12/12/08

Chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020: hội nhập kinh tế quốc tế

VCCI vừa phối hợp với Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao tổ chức buổi toạ đàm “Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2020”.

Tham dự buổi tọa đàm đa số các doanh nghiệp đều cho rằng trong hơn 20 năm qua, chiến lược ngoại giao của nước ta đã có những mặt thành công như: nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và nhiều luật được đổi mới và ra đời như Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài, Chính sách thuế,… Việc cải cách hành chính đã cởi trói cho các doanh nghiệp Việt Nam phát huy được tính chủ động sáng tạo, góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế đất nước; đồng thời thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chính sách đối ngoại đã bắt đầu gắn kết với việc chấn hưng nền kinh tế đất nước và đưa nền kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, ngoài những việc đã làm được, chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế do: Các chính sách và luật chưa được thực thi đồng bộ, chưa nhất quán từ trên xuống dưới, thủ tục hành chính nhiều cấp, nhiều địa phương còn rườm rà, chưa cải cách triệt để, chính sách thuế còn nhiều bất cập đối với những mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế; Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì vậy chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật ,Nga, Ấn Độ, Trung Quốc,…;GDP hàng năm tăng trưởng nhanh nhưng chưa có cơ sở vững chắc, đặc biệt hiện nay tình trạng lạm phát đang có chiều hướng gia tăng, nếu không có những giải pháp ngăn chặn thì nền kinh tế suy thoái là điều không thể tránh khỏi.

Khi bàn về định hướng chính sách đối ngoại trong những năm tiếp theo đến năm 2020, đặc biệt là ngoại giao phục vụ kinh tế và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp cho rằng những thách thức chính đối với công cuộc đổi mới hiện nay và trong tương lai đó là: nhiều quốc gia chưa hiểu thấu đáo chính sách đối ngoại “mở cửa” của Việt Nam là Việt Nam luôn muốn làm bạn với các nước; Các thế lực thù địch vẫn tìm cách bôi nhọ hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế bằng việc xuyên tạc chính sách tôn giáo, dân tộc, nhân quyền ở Việt Nam; Cơ sở hạ tầng của Việt Nam như giao thông, điện nước,…còn phải một thời gian dài mới đáp ứng được nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Một số địa phương, cộng đồng dân cư chưa nắm bắt được tinh thần đổi mới, vẫn còn tư tưởng sản xuất tiểu nông, bảo thủ, chưa dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích lâu dài phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy một số khu công nghiệp tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm hoặc bị cản trở làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp trong và nước ngoài; Tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền vẫn còn tồn tại ở các cấp.

Để nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và chính sách đối ngoại của Việt Nam được bền vững, ngoài việc phải bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia thì trọng tâm của công tác đối ngoại là phải phục vụ sự phát triển kinh tế của đấy nước và hội nhập kinh tế quốc tế; Cần tăng cường quan hệ đối tác hàng đầu với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc…; Tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, thông thoáng về thủ tục hành chính để thực sự mở cửa thu hút đầu tư của các đối tác trên.. Ngoài ra nên tăng cường tiếp thị để tìm kiếm, mở rộng thị trường đối với các nước Trung Đông, Châu Phi và Ấn Độ; thông qua việc giao lưu văn hóa, du lịch, hội thảo về đường lối chính sách mở cửa của Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng và hứa hẹn đối với các quốc gia đang phát triển; những chuyến đi của nguyên thủ quốc gia ngoài mục đích chính trị, xã hội phải lấy sự phát triển kinh tế làm trọng tâm; Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam ở các nước mãi mãi phải là cầu nối giữa các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phải luôn luôn nâng cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước, là biểu tượng của Việt Nam để cộng đồng dân cư nước sở tại thấy dân tộc Việt Nam là dân tộc có nền văn hóa, thân thiện, cởi mở, sẵn sàng hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

Về vấn đề doanh nghiệp và doanh nhân kỳ vọng vào chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, các doanh nhân mong muốn đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực sự là chỗ dựa về mặt tinh thần cũng như pháp lý cho cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống, kinh doanh ở nước ngoài và các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh ra ngoài nước; mong đại sứ quán thực sự là “ngôi nhà Việt của mình” để các doanh nhân, doanh nghiệp khi đến đại sứ quán ở các nước sở tại sẽ có cảm giác thân quen chứ không phải đến chốn công quyền lạnh lẽo. Mong các đại sứ quán bên cạnh sứ mệnh là cơ quan đại diện cho đất nước, là người đại diện cho dân tộc, còn là cầu nối giữa cộng đồng người Việt với nước sở tại, là chỗ dựa, là người bảo vệ cho mọi công dân Việt Nam trên đất khách quê người.

Để chính sách đối ngoại đạt hiệu quả và thiết thực, theo các doanh nghiệp nên lấy thước đo là sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đất nước; Giá trị xuất khẩu ngày càng tăng trong đó giá trị nhập khẩu thấp hơn giá trị xuất khẩu. Lấy mục tiêu ổn định đời sống và nâng cao mức sống của dân là mục tiêu đối ngoại để đến năm 2020 là nước công nghiệp với nền kinh tế tiên tiến. Bên cạnh đó các doanh nghiệp và doanh nhân phải tự đổi mới, lấy nội lực là chính, tranh thủ sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết tổ chức thành các tập đoàn kinh tế lớn để có thế và lực hợp tác và cạnh tranh với các công ty đầu ngành của nước ngoài.

Phần đông ý kiến cho rằng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2020 cần phải triển khai dự báo về kinh tế; tìm kiếm thị trường, lựa chọn đối tác; Nghiên cứu để cơ cấu lại cơ quan ngoại giao đại diện ở nước ngoài; Xây dựng một cơ sở thương mại của nước ta ở các nước khác như nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ; Môi trường an ninh tại nước ngoài phải đảm bảo hơn…

Thu Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét