15/9/08

Tôn Giáo Và Tâm Lý Xã Hội

Tôn Giáo Và Tâm Lý Xã Hội
Thích Tâm Thiện

1. Phương pháp nghiên cứu

Mối quan hệ giữa tôn giáo và tâm lý xãhội là một đề tài quan trọng thuộc về xã hội học , bao gồm cả triết học ,dân tộc học và nhân chủng học...nói chung , phạm vi

liên hệ của nó rất bao quát . Do đó, trong ngành xã hội học -tôn giáo , khi nghiên cứu về mối quan hệ đa phương và phức tạp này, người ta thường xây dưng lên những mô hình lý thuyết trên cơ sở của những sự kiện thực tế của tôn giáo đang

diễn ra trong lòng xã hội .Ở lĩnh vực này, thiên hướng nghiên cứu về biểu hiện xã hội của tôn giáo như những gì mà tôn giáo vốn có từ truyền thống xa xưa đứng vào hàng thứ yếu. Vì lẻ, cái mà người ta quan tâm nhất về mối quan hệ giữa tôn giáo và xã hội hay tâm lý xã hội học tôn giáo làở chỗ: tôn giáo xuất hiện như thế nào trong đời sống của con người? Vai trò và vị trí của tôn giáo đối với con người ? Mối quan hệ giữa tôn giáo và đời sống tư duy ,ý chí, tình cảm, luân lý đạo đức, niềm tin và tâm thức của người có tôn giáo và người không có tôn giáo ? ...Do đó,tất nhiên con người mà chúng ta đang nói ở đây là con người hiện đại. Và tôn giáo mà chúng ta đang bàn đến cũng là tôn giáo hiện đại. Ngược lại, nếu thoát ly hiện thực để đi tìm các mối quan hệ trong xã hội học tôn giáo, thì hóa ra việc nghiên cứu của

chúng ta sẽ trở thành một phiên bản của qúa khứ, điều này tự nó đã đánh mất ý nghĩa xã hội và tâm lý xã hội .Trong khi đó, nghiên cứu về tôn giaó học, người ta

có thể đi trực tiếp vào lịch sử và những lý thuyết có sẵn của tôn giáo mà không cần phải bận tâm đến những biểu hiện -hiện hành của đời sống tôn giáo như là những gì nó đang diễn ra.Đây là điểm khác biệt khá rõ ràng trong việc nghiên cứu về tôn

giáo học và xã hội học tôn giáo.

2. Tôn giáo xuất hiện như nhu cầu của một nền luân lý tự nhiên

Chúng ta biết rằng , ngay từ buồi bình minh của nhân loại ,tôn giáo đã xuất hiện như nhu cầu của một nền luân lý tự nhiên được cô kết từ những tư duy thần thoại, tư duy huyền học, tư duy triết học ,và sau đó duy tâm luận-tôn giáo. Trong thời kỳ sơ khai này, tôn giáo trước khi được thể chế hóa nó gắn liền với đời sống tình cảm của con người, một thứ tình cảm phi lý tính chìm khuất trong niềm tín phục thụ động giao diện với bao hy vọng và sợ hãi. Ở đây , con người hoàn toàn bất lực trước sự vận hành qúa kỳ bí và mầu nhiệm của thế giới tự nhiên.Do đó, niềm tin bấy giờ không phải là niềm tin, mà theo trực nghiã- đó là một thứ niềm tin được biểu hiện từ tình cảm u huyền ,niềm tin bất khả tri. Có lẻ đây là lý do mà Vergote phát biểu : " Rằng bản chất của tôn giáo không phải là một sự hiểu biết hay một hành động , mà là một tình cảm , một cách tồn tại cá nhân không cần có biểu tượng ".1 Và Tôn giáo , theo Girgensohn ,chính là "trạng thái tình cảm chưa phân hóa", nó đồng thời là trung tâm sống của cái Tôi ( Le Moi ) nhằm mở đầu cho mọi khả năng phân biệt.2

Tại đây, từ trung tâm sống của cái tôi đầy cảm tính này,nó thúc đẩy các cá nhân sông pha vào các cuộc thám hiểm vừa trong chiều sâu của tâm thức ,vừa ngoài bề rộng của thế giới vũ trụ bao la mênh mông.Và đấy chính là một động lực giao thoa tương tác giữa kinh nghiệm nội tâm và thế giới hiện thực một cách tự nhiên .

Như thế, hẳn chúng ta thấy rằng cội nguồn của yếu tính tôn giáo một cách nào đó chịu sự ảnh hưởng của cái " hiện thực thiêng liêng "- sự vận hành củathế giới vũ trụ kỳ bí, nhiệm mầu và bất khả tri này, được kinh nghiệm từ những dữ kiện vừa hiện thực và vừa không hiện thực, vừa tự nhiên và vừa siêu nhiên. Bên cạnh đó, nó chịu sự ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa xã hội , nơi mà nó sinh khởi, bao gồm các đặc tính về thồ nhưỡng, nhân chủng, dân tộc vv... Và cuối cùng, nó chịu sự ảnh hưởng do các nhu cầu của con người, đó là nhu cầu về một cuộc sống không sợ hãi, lo âu; nhu cầu về cuộc sống hạnh phúc, bình an ; nhu cầu vượt qua mọi khổ não , bất an trong đời sống tâm lý ,nhu cầu vượt qua mọi giới hạn trong cuộc sống khách quan ,nhu cầuxóa bỏ cái tôi trong sự hợp nhất của toàn thể vũ trụ rộng lớn , nhu cầu

khẳng định sức sống của cái tôi,nhu cầu tự thực hiện, nhu cầu tự trấn an, nhu cầu khám phá và thể nghiệm các năng lực siêu nhiên,nhu cầu đem lại ý nghiã cho các hành động xã hội,nhu cầu có thể giải thích một phần hay toàn phần ý nghiã cuối

cùng của cuộc đời vân vân...; mà nồi bậc hơn hết là nhu cầu không đối diện với cái chết , hoặc là không có mặt khi nó xảy ra . Đây là một thứ nhu cầu chứa đầy sợ hãi và thường xuyên đối diện với con người, vì con người hoàn toàn bất lực trước sự tồn tại của cái chết. Ở điểm này, kinh nghiệm về đời sống tôn giáo trở nên một nhu cầu cần yếu.

Vả lại,thực tế cho thấy rằng, kinh nghiệm tôn giáo chính là khả năng thăng hoa ,

đem lại cho đời sống của chúng ta ,cũng như thế giới chung quanh ta một ý nghiã cao đẹp hơn, vững bền hơn những gì mà chúng ta đang có ,và những gì đang xảy ra trước mắt chúng ta .Đấy chính là nhu cầu về một giá trị thường tại-vĩnh hằng, một giá trị khả dĩ biến đồi vàlàm cho cuộc sống không có cái chết,cuộc sống không có bệnh tật và khổ đau,cuộc sống đầy phúc lạc và thánh thiện.

Như thế, nhu cầu về kinh nghiệm tôn giáo ,trong tương quan ,nó là một giá trị đánh đồi của cái thế giới biến động vô thường , bất an như chiếc lá đang đong đưa theo gió. Và từ đó, kinh nghiệm tôn giáo trở thành một nhu cầu như mọi nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống. Và khi các nhu cầu hình thành các giá trị , và các giá trị

hội nhập vào đời sống văn hóa để bảo đảm sự cô kết của xã hội, thì tôn giáo trở thành cơ cấu của một nền luân lý tự nhiên, cho dù nó được nhìn nhận và đánh giá qua bất kỳ góc độ nào.

Trên cơ sở này,vấn đề tâm lý xã hội học tôn giáo cần phải được nghiên cứu sâu sắc hơn như là một ngành học đặc biệt, nhất làtôn giáo trong đời sống hiện đại.

3. Sự thiên di của tôn giáo

Như đã đề cập, trước lúc tôn giáo được thể chế hoá,nó đã khởi đầu bằng nhiều hình thức tư duy khác nhau ,từ một tôn giáo mang tính dân gian - đa thần giáo mang nhiều màu sắc tín ngưỡng thần bí sang Nhất thần giáo , rồi đến tôn giáo có thể chế với đầy đủ các yếu tố như : giáo chủ, giáo lý , giáo điều , giáo chế, giáo luật, nghi lễ vv...

Trong thực tế, các tôn nhóm tôn giáo Đông phương cũng như Tây phương từ truyền thống cho đến hiện đại đã có nhiều sự thay đồi, nhất là vào những thập niên sau nữa thế kỷ 20 và sau những cuộc cách mạng khoa học và kinh tế. Sự biến đồi này bắt nguồn từ những tiếp cận của tư duy khoa học chân chính trước những bối cảnh của xã hội mới . Có thể dẫn theo đây một phát thảo về niên đại mà GS.Enzo Pace và Acquaviva đã trình bày3 theo thời gian từ :

A.Comte(1798-1857),H.Spencer(1820-1903),E.Durkheim(1858-1917),
K.Marx
(1818-1883,S.Freud(1856-1939),F.Nietzsche(1864-1920),M.Webber
(1864-1920), C.Darwin(1809-1882)...

Trên đây là những phát thảo niên đại về sự biến đồi của tôn giáo thông qua các cuộc cách mạng tư tưởng. Và cũng từ đó dẫn theo những quan niệm mới về tôn giáo qua lối sống thực dụng từ những ứng xử trong xã hội, cách thức yêu đương... cho đến sự thay đồi của toàn bộ xã hội ,đặc biệt là về nhân chủng học và tâm lý -xã hội học trên khuynh hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa.

Từ những viện dẫn trên cho thấy rằng, yếu tố cách tân của nền khoa học hiện đại đã thực thụ làm thay đồi những quan niệm về tôn giáo, nhất là đối với các tôn giáo thần khải ; nó , một mặt nào đó đã làm thăng hoa cho sức mạnh của tình yêu cá thể và làm giảm bớt quyền uy của Thượng Đế. Từ đó, con người khi đối diện trước tôn giáo và khoa học đành phải bước qua một sự lựa chọn, hoặc là niềm tin, hoặc là chân lý. Tuy nhiên trong thực tế , con người do bất lực trước khát vọng vượt qua con người của chính mình cũng như nhu cầu hiểu biết về thế giới chung quanh mình để đạt đến hoặc là niềm tin, hoặc là chân lý ,nên một thứ tôn giáo mới xuất hiện đó là tôn giáo của tự nhiên - không tin vào Thượng Đế nhưng tin vaò sự có mặt của một cái gì đó khác Thượng Đế , nhưng cũng hao hao với Thượng Đế về mặt siêu nhiên , vượt khỏi tầm nhận thức và cuộc sống giới hạn khách quan của đời người.Và đấy chính là một nghịch lý của thời đại mà tôn giáo và khoa học phải liên tục đối thoại với nhau ,đặc biệt là cuộc đối thoại với chủ nghĩa Marx , như trường hợp của KiTô giáo , và những tôn giáo thần khải khác đã diễn ra suốt hơn nữa thế kỷ của ngàn năm thứ hai này.

Cũng trong giai đoạn này, các thể chế tôn giáo càng đẩy mạnh hơn nữa công cuộc nghiên cứu một đường hướng giải trình tối ưu về kinh điển sao cho phù hợp với thời đại mà sự thách thức lớn lao nhất là khoa học.

Tuy nhiên , hướng phát triển có qui mô lớn nhất hiện nay chính là sự bước ra ngoài các thể chế tôn giáo và trở lại với con đường kinh nghiệm cá nhân, mà một người đàn ông hay một người đàn bà trong nền văn minh hiện đại có thể một cách trực tiếp tiếp xúc với một hiện hữu thiêng liêng - một sức mạnh có thể làm siêu việt chính bản thân họ ngay trong giòng tâm thức nội tại của họ.

Một nhóm đối tượng khác cũng cần được nói đến đó là, con người dù có ẩn nấu dưới bất kỳ một lớp áo nào, tôn giáo hay không tôn giáo, vô thần hay bất khả tri ... thì nồi sợ hãi trước cái chết vẫn là hiện thân của khát vọng bất tử và là mầm mống cho sự ý hướng đến một hiện hữu thiêng liêng nào đó chưa được đặc tên ; và điều đó cũng là một bí ẩn được chôn cất kín đáo trong phần sâu thẳm nhất của tâm lý con người. Nhưng nó cũng luôn hiển hiện kề cận bên mọi khát vọng , yêu thương ... Cố nhiên thành phần này là những người thuộc quan điểm " hãy để cho tôn giáo ngủ yên ".

Tóm lại, trước những thành tựu lớn lao của khoa học , tâm lý xã hội -tôn giáo có những chuyển biến mới, và ngày càng phức tạp hơn. Cố nhiên , những vấn đề còn lại của khoa học và nằm ngoài viển vọng kính, con người chỉ có thể cắt nghiã bằng niềm tin tôn giáo,dù điều đó có biểu hiện hay không biểu hiện.

4. Yếu tính của tôn giáo

Nói đến tôn giáo, trước hết, là nói về một hiện hữu thiêng liêng ,xuất hiện như một thánh linh với trọn vẹn mọi khả tính siêu việt mà con người không thể lĩnh hội qua nhận thức thông thường, như sự hiện hữu của Thượng Đế, của Brahman, của Thần linh vv...Ở đây ,con người chỉ có thể tin hay không tin , phục tùng hay không phục tùng mà thôi. Vì lẽ, giới tuyến của tôn giáo được bao quanh bởi các nhận thức hoặc về nguồn gốc của con người, hoặc về nguồn gốc của vũ trụ, hoặc về nguồn gốc cuả cái thiện và cái ác, hoặc về bên kia thế giới.4 Trước những giới tuyến vô biên như thế ,con người hoàn toàn bất lực khi còn trầm luân trong hải hồ tục lụy. Bấy giờ trước mắt của chúng chỉ lànhững ảnh tượng của niềm hy vọng được cứu rỗi và nỗi sợ hãi bị đọa đầy; và con đường cùng khả dĩ tránh xa hai ảnh tượng bất an này là chạy trốn chính mình trong sự lãng quên bằng những phương tiện trần thế . Song dù sao, thiện và ác vẫn là cái gì đó , mà trong trật tự của luân lý , tác động mạnh nhất vào tâm thức của con người và đại diện cho một nền luân lý của loài người.Nó, một mặt nào đó được xem như là lý do hiện hữu của cuộc sống con người.

Trên một bình diện cao hơn, cái Thiêng liêng, qua ngôn ngữ, được diễn giải như vừa là cái bản thể nội tại, vốn có trong mỗi con người, là phần thánh linh vĩnh hằng mà một ngày nào đó , với niềm tin con người có thể lĩnh hội; và vừa là cái siêu việt lên trên mọi giới hạn của trần thế, là điểm nối kết giữa

cái hiện thực và thiêng liêng.5 Do đó yếu tính của tôn giáo vừa là cái gì đó trong vũ trụ bao la mênh mông, vừa là phần nội quan sâu thẳm nằm ngay

trong đời sống của tâm thức con người.Nó có khả năng giúp con người vượt qua cái ác , xây dựng những phẩm tính thiện ; và mục đích cuối cùng của nó, theo như người ta quan niệm , là xây dựng một giá trị bất tử, vĩnh hằng ở một nơi nào đó không có trên thế gian này.

Một điều kỳ thú khác khi nghiên cứu về yếu tính của tôn giáo đó làđặc tính giải cấu trúc( de' -strucrante ). Có nghĩa là, mọi khuôn mẫu áp đặc lên tôn giáo thì đều sai lầm. Vì từ bản chất , cái thiêng liêng là không biên giới (sanc frontière ).Mọi sự lĩnh hội đều mang tính sáng tạo cá thể.Ở đây không có bất kỳ một qui ước nào có thể đúc kết thành những khuôn mẫu thiêng liêng, và thể nghiệm,cũng như người ta không thể nào đo đạc được sức mạnh của tình yêu. Từ những trưng dẫn trên, con đường đến với tôn giáo là con đường , mà người ta thường nói là : niềm tin, sự thể nghiệm cá nhân, nghi lễ ( nhu cầu lập lại của kinh nghiệm tôn giáo ban đầu ), và sự qui thuộc về một đối tượng trong tôn giáo,một thể chế tôn giáo hay một tồ chức giáo hội.

Có thể kết thúc phần này bằng một phát biểu sau:" Theo những cách tiếp cận khác, cái thiêng liêng là một dạng thức của chính bản thân xã hội,là lòng tin tập thể vào một trật tự siêu xã hội, là biểu hiện thăng hoa của một nhu cầu không vị lợi, cô kết và đồng cảm, không thể thực hiện được trong hiện thực" ( Ferrrotti,1983,tr. 118 )

Từ những minh họa trên, chúng ta thấy rằng sự xuất hiện của yếu tính thiêng liêng trong tôn giáo như là một yếu tố tất yếu trong quá trình hình thành phát triển của các nền văn minh nhân loại.Nó là biểu hiện của khát vọng hướng thượng,vượt lên trên mọi giới hạn thế giới trần gian. Dầu là ở hiện thực hay tiềm năng ,niềm khát vọng hướng thượng đóvẫn luôn luôn là mục tiêu lý

tưởng của đời sống, nó làm cho mọi hành động của chúng ta trở nên có ý nghiã và cao đẹp hơn.

5. Phật giáo đóng vai của một tôn giáo như thế nào?

Như tôi vừa trình bày ở trên , một số quan điểm trọng yếu trong việc nghiên cứu tâm lý xã hội học tôn giáo,và tất nhiên đó là những tôn giáo nói chung. Bây giờ chúng ta nói đến Phật giáo, một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với tất cả các tôn giáo thế giới ,đặc biệt là về mặt tư tưởng triết học.

Trước hết cần ghi nhận rằng, Phật giáo là một tôn giáo không có Thượng Đế,không có một linh hồn bất tử, không có một nguyên động lực nào làm chủ dòng vận hành của đời sống , ngoài trừ nguyên lý Duyên khởi.Đó là một trong những giáo lý đặc thù và cơ bản nhất ; đồng thời cũng là điểm khác biệt cụ thể về mặt tư tưởng triết học giữa Phật giáo và các tôn giáo khác.

Trên cơ sở này, cái mà gọi là tôn giáo đối với Phật giáo thực ra chỉ là một lớp áo tín ngưỡng được sáng tạo do người đời sau,dựa trên căn bản của niềm tin về luân hồi nghiệp báo, nhân qủa mênh mông vô tận...; cũng như sự bất

khả tri về những vấn đề vượt ngoài tầm nhận thức của con người trong khuôn khổ của đời sống rất giới hạn này. Song yếu tính tôn giáo của ĐạoPhật được biểu hiện chính là ở chỗ sự tôn thờ , lòng thành tín và cầu nguyện của tín đồ đối với Đức Phật , những lời dạy của Ngài và những đồ đệ thánh thiện của Ngài ,nhằm xây dựng niềm phúc lạc vững bền cho tự thân và tha nhân.Tất nhiên sự biểu hiện đó còn tùy thuộc vào sự ảnh hưởng của bối cảnh văn hoá, nơi mà Phật giáo được du nhập vào và sự tín ngưỡng được thực hiện.Đấy là nói một cách khái quát về hiện tượng tâm lý xã hội trong nền tín ngưỡng Phật giáo.

Ngược lại, cái cốt tủy của đạo Phật chính là kinh nghiệm chứng ngộ ,nó đòi hỏi một sự thể nghiệm cá nhân , một sự trực nhận từ nội tâm của mỗi con người mà Đức Phật đã từng nói : " Ngươi hãy làm công việc của chính ngươi, Như Lai chỉ chỉ dạy con đường ". Như thế, một cách nào đó cho thấy rằng sự van xin hay cầu nguyện theo thể thức của tôn giáo , như được thực hiện bởi tín đồ ,chỉ là biểu hiện của một cách tự trấn an mang đặc tính người mà thôi.

Ý nghiã của nó chỉ tồn tại trong một nền luân lý hướng thượng tự nhiên chứ không có mặt trong kinh nghiệm chứng ngộ . Song , điều đó vẫn được chấp nhận và duy trì trong hình thức tôn giáo của Đạo Phật như là căn tính ban đầu của người mới bước chân vào đạo trong lúc mọi khổ não và bất an đang đè nặng trên đôi vai vuông vắn của họ.Tuy nhiên ,nếu xem điều đó như là mục đích của sự quy hướng tôn giáo, thì quả thực là một sai lầm ; và như thế , họ sẽ mãi mãi đắm chìm trong khổ đau.

Bởi lẻ, trong quan điểm của Phật giáo, bao lâu con người chưa làm chủ được dòng tâm thức của chính mình , thì cơ hội cho một sự chứng ngộ vẫn không xảy ra.Do đó , công việc chuẩn bị đầu tiên chính là sự tôi luyện tâm thức trước những cám dỗ của dục vọng cá thể mà đối với một người đàn ông hay một người đàn bà, nó luôn luôn khơi dậy trong thế giới của sắc đẹp, của hương thơm, của âm thanh, của mùi vị, của sự tiếp xúc và của mọi tạo tác bên trong cũng như bên ngoài. Cho đến khi nào dục vọng chưa điều phục được, thì sự cầu nguyện, niềm tin, nghi thức lễ lạy ... cũng chỉ là khát vọng mong manh .

Nhưng, kinh nghiệm chúng ngộ là gì ?

Nếu có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, thì đấy là một sự bừng tỉnh,một sự trực nhận chân lý, một sự loé sáng từ một tâm thức định tỉnh, không giao động, kiên cố,thanh tịnh, thuần khiết, không ô nhiễm,tự tại, toàn bích...Và đấy không phải là một bài học kiến thức được trao truyền từ người này sang người khác , mà là một sự thể nghiệm cá thể. Đặc tính của nó cũng là giải cấu trúc như đã nói ở trên. Nếu như Đạo được định nghiã là con đường tu tập thân tâm, thì Phật hay Ngộ, là đoạn kết của một cuộc hành trình đi về tâm, một bản thể chân như bất biến và bất khả thuyết.

6. Kết luận

Từ những vấn đề nêu trên , chúng ta thấy rằng tôn giáo đóng một vài trò hết sức quan trọng trong các lĩnh vực thuộc tâm lý xã hội. Và trong cuộc đối thoại giữa tôn giáo và khoa học, có những quan điểm tưởng như loạitrừ nhau một cách gay gắt ,như trường hợp Ki tô giáo và Hồi giáo.Khuynh hướng của khoa học tự nhiên là chối bỏ mọi giá trị của tôn giáo, như quan điểm cho rằng Thượng Đế không có chỗ đứng trong khoa học. Song, dù sao đi nữa, trên thực tế, khoa học cũng chỉ là những diễn giải về vũ trụ chứ không phải làduy nhất về vũ trụ. Và do đó ,những gì nằm sau lưng khoa học thường có khuynh hướng được đưa vào những lý giải của tôn giáo. Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý xã hội học, cả khoa học và tôn giáo điều có giá trị như những lĩnh vực khác nhau và ngang bằng nhau như khoa học tư nhiên , khoa học nhân văn và xã hội6.Tóm lại , khi con người chưa đạt đến một sự toàn thiện, toàn tri, thì tôn giáo vẫn còn lý do để hiện hữu. Do đó, cần thiết đi vào nghiên cứu các vấn đề tôn và xã hội một cách tỉ mỉ và sâu sắc hơn.

Chú Thích:

1 Sabino Acquaviva,Enzo Pace, La Sociologie des Religion.Les 'Editions

du Cerf, Paris,1994,tr.008( xem bản dịch cuả Lê Diên ,nxb KHXH,HN,1998

2 Vorgote,1979,tr73

3.Ibid, Chapter,II

4.Ibid, tr 152

5. Theo nhận thức thông thường, cái hiện thực thì không thiêng liêng, cái thiêng liêng thì không hiện thực.

6 Ten New Direction for The 1990's Megatrends 2.000,John Naisbitt & Patricia Aburdene, William Morrow and Company, Inc.,Newyork,1990

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét