13/9/08

PR Là Gì?

Tìm hiểu một định nghĩa đầy đủ về PR (Public Relation) trong bối cảnh hiện nay là điều khá khó khăn vì theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay có đến khoảng gần 500 định nghĩa khác nhau về PR có nơi lại gọi là PA (Public Affair)… PRVN không đeo đuổi mục đích đưa ra một định nghĩa chuẩn về PR là gì, chúng tôi chỉ mong muốn đưa ra một khái niệm chung nhất về PR có vẻ tiệm cận gần nhất với môi trường thực tế Việt Nam hiện nay.
Theo Tổ chức Nghiên cứu và Đào tạo PR Mỹ (Foundation of PR Research and Education) có định nghĩa PR được tổng hợp từ 472 định nghĩa khác nhau: “PR là một chức năng quản lý giúp thiết lập và duy trì các kênh truyền thông, sự hiểu biết, chấp nhận và hợp tác lẫn nhau giữa một tổ chức với các nhóm công chúng có liên quan.
PR bao gồm việc quản lý sự việc và vấn đề; giúp thông tin cho ban lãnh đạo để đáp ứng kịp thời trước ý kiến công chúng; xác định và nhấn mạnh trách nhiệm của ban lãnh đạo là phục vụ quyền lợi của các nhóm công chúng. PR giúp ban lãnh đạo bắt kịp và vận dụng hiệu quả các thay đổi, hoạt động như một hệ thống dự báo để tiên đón các xu hướng; sử dụng việc nghiên cứu và những kỹ thuật truyền thông hợp lý và có đạo đức làm công cụ chính.”
Nếu mượn hình tượng thái cực của Phương Đông để hình dung thì PR chính là vòng tròn thái cực sinh ra lưỡng nghi gồm quan hệ với nhóm công chúng bên trong (internal publics) bao gồm lãnh đạo và viên chức các cấp trong doanh nghiệp, thành viên bán giám đốc, các giám đốc bộ phận, nhân viên, quản đốc, nhân viên các cấp từ cao đến thấp và ngay cả người thân của họ… và nhóm công chúng bên ngoài (external publics) bao gồm Chính Phủ, Chính quyền địa phương, các đối tác, khách hàng, cơ quan truyền thông, đối thủ cạnh tranh….
Ở Việt Nam, PR được hiểu như một nối kết với truyền thông trong việc quảng bá hoạt động kinh doanh và giới thiệu sản phẩm, con đường nhanh và hiệu quả nhất trong kinh doanh hiện đại. Thay cho các hoạt động đăng quảng cáo cổ điển, các công ty PR tạo ra các hoạt động dễ gây chú ý đến hệ thống truyền thông và lồng vào đó các sản phẩm của mình. Hiệu ứng của nó trong giới tiêu dùng được xem là hiệu ứng cấp hai đối với hệ thần kinh tâm lý, khác hoàn toàn với thủ pháp “nhắc đi nhắc lại” trên các trang báo hay chương trình quảng cáo, tiếp thị tẻ nhạt, kích thích chủ yếu hệ thần kinh tâm lý quán tính.
Là một ngành mới, PR được triển khai và phát huy rất nhiều hiệu quả hữu hiệu trong việc giúp các doanh nghiệp xây dựng các kênh thông tin đến khách hàng, đối tác và thậm chí có thể tạo luồng sóng dư luận theo chiều hướng có lợi cho mình.
Tuy nhiên mọi vấn đề luôn có tính hai mặt, do đang trong xu hướng phát triển ban đầu và thiếu sự định hướng, tổ chức và giám sát một cách bài bản hoạt động PR rất dễ bị biến thành một công cụ của các thủ đoạn bẩn thỉu trong cạnh tranh hàng hóa. Nhưng điều quan trọng hơn là PR rất dễ biến các cơ quan truyền thông - vốn là chỗ dựa tinh thần tin cậy của công chúng, trở thành "bung xung" lừa dọc khách hàng, điều này cũng đã từng xảy ra.
Do vậy, điều quan trọng nhất của PR hiện nay là cần xây dựng một chuẩn về đạo đức cho nghề để thật sự tạo ấn tượng đẹp về PR với các nhóm công chúng. Ðặc biệt, để PR thật sự đảm nhiệm tốt việc xây dựng hình ảnh đẹp về doanh nghiệp và tạo dựng niềm tin trong các đối tượng công chúng và lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp. Hoạt động chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích to lớn về vật chất, tinh thần và chuyên môn cho doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung.
Theo Vncompanies

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét