này không kéo dài được bao lâu.

Thơ haiku chính trị

Những năm hậu chiến, chính trị đi vào thơ và nhiều bài thơ loại sau đây đã xuất hiện :

Khi tay nắm tay nhau ,
Dù mưa rơi cũng ấm.
Ngày mồng một tháng năm.

(Bài Mêdê no, thơ một người trúng giải ngày lễ Quốc Tế Lao Động)

Con bướm bay,
Băng ngang khung trời,
Chiến tranh lạnh.

(Bài Chôchô no, thơ Nakamura Kusatao, 1950, thời chiến tranh Triều Tiên)

Không những chủ đề chính trị mà ngôn ngữ ngoại quốc cũng đi vào thơ haiku như « ngày Quốc Tế Lao Động » là để dịch từ « Mê Đê » (May Day) và ba chữ « chiến tranh lạnh » thật ra đã được viết bằng « Korudo Uôa » (Cold War).

Lời tạm kết

Haiku đã có mặt trong văn học Nhật Bản từ 4 thế kỷ và đi qua một chặng đường dài. Nó đã biến chuyển cùng với thời gian qua những cải cách và tranh luận về khuynh hướng, trường phái, đi từ hiện thức đến siêu hình, từ vị nghệ thuật chuyển qua vị nhân sinh (nhưng chưa chắc để ngừng lại đó). Ngày nay nó đã phổ biến khắp thế giới, được viết bằng nhiều ngôn ngữ, thẩm thấu vào mọi tầng lớp dân chúng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Liệu sự đại chúng hóa – một lý do để haiku được sống còn – có làm mất đi cái hồn thơ nguyên thủy của nó hay không ? Cho đến ngày nay, hình như vẫn chưa có giải pháp nào thỏa đáng. để giải quyết mâu thuẩn nội tại nằm trong câu hỏi này.

(Trích từ Phác Thảo Văn Học Nhật Bản, chưa xuất bản)

[1] Tức là Narita Sôkyuu (Thành Điền, Thương Cầu, 1761-1842), Sakurai Baishitsu (Anh Tỉnh, Mai Thất, 1769-1852) cùng với Hôrô ( ?) được biết là ba nhà thơ cuối đời Edo, thơ thiên về ưu nhã tu sức.

[2] Xem Donald Keene, Dawn to the West, Vol.4, sđd.

[3] Thát : con rái cá (âm Nhật là kawa-uso). Thát tế: người làm văn làm thơ bày tài liệu đầy bàn để tìm nguồn thơ như rái cá bày cá để tế.

[4] « Chim Cuốc » (hototogisu) còn gọi là chim tử qui (shiki) trùng với tên người sáng lập tạp chí.

[5] C. Marquet (trong J.J. Origas) dịch « shasei » là « croquis dans le vif» nhấn mạnh đến đặc tính sinh động và đột xuất của lối thơ này.

[6] Ashibi nguyên là tạp chí chuyên về tanka do Itô Sachio phát hành.(1903-1908). Mizuhara Shuuôshi đổi thành tạp chí haiku năm 1928 với tên mới Hamakyuu (Phá Ma Cung).

[7] Nếu không sử dụng 18 chữ này, sẽ không phân biệt được thơ với câu nói thông thường. Mười tám chữ ấy là : kana, mogana, shi, ji, ya, ran, ka, keri, yo, zo, tsu, se, zu, re, nu, e, ke, ikani.

[8] Tức sao Thiên Lang hay Lang tinh (Sirius)
Vài hàng về tác giả:
Một trong những bút hiệu của anh Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: nntran@erct.com

1 nhận xét: