2/9/08

Nhà báo trẻ: Năng động hay chộp giật?


Có một cuộc cãi vã, hay nói cho đúng hơn là tranh cãi, về một thế hệ nhà báo trẻ hiện nay. Một bên thì ca tụng đến mây xanh, nói rằng các nhà báo trẻ giờ đây tự tin và năng động hơn nhiều so với cha anh họ. Một bên thì ngao ngán thở dài, lo lắng về một lối làm báo chộp giật, phi tiêu chuẩn với nhiều phóng viên không hề viết vì độc giả.


Lật giở những trang báo ngày, lướt xem những trang báo mạng, những người quan tâm đến sự phát triển của báo chí có thể có nhiều suy nghĩ lẫn lộn. Rõ ràng là phong cách tác nghiệp của các phóng viên Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 này khác hẳn với lối làm báo thời bao cấp, nhưng bảo là chất lượng hơn hẳn, thì chưa chắc.

Bên cạnh rất nhiều bài phóng sự hay, những bài phỏng vấn sắc sảo, những thông tin nhanh chóng là những mớ "hổ lốn" không thể gọi là thông tin báo chí. Người ta chạy đua nhau để đưa tin về những vụ quan chức này bị quay cảnh nóng, thày giáo kia gạ gẫm học sinh, anh công an tát người dân thường hay mấy tên yêu râu xanh hãm hại các em nhỏ. Các báo cũng chạy đua nhau bỉ báng người này, vùi dập người kia nhưng khi mọi chuyện xoay theo chiều hướng khác lại thì liên tục đăng những bài viết như thể mình.... vô can trong những tin trái ngược trước đó.

Điều đáng nói là những thông tin nửa vời không đến nơi đến chốn này được tung lên để nhằm tăng lượng truy cập, nâng số người mua báo chứ hình như không phải vì muốn làm cho xã hội trong sạch hơn. Dẫn chứng rõ ràng là những thông tin đó cứ được tung ra "hồn nhiên," thậm chí chỉ dưới dạng tin đồn, hoặc chưa được kiểm chứng thấu đáo, và dẫu đúng hay sai thì loại thông tin này cũng rất hời hợt, nói ra rồi bỏ đó mà thôi.

Dường như rất nhiều phóng viên trẻ không được đào tạo về những nguyên tắc cơ bản nhất của nghề báo - một nghề đầy trách nhiệm.

Báo chí đòi hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là tài năng bẩm sinh, bởi vậy những người không lăn lộn, không va vấp với cuộc đời - với thái độ trung thực và lương tâm nghề nghiệp - thì khó mà rèn ngòi bút được.
Trong một vài lần nói chuyện với các phóng viên trẻ, tôi nói rằng xã hội luôn dành sự trân trọng đặc biệt với một số nghề và gọi những người làm nghề đó bằng "thầy" - thầy giáo, thầy thuốc - vì những nghề đó có vai trò quan trọng. Nhưng nghề báo cũng có vai trò quan trọng không kém, xét ở phương diện nhất định. Những bài giảng của một thầy giáo có thể đến với hàng trăm, hàng ngàn người trong cả quãng đời làm việc, một sai lầm của bác sĩ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, hay sinh mạng của một con người. Nhưng với nghề báo, chỉ một bài, thậm chí một câu viết, có thể được tiếp nhận bởi hàng triệu người, và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người.

Nhận xét của tôi là thế hệ các nhà báo 7x, 8x hiện nay cực kỳ năng động, họ lại được trang bị những kiến thức mới mẻ của xã hội, những công nghệ mới nhất để tác nghiệp, và việc tham khảo báo chí của các nước khác thì quá thuận lợi. Sự tự tin của họ là điều quá tốt, bởi mỗi người đều phải tự tin vào chính mình, và yếu tố này càng cần thiết ở nhà báo. Có người gọi đây là sự tự kiêu/kiêu căng - nghe thì nó có vẻ thiên về khía cạnh "xấu" nhưng thực ra ở vào đúng hoàn cảnh thì nó cũng không phải là tệ. Người giỏi có quyền tự kiêu ở một chừng mực nào đó (khi đó ta gọi là "kiêu hãnh"), cốt sao nó đừng biến thành "ngạo mạn" là được.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà báo trẻ hiện nay có thể dễ dàng giỏi hơn những nhà báo lớn tuổi. Báo chí đòi hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là tài năng bẩm sinh, bởi vậy những người không lăn lộn, không va vấp với cuộc đời - với thái độ trung thực và lương tâm nghề nghiệp - thì khó mà rèn ngòi bút được (nói cho văn vẻ chứ bây giờ chúng ta dùng computer hết).

Tôi chứng kiến rất nhiều phóng viên, nhà báo lợi dụng vị thế của mình để lên mặt, thậm chí để kiếm chác, tôi cũng biết nhiều người ngoại ngữ mới thuộc loại "tàm tạm" nhưng dịch "tá lả" trên báo, truyền tải thông tin sai mà chả ai biết. Tôi cũng thấy có không ít tờ báo với nhiều bài báo không hề đặt mục tiêu phục vụ công chúng lên hàng đầu mà chỉ muốn câu khách, giật gân, bôi xấu. Những hiện tượng này không phải ngày xưa không có mà vì hiện nay chúng ta có nhiều tờ báo hơn và nhiều nhà báo hơn, vì thế dễ thấy hơn.

Nhưng âu đó cũng là chuyện bình thường. Xã hội luôn có mặt xấu mặt tốt, con người cũng có mặt phải mặt trái. Vấn đề là làm sao tăng mặt tốt lên, và chuyện chán nản than vãn không bao giờ là một giải pháp tích cực.

Gần đây tôi có một buổi nói chuyện với các biên tập viên trẻ trong cơ quan, sau khi đề xuất một loạt những ý tưởng cải cách quy trình làm việc để đạt hiệu quả cao nhằm trả lời băn khoăn các biên tập viên thì một số không ít nói rằng "chẳng chuyển biến gì được đâu." Sếp của họ, cũng tham gia buổi nói chuyện, thì cảm ơn tôi rồi khẳng định "những gì chúng ta đang làm là quá tốt rồi!"

Ôi chao, vậy thì còn trao đổi hay trò chuyện làm gì! Nếu chúng ta không xắn tay góp sức vào một phong trào chung, không tự nâng mặt tốt trong chính con người mình và cố gắng tạo tác động lan tỏa trong tập thể xung quanh thì chả bao giờ tạo được sự thay đổi nào. Một nhà báo tự thấy mình có nhận thức đúng đắn nhưng vì "buồn" với tình trạng chung mà trở nên thờ ơ hoặc thậm chí bỏ nghề báo thì nghĩa là tỉ lệ nhận thức đúng trong giới báo chí lại càng giảm đi, hay nói cách khác là tạo điều kiện cho "tỉ lệ xấu" tăng lên.

Nói ra thì có vẻ sách vở, nhưng quả thực nó là như vậy đấy. Mỗi nhà báo nếu làm theo đúng những tiêu chuẩn quy định về sự chuyên nghiệp của nghề thì cũng là một cách để giảm bớt cái xấu.

Vì báo chí là một quy trình chứ không phải là sản phẩm cá nhân, nên việc này sẽ dễ thực thi. Một phóng viên viết ẩu nhưng có biên tập viên "tận tâm" thì bài đó vẫn có thể sửa được, một biên tập viên chủ động làm sai lệch nội dung một bài báo để phục vụ lợi ích cá nhân nhưng người Tổng Biên tập nghiêm sẽ không bao giờ để lọt và bài viết đó cũng sẽ bị phê phán bởi cả tập thể tòa soạn.

Như tôi đã từng nêu quan điểm, hãy coi nghề báo cũng như bao nghề khác, và chúng ta sẽ thấy mình "rất đỗi bình thường" như mọi người làm bất cứ nghề gì. Tuy nhiên, cái nghề báo lại đòi hỏi trách nhiệm xã hội nặng nề hơn, vì thế mỗi lời ăn tiếng nói đều phải thận trọng. Trách nhiệm thì nặng hơn nhưng lợi ích (vật chất) lại chẳng có gì nhiều hơn - phải chấp nhận điều đó thì mới làm báo được!

(minhlq)
http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=2586

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét