19/9/08

Thiên Bảo, dạo chơi cùng cánh chuồn chuồn

Là cựu bút nhóm ''vòm me xanh" báo Mực Tím từ lúc còn là học sinh cấp II, người yêu thơ biết đến Thiên Bảo với những vần thơ dành cho tuổi mới lớn. Bạn bè thân thì biết Thiên Bảo với một tập bản thảo thơ tình hàng trăm bài. Những năm gần đây, trên trang thơ bút mới của báo Tuổi Trẻ, báo Phụ Nữ xuất hiện những dòng Haiku xinh xinh. Thật ra, Thiên Bảo làm thơ Haiku bằng chữ Việt từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất Đại học khoa học xã hội và nhân văn. Hiện nay, Thiên Bảo là phóng viên báo Khăn Quàng Đỏ, cô gái 29 tuổi này vừa bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thạc sĩ ngành văn học Việt Nam. Thừa thắng, Thiên Bảo chọn lọc 99 bài trong hàng trăm bài haiku để cho ra mắt tác phẩm đầu tay ''chuồn chuồn nghiêng cánh" (*) như một cuộc dạo chơi cùng thời gian.

chuon chuon 1 by you.

Ảnh: Hamchoiblog's

Chiếm phần nhiều trong 99 bài haiku của Thiên Bảo có sự hiện diện của thời gian. Nó chậm rãi hoặc chống vánh. Nó ẩn trong sự vật, trong nét mặt con người. Thời gian trôi đi trong sắc nắng, trong hoa, trong ánh trăng, trong hạt cát và trên mái tóc... Len lỏi trong những âm vang thời gian không gì khác là lẽ vô thường bởi thời gian là ''hiện thân" của vô thường. Như đóa phù dung ấy, hiện thân rực rỡ trong khoảng thời gian ngắn rồi tàn phai:

Không nói nên lời

Đóa phù dung ấy

Sắc thời gian trôi

Không một tiếng nói như nghẹn lời, Thiên Bảo nhìn ngắm thời gian trôi đi trên sắc hoa. Quá khứ và hiện tại được xâu lại với nhau chỉ là tiếng nói cười vọng lại từ ngày xưa hiện hữu trong khoảng không. Và cũng chẳng có gì ngoài sự hoài niệm. Âm vang khúc ru hời đâu đây, Thiên Bảo cố lắng nghe. Chỉ còn có rêu phơi trên phố cũ, chậm rãi xanh, chậm rãi trải mình:

Có tiếng nói cười

Trên chiếc ghế trống

Ngày xưa em ngồi.

Hay:

Vang khúc ru hời

Trong lòng phố cũ

Một màu rêu phơi

cchuon 2 by you.

Ảnh: Hamchoiblog's

Bằng ngôn ngữ thiền, có lẽ Thiên Bảo để cho mùa chậm rãi đi qua với một chút hoài vọng, một chút tiếc nhớ nhưng đâu có nghĩa là nó mất đi mãi mãi. Thiên Bảo vừa nắm được một làn hương. Hương của "đàn hương", hương tháng năm chợt ngạt ngào ''trong tôi" giữa những bộn bề của những chuyển động. Tháng năm dẫu có vô thường thì nó vẫn là mùa đời kết tụ nên những mùa thơm. Mùa của mật ngọt.

Như nhánh đàn hương

Thơm trong tôi đó

Tháng năm vô thường

Hay:

Tẩn mẫn làm sao

Đàn ong dâng mật

Mùa thơm ngọt ngào

Thiên Bảo yêu thơ thiền của Bashô, Shiki, Issa, Buson... và tập tành làm thơ Haiku bằng chữ Việt từ khi bắt đầu làm quen với thể thơ Thiền này ở giảng đường đại hoc. Thiên Bảo chơi đùa với thơ nhưng chơi đùa với niềm say mê, tìm tòi sự tinh tế và sáng tạo. Với Thiên Bảo nắm giữ trò chơi ngôn từ ấy không quá khắc nghiệt mà nó đến rất tự nhiên. Tự nhiên như hạt sương trên đóa phù dung, như hạt cát trong đất, như tiếng dế tươi cười bên dậu...

Biết lắng nghe hằng sa hạt cát cựa mình, sáng ngời lên trong màu đất, trong hơi nước của đất. Nơi cội nguồn sản sinh bao nhiêu mầm sống. Mầm sống và mùa xuân là sự tồn tại vĩnh hằng của đời sống.

Kìa trong đất

Bao nhiêu hạt cát

Ngời cùng nắng xuân

Tinh tế và tươi vui với những hạt nắng xuân. Có con dế nhỏ tươi cười đón nhận từng giọt xuân rơi bên giàn dưa xanh lá, hay bên cọng cỏ nhỏ nhoi... Dẫu thế nào cuộc sống tươi đẹp vẫn có sắc màu, có sinh khí, có hy vọng và tình yêu.

Bên giàn dưa chuột

Con dế tươi cười

Hứng giọt xuân rơi

Giọt xuân có màu gì? Phải chăng là màu của con mắt biếc biết lắng nghe và nhìn ngắm. Màu của tiếng cười. Màu của buổi sáng tinh khôi. Màu của hư không. Có bất ngờ không với một đôi mắt biếc mở bừng nhận ra nơi phố xá bỗng trở nên quá đỗi thân thuộc. Hình ảnh con người trong chộn rộn phố xá, chập chùng, sống động nhưng đẹp lạ lùng trong sắc thu phai:

Bất ngờ sáng nay

Muôn trùng quang gánh

Bày trên phố thu phai

cc 4 by you.

Ảnh:Hamchoiblog's

Và như thế, cuộc sống tươi đẹp vẫn cuộn chảy dẫu có nhiều lo toan, dẫu có muôn trùng quang gánh của bà, của chị và của những người mẹ... Phiên chợ cuộc đời đi qua ngày, đi qua trong sắc thu buồn, đi qua thời gian. Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết trong lời bạt của quyển thơ này: ''Thời gian và những mùa đời luôn luôn trôi dưới những dòng Haiku nho nhỏ" của Thiên Bảo.

Cuộc dạo chơi bằng ngôn ngữ với thủ pháp hình ảnh đối lập, một đặc trưng của thi pháp haiku Nhật Bản được Thiên Bảo 'đặt để" thật nhẹ nhàng. Sự nhẹ nhàng tinh tế, sắc sảo trong một bài thơ không quá mười bảy âm tiết... Thiên Bảo vẫn tiếp tục cuộc chơi bằng sự cần mẫn của chú ong thợ, bằng tình yêu của người nghệ sĩ. Với tình yêu ấy, Thiên Bảo vẫn đi bên cạnh những ''mùa đời" bằng tiếng thở nhẹ như ''chuồn chuồn nghiêng cánh". Cô gái nhỏ nhắn vẫn tiếp tục lắng nghe khúc hát vô tận của cuộc sống để kết thành những dòng haiku nho nhỏ...

Suối Nghệ

(*): Nhà Xuất Bản Văn Nghệ TP. HCM ấn hành tháng 8/2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét