28/11/08

MBA - đằng sau ánh hào quang

Tạp chí Fortune Magazine gần đây trong một bài báo mang tựa đề “Tại sao các tổng giám đốc thất bại?” có đưa ra một con số khá thú vị: 40% các vị này có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA).

Lương khởi điểm 77.000 USD

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ở Mỹ, bằng cách này hay cách khác kể cả đi vay nợ, dám bỏ ra 100.000 USD (gần 1,6 tỷ đồng VN), hai năm trời để học và lấy bằng MBA của một trường xịn. Tại Mỹ, một người có bằng MBA có thể kiếm một công việc với mức lương khởi điểm trung bình là 77.000 USD/năm.

Bằng MBA ra đời ở Mỹ cách đây hơn 100 năm. Trên lý thuyết, nó giúp cho người có bằng trở thành những nhà quản lý cao cấp. Tùy theo trường và hình thức đào tạo (học toàn thời gian hay bán thời gian), khóa học kéo dài từ 9 tháng đến 2 năm. Nói chung, các trường thương mại tuyển sinh những người có trình độ tú tài + 4, có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý và thông thạo tiếng Anh (nếu là người nước ngoài).

Do lương cao, dễ kiếm việc làm, số người học và số trường dạy ở Mỹ tăng lên với tốc độ chóng mặt. Năm nay, theo báo Post-gazette, có hơn 100.000 sinh viên trúng tuyển học bằng MBA. Những trường đại học có dạy chương trình MBA hiện nay lên đến 350. Số thạc sĩ MBA cũng tăng cao.

Nếu năm 1956, tại nước này chỉ có 3.200 người có bằng MBA thì hiện nay con số này được nhân gấp 35 lần. Cũng chính từ điểm này, nhiều người nghi ngờ giá trị thật sự của mảnh bằng MBA vì cái gì trở nên quá nhiều thì mất hay. Chất lượng chương trình giảng dạy của các trường đại học ra bằng MBA cũng bị xét lại.

Trong số 21 trường cấp bằng MBA hàng đầu thế giới do các công ty mua MBA bầu chọn, trường International Institute for Management Development của Thụy Sĩ đứng hạng nhất.
Kế đó là University of London (Anh), Escuela Superior de Administracion y Direccion de Empresas (Tây Ban Nha), HEC School of Management (Pháp) và Massachussetts Institute of Technology (Mỹ).

Báo động chất lượng.

Jeffrey Pfeffer và Christina Fong, hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford và Đại học Washington, sau khi nghiên cứu bằng MBA vài chục năm qua, đã lên tiếng báo động về chất lượng giảng dạy của các trường. Theo họ, nhà trường không theo sát thực tế của thế giới kinh doanh, do đó đã đào tạo ra những thạc sĩ thừa phương pháp luận nhưng thiếu kinh nghiệm và đạo đức kinh doanh.

Henry Mintzberg, giáo sư khoa quản trị Đại học McGill ở Montreal (Canada), cũng than phiền về chương trình MBA: “Những chương trình này dạy về tiếp thị, tài chính, kế toán, đưa ra rất nhiều tình huống để nghiên cứu. Nhưng người ta dạy một thứ quản trị xa vời”.

Năm ngoái, giáo sư Mintzberg đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Những nhà quản lý không có MBA”, trong đó ông chỉ trích nặng nề bằng MBA của Mỹ: “Một sự đào tạo không thích hợp cho những người không thích hợp vào thời điểm không thích hợp”.

Ngay các công ty, xí nghiệp cũng bắt đầu e dè đối với mảnh bằng MBA. Báo The Daily Telegraph (Anh) gần đây có nhắc tới một mẩu quảng cáo chế giễu các ông bà MBA. Mẩu quảng cáo này của công ty giao hàng nhanh Fedex phát trên các đài truyền hình Mỹ.

Nội dung thuật lại ngày làm việc đầu tiên của một MBA tại một công ty X. Ông chủ bảo: “Chúng ta đang bị khách hàng hối thúc, anh phải giải nhanh các món hàng này!” “Ơ... tôi đâu có phụ trách việc này” - anh MBA giãy nảy. Ông chủ trấn an: “Đừng lo, chúng ta sẽ nhờ Fedex”. Nhân viên mới: “Thế là ông không hiểu rồi. Tôi có bằng MBA”. “Vậy à, tôi sẽ chỉ anh cách làm vậy”. Rồi có tiếng vọng: “Với Fedex, việc vận chuyển hàng hóa dễ đến nỗi bạn không cần có MBA vẫn làm được”. Tờ báo còn dẫn chứng thêm, Công ty Enron, hồi thời cực thịnh, từng tuyển dụng mỗi năm 250 MBA. Vậy mà nó vẫn phá sản.

Một yếu tố nữa đang làm người ta nghi ngờ chất lượng bằng MBA là có nhiều trường thiếu kinh phí và sinh viên đã hạ thấp đầu vào để thu hút sinh viên và hưởng lợi vì dù là trường không nổi tiếng, học phí bằng MBA vẫn rất cao.

MBA Mỹ khác MBA châu Âu?

Ở Mỹ sinh viên có xu hướng học ngay MBA sau khi có bằng cử nhân. Họ muốn có ngay một chỗ làm lương cao trong một công ty tư vấn hay một ngân hàng thương mại mà không cần có kinh nghiệm quản lý.

Ở châu Âu, tiêu chuẩn để được vào học MBA là từng làm công việc của nhà quản lý ít nhất 2 năm, tuổi hơi “cứng” từ 28-29, thậm chí 35 tuổi. Peter Calladine, một chức sắc cao cấp của Hiệp hội Những người có MBA (Amba) của Anh, nhấn mạnh: “Nếu bạn không có kinh nghiệm hay không phải là dân quản trị thì đừng học MBA”.

Ngoài ra, chương trình dạy MBA ở châu Âu cũng hơi khác MBA Mỹ, về nội dung cũng như về hình thức. Pauline Weight, Giám đốc chương trình MBA trường Cranfield (Anh) giải thích: “Trường của chúng tôi là trường quản trị, không phải trường thương mại”.

Kai Peters, Giám đốc trường Ashridge (Anh), cho biết trường ông kể từ tháng 1/2005 sẽ cải tiến hoàn toàn nghiệp vụ theo hướng đào tạo những người không chỉ giỏi nghề mà còn là “một nhà lãnh đạo tài ba, biết thuật dùng người”.

Sự khác biệt nói trên giờ đây đã được thu hẹp phần nào. Tình trạng tuyển sinh những cử nhân mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thực tế của các trường Mỹ đã giảm nhiều. Điều này thể hiện khá rõ ở số lớp học MBA bán thời gian dành cho những nhà quản lý vừa làm vừa học tăng lên rõ rệt. Ví dụ tại Đại học Valparaiso, 70% sinh viên từng có kinh nghiệm làm quản lý. Tất nhiên cũng còn một số sinh viên là tân cử nhân chưa đi làm bao giờ.

Theo ông Umesh Ramakrishnan, Phó Chủ tịch công ty săn đầu người Christian & Timbers, đó là có nhiều công ty cần những MBA chưa có kinh nghiệm để đào tạo cán bộ quản lý cao cấp trong tương lai.

Cho dù vậy, ở Mỹ hay châu Âu, mảnh bằng MBA vẫn là một văn bằng được ưa chuộng vì những người đã qua khóa học này là những người có tham vọng lớn, thông minh và kiên trì. Đặc biệt ở châu Á nói chung, Ấn Độ và Trung Quốc nói riêng, các công ty vẫn trải thảm đỏ đón nhận những MBA Mỹ và châu Âu.

(Theo Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét