 | Một góc Cafe @ | | Hình ảnh những quán cà phê sang trọng, hoành tráng trên những con đường đẹp nhất Sài Gòn không còn xa lạ với người dân thành phố. Và hơn bao giờ hết, công cuộc kinh doanh này lại khá nóng bỏng như cuộc đua chưa dứt... “Đẳng cấp” là đây…
Hình ảnh những quán cà phê sang trọng, hoành tráng trên những con đường đẹp nhất Sài Gòn không còn xa lạ với người dân thành phố. Và hơn bao giờ hết, công cuộc kinh doanh này lại khá nóng bỏng như cuộc đua chưa dứt...
Hơn 10 năm trước đây, quán cà phê Phượng Các trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được xem là quán cà phê mở đầu cho khuynh hướng cà phê sân vườn những năm sau này. Dù không quảng cáo ầm ĩ, nhưng Phượng Các là nơi gặp gỡ của giới trung - thượng lưu. Dân chơi thấy Phượng Các vừa sang trọng, kín đáo lại yên tĩnh nên tự rủ nhau đến.
Sau Phượng Các thì Window, Chợt Nhớ ra đời với mặt bằng rộng lớn, đầu tư nhiều, có máy lạnh, ti-vi màn hình phẳng nên thu hút rất đông khách. Khách phải đặt chỗ trước và thường phải đợi khá lâu mới được phục vụ. Tiếp đến là hàng loạt các quán cà phê ra đời, như: Ân Nam (Trương Định), Sài Gòn Phố (Trần Quốc Thảo), Điểm hẹn Sài Gòn (Cao Thắng); rồi @ (Lý Tự trọng), K&K (Nguyễn Văn Trỗi), Zenta (Mạc Đĩnh Chi), đình đám và hót nhất năm 2006 là cà phê Sao (Phạm Ngọc Thạch) và sau đó là MGM.
Đi uống cà phê thời @ là thú tao nhã. Dân “chơi” thứ thiệt kháo nhau có quán nào mới, xịn là kéo nhau tới như để khẳng định “đẳng cấp” ăn chơi, để khoe xe, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính và điện thoại hàng hiệu, hàng xịn. “Đẳng cấp” của quán được xác định bằng dãy xe máy dựng trước quán. Càng nhiều Dylan, @, Piagio và những chiếc xe đắt tiền, càng chứng tỏ quán có giá. “Đẳng cấp” quán còn do sự đồn đãi. MGM đông khách bởi sự đồn đãi quán được đầu tư tới 2 triệu USD, một chiếc ghế tại đây cũng có giá 200 USD (?).
Siêu lợi nhuận, nhưng...…
Một quán cà phê “đẳng cấp” mở ra với vốn đầu tư trung bình trên 10 tỷ đồng, nếu khách đông thì chỉ cần 1-2 năm là lấy vốn – một quản lý quán cà phê trên dưới 10 năm kinh nghiệm đã khẳng định như vậy. Nhưng hiện nhiều quán đã và đang trên đà… phá sản. Cà phê Viet Top là một trong số ấy. Mở ra bởi một nhóm sinh viên rất có đầu óc kinh doanh.
Họ chọn mặt bằng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, với rất nhiều dịch vụ miễn phí kèm theo mà nổi nhất là đường truyền tốc độ cao, sử dụng mạng không dây. Nhưng Viet Top trụ không được lâu. Khi có nhiều quán khác “mọc” lên với mức độ hoành tráng hơn, các “ông chủ” trẻ của Viet Top liền sang quán “bỏ của chạy lấy người”. Người sang lại quán lấy tên mới là Cà phê V3 nhưng nay đang đập phá, sửa sang.
Giới trẻ ngày nay không trung thành với một quán nào. Nghe có quán mới ra, đẹp hơn, đắt tiền, hoành tráng hơn là bỏ quán cũ để tới ngồi ở quán mới. Chợt nhớ ra đời đã chia bớt khách của Window; Ân Nam, Sài Gòn phố chia khách của Chợt Nhớ; K&K, @ chia khách của Sài Gòn phố, Ân Nam…
Lượng khách chỉ bấy nhiêu, cứ xoay vòng và các quán phải dần chịu cảnh đìu hiu nếu không đầu tư, sửa sang. Window tại Phạm Ngọc Thạch hiện nay đang rơi vào tình trạng vắng khách. Một lần tới đây, nhóm chúng tôi 4 người ngồi suốt 2 giờ mà không có thêm một người khách nào. Còn Window ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã chuyển thành… Bia đỏ Công nhân!. Một quán cà phê nổi đình đám và có tới 2, 3 cơ sở, hiện cũng đang lâm vào tình trạng dở khóc dở cười: phải trả lại mặt bằng và bỏ nhỏ… rao bán bớt ly, tách, bàn ghế vì buôn bán ế ẩm mà giá thuê mặt bằng lại tăng cao!.
Cà phê cần có... gu
Hầu hết, những quán cà phê... thời @ nổi đình nổi đám, thu hút đông đảo giới trẻ thường rơi vào tình trạng năm trước đông vui, năm sau thưa thớt. Trái lại, tại Sài Gòn có nhiều quán tồn tại khá lâu theo thời gian. Họ có một lượng khách nhất định, luôn trung thành với quán. Chủ những quán này rất tâm huyết với nghề, không chỉ để kiếm tiền mà còn là để thỏa mãn sự ham mê sáng tạo.
Ba quán cà phê: Cõi riêng, Thềm Xưa, Du miên là cùng một chủ với cách bày trí giống nhau: cây cỏ, hoa lá, nước chảy róc rách. Không gian này dành cho những người thích chốn yên tĩnh. Một dạng cà phê khác, cũng giữ được lượng khách ổn định là dạng cà phê + phòng trà ca nhạc, nổi trội nhất hiện nay là: Sóng nhạc, Planet, Không tên, 2B. Khách đến đây không chỉ uống cà phê, mà còn được thưởng thức ca nhạc.
Hiện nay, các quán cà phê đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt. “Chúng tôi tổ chức nhiều đêm nhạc có chủ đề riêng và cho từng ca sĩ “ - anh Tuấn, biên tập của phòng trà Sóng nhạc không giấu giếm - phải thay đổi ca sĩ, phong cách nhạc mới mong kéo và giữ được khách”. Mỗi nơi, phải tự tìm cho mình một “món” riêng vừa tạo “gu” để có thể giữ khách. Đó là bài toán mà giới kinh doanh cà phê thời @ phải giải.... (theo SGGP) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét