13/9/08

Khi trường ĐH làm... PR

Nguồn tin: Marketing Vietnam
Nếu như vài năm trước, chuyện “PR” (quan hệ công chúng) được coi là việc của những trường mới thành lập, những ngành mới mở hoặc các chương trình có liên kết với nước ngoài thì năm nay, 1 số trường, kể cả những “trường lớn”, đã ý thức được tầm quan trọng của việc PR. Có thể coi, đây là thời điểm thích hợp để các trường “tập dượt” trong cuộc đua thông tin trước khi mở cửa thị trường giáo dục vào năm 2009 theo cam kết khi gia nhập WTO.
Nở rộ ngày hội thông tin

Những gian hàng nhiều sắc màu thu hút nhiều thí sinh tham quan trong ngày hội thông tin của Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: Lan Hương
Chưa có mùa tuyển sinh nào nở rộ những “ngày hội thông tin” như năm nay. Nắm được tâm lý phân vân của các sĩ tử vào thời điểm “nhạy cảm” chọn trường, chọn ngành, chọn khối này, nhiều trường ĐH đang tích cực quảng bá hình ảnh cũng như những thông tin liên quan tới tuyển sinh của trường.

Nếu như vài năm trước, chuyện “PR” (quan hệ công chúng) được coi là việc của những trường mới thành lập, những ngành mới mở hoặc các chương trình có liên kết với nước ngoài thì năm nay, 1 số trường, kể cả những “trường lớn”, đã ý thức được tầm quan trọng của việc “PR”.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Trưởng Phòng Chính trị và Công tác HSSV, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), phụ trách truyền thông của trường nhấn mạnh: “Mặc dù không nên coi trường ĐH như 1 doanh nghiệp vì như vậy dễ nảy sinh tiêu cực nhưng phải biết áp dụng những công nghệ thương mại để xúc tiến và hỗ trợ hoạt động giáo dục.”

Ông Bình cũng cho biết bắt đầu từ năm nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có 1 kế hoạch tuyên truyền bài bản và quy mô để các thí sinh và toàn thể xã hội hiểu chính xác hơn về các ngành đào tạo của trường.

Không chỉ thu hẹp phạm vi hoạt động ở Hà Nội mà sắp tới, trường còn tổ chức ngày hội thông tin ở Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) ngày 23/3 và Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) ngày 30/3 với 2 nội dung chính là tư vấn hướng nghiệp và cơ hội nghề nghiệp, những thông tin tuyển sinh 2008 của trường.

Còn Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) dù mới thành lập 1 năm nay nhưng mật độ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng tương đối dày đặc nhờ thường xuyên tổ chức họp báo công bố các hoạt động của trường.

Đặc biệt, trong ngày hội thông tin của trường diễn ra hôm 9/3 vừa rồi, ngoài ban lãnh đạo nhà trường, còn có nhiều đối tác như Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn GAMI, Giám đốc Công ty đào tạo và tư vấn nghiệp vụ ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị EMG Education được mời cùng tham gia tư vấn nghề nghiệp cho thí sinh.

Gần 50 câu hỏi đã được lãnh đạo trường và doanh nghiệp trả lời trực tiếp tại ngày hội, đồng thời, thí sinh có thể tiếp tục gửi email tới trường để xin tư vấn sau.

Còn với Trường ĐH Hà Nội thì đây là năm thứ hai liên tiếp tổ chức “Open day” (ngày hội thông tin) cấp toàn trường. Ngày 16/3 vừa qua, có khoảng gần 1000 thí sinh đã tới tham gia Open day 2008.

Cùng ngày, ở khu vực phía Nam, khoảng 800 HS lớp 12 từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã tham dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức. Dù là lần đầu tiên tổ chức, nhưng trường tỏ ra rất “chuyên nghiệp”, không những cung cấp thông tin về ngành, nội dung chương trình, cơ hội việc làm mà còn cho HS tham quan nhà xưởng thực hành và giao lưu với SV đang học.

“Hữu xạ” có còn “tự nhiên hương”?

SV tình nguyện của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) giới thiệu thông tin tới các thí sinh. Ảnh: Lan Hương
Trưởng phòng Đào tạo của 1 trường ĐH thuộc “tốp trên” mới đây than thở: “Từ đầu năm tới giờ chỉ lo đi tư vấn tuyển sinh và tham gia các hội nghị, hội thảo của Bộ GD-ĐT đã kín lịch. Trường không có bộ phận phụ trách thông tin riêng nên mọi việc đổ hết lên phòng đào tạo. Số lượng người thì ít mà tự nhiên lại thêm nhiều việc, không làm thì Bộ lại nói là trường không tích cực chứ thực ra chúng tôi không cần quảng bá cũng không thiếu thí sinh giỏi, điểm chuẩn vẫn cao.”

Đồng nghiệp của người này ở 1 trường ĐH lớn khác cũng khẳng định rằng chừng nào “cung” còn ít hơn “cầu” và “giá cả” (tức học phí) còn thấp như hiện nay thì các trường còn thờ ơ với khâu quảng bá.

Cũng giữ lối tư duy bảo thủ này, lãnh đạo 1 trường ĐH ở Hà Nội cũng đã từ chối tham gia chương trình tư vấn trực tuyến cho thí sinh dù năm nay trường mở tới vài ngành mới cần giới thiệu rộng rãi.

Ông Đỗ Duy Truyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, bày tỏ: “Lối tư duy này không còn phù hợp với môi trường kinh tế mở nữa. Chúng tôi xác định phải đi trước 1 bước để chọn được những SV tốt nhất.”

Ông Truyền cho biết ngoài thông tin về Open day trên báo chí, các giảng viên của trường không ngần ngại cùng SV chia thành các nhóm nhỏ đi tới các trường THPT trên địa bàn Hà Nội và các vùng phụ cận phát tờ rơi giới thiệu.

Nhà trường cũng thành lập Trung tâm tư vấn SV để hỗ trợ thông tin và tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh.

Theo ông Truyền thì những hoạt động này vừa kết hợp quảng bá hình ảnh nhà trường ra xã hội, vừa đưa thông tin nhanh chóng, chính xác tới HS để các em có sự lựa chọn đúng ngành, đúng nghề. Các trường cũng sẽ có lợi vì chất lượng đầu vào tốt, các em chọn ngành đúng theo nguyện vọng và khả năng, dẫn tới chất lượng đào tạo được nâng cao.

“Nhà trường sẵn sàng trích kinh phí cho các hoạt động quảng bá, tư vấn. Đây là 1 cách đầu tư mang lại nhiều lợi ích lâu dài.” – Ông Truyền nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Đỗ Duy Truyền, ông Trần Quốc Bình (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) khẳng định: “Khi trường nhận thức được vai trò của truyền thông đối với việc quảng bá hình ảnh, thu hút nhân tài trong quá trình đào tạo cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác đào đạo từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp thì kinh phí không thực sự là vấn đề nữa.”
Theo Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét