12/12/08

Nghề báo từ góc nhìn của một người ngoại đạo

Nghề gì cũng đòi hỏi những quy tắc, chuẩn mực đạo đức cần tuân theo. Nhưng người ta nói, nghề báo – nghề “làm dâu trăm họ” - cần đạo đức nghề nghiệp gắt gao hơn những nghề khác vì nghề này tác động, ảnh hưởng tới nhiều vấn đề, nhiều người và đôi khi cả nhiều thế hệ nữa. Được mệnh danh là “quyền lực thứ tư”, vì thế những người viết báo càng cần phải có trách nhiệm hơn với chính những bài viết của mình, với những quyền lực mà ngòi bút đem tới cho họ, độc giả gửi gắm họ. Tôi là một người không thuộc “làng báo”, hay nói chính xác hơn cũng thi thoảng viết một vài bài nghiệp dư, xin mạo muội đưa ra đây một vài nhận định cá nhân về cái nghề rất vẻ vang mà cũng rất khó này:

Nhà báo làm PR đúng hay sai?

Cũng có những bài viết tranh luận về việc nhà báo viết bài PR cho các doanh nghiệp. PR bản thân nó không sai. Doanh nghiệp muốn tạo dựng hình ảnh thông qua các hoạt động cộng đồng là hoàn toàn chính đáng. Họ được quyền quảng bá hình ảnh của mình với người tiêu dùng, với xã hội. Thế nhưng làm thế nào để PR vừa đủ đó là cái tâm và cái tầm của người viết bài, cũng như người biên tập chịu trách nhiệm xuất bản bài viết đó. Các bài PR nên viết đúng, viết đủ và tường thuật sự việc, hoạt động tránh sử dụng những thổi phồng, tô vẽ. Có lẽ, nên đưa thêm khái niệm bài viết PR riêng thành một khái niệm phổ cập tới các độc giả - hoặc thống nhất giữa các báo để đưa thêm một dòng tít nhỏ ở trên hoặc ở dưới dòng chữ “Chờ sự phản hồi từ độc giả”. Như vậy, độc giả có thể có những phản hồi ngược chiều nếu thông tin sai sự thật để tòa soạn kiểm chứng.

Tách biệt giữa đưa tin kinh tế và bài viết nhận định

Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước, sự hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới đã khiến báo, tạp chí, báo điện tử, các chương trình truyền hình, phát thanh không ngừng gia tăng, đặc biệt là báo chuyên ngành về knh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tờ báo chuyên viết về kinh tế đã tạo uy tín và phát triển không ngừng cả về nội dung cũng như hình thức thì một số khác đã không duy trì được lượng độc giả và đánh mất bản sắc. Hiện tượng các báo viết sao chép bài của nhau không nhiều nhưng có thể có nhiều bài na ná nhau. Còn báo điện tử thì việc báo này trích dẫn của báo khác là rất thường gặp.

Do vậy, có lẽ cần có những sự tách biệt trong những bài viết về kinh tế hiện nay trên các báo để có thể giúp chính tờ báo phát triển và cũng là giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với thông tin mà không bị choáng ngợp bởi một rừng thông tin kinh tế đầy rẫy trên các báo nhưng lại lặp đi lặp lại. Có thể tạm chia tin kinh tế thành các dạng sau để người đọc có thể tiếp cận tốt nhất:

Thứ nhất, về những mẩu tin kinh tế, tường thuật sự việc, hiện tượng kinh tế,… nên chăng viết ngắn gọn, súc tích để người đọc vừa không mất thời gian nắm bắt ngay ý chính, vừa nhanh chóng tiếp cận thông tin “sơ cấp” và tự đưa ra các nhận định, đánh giá theo quan điểm chủ quan của mình. Những thông tin thống kê “thô” về số liệu kinh tế, hoặc các thống kê có liên quan tới kinh tế được công bố, không đòi hỏi việc xử lý, xào xáo của phóng viên. Chỉ đơn giản là viết và đưa tin tới người đọc chân thực, đầy đủ và nhanh chóng.

Loại thứ hai là về những bài phỏng vấn chuyên gia, bài bình luận, nhận định, phân tích của các chuyên gia, tổ chức, ban ngành, …thì nên được lựa chọn kỹ càng tránh những trường hợp viết sai, viết thiếu, viết phiến diện. Đôi khi việc đó gây những hậu quả liên quan tới lợi ích của số đông người khác. Và vì thế người ta nói viết báo kinh tế… cũng nguy hiểm không kém đưa tin về chiến sự, điều tra tội phạm.

Tránh xung đột lợi ích – giữ tính trung lập

Những nhà báo phóng sự điều tra về tội phạm, đưa tin ở các vùng chiến sự ác liệt thường gặp nguy hiểm, đôi khi bị đe dọa tới cả tính mạng thì ai cũng biết. Nhưng viết bài về kinh tế cũng nguy hiểm không kém. Nguy hiểm là ở chỗ, viết không khéo thì cũng ảnh hưởng tới nhiều vấn đề. Nhà báo nắm “quyền lực thứ tư” nên đòi hỏi sự công tâm, chính trực rất lớn, họ phải mô tả sự thật một cách trung thực và độc lập. Đặc biệt những nhà báo viết về kinh tế, tài chính. Viết bài về thị trường chứng khoán nhưng vẫn phải làm sao để giữ tính trung lập, né tránh những xung đột về lợi ích khi mà họ cũng đầu tư cổ phiếu. Điều đó đòi hỏi trình độ và đôi khi là cả cái tâm của người viết cũng như của người biên tập.

Bình loạn… của nhiều chuyên gia

Nhiều khi đọc các bài viết có ý kiến phân tích, nhận định của các báo, thấy tên chuyên gia này, chuyên gia nọ mà không thấy giới thiệu học hàm, học vị, đơn vị công tác, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn gì. Độc giả thắc mắc, không hiểu ai phong cho họ chức danh “chuyên gia” để đưa ra nhận định, đánh giá. Thôi thì có lẽ, có người gọi thì ắt là cũng phải “tay ghê gớm” rồi.

Tò mò, tôi đi tìm hiểu danh tính của một trong những chuyên gia kinh tế - tài chính – ngân hàng – chứng khoán đã “danh nổi như cồn” suốt một dạo thị trường chứng khoán ấm nóng hừng hực. Trên khắp các diễn đàn, cũng nhiều người tò mò như tôi. Để rồi, tất cả cùng xem một bức ảnh và cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ xem chuyên gia chứng khoán ấy là ai trong số ba người nằm trong bức ảnh trên.

Điều này, làm tôi nhớ tới bộ phim “Bảo hiểm tình yêu” của Hồng Kông đang chiếu trên VTV3 có chỉ dẫn cho người xem:”Nếu bạn nghi ngờ nhân cách của một đại lý bảo hiểm, bạn có thể vào mạng và tra cứu danh tính, nơi làm việc cũng như các sản phẩm bảo hiểm mà họ được phép bán”. Tôi lại liên tưởng tới Việt Nam, nên chăng, chúng ta nên có một kênh dành cho các chuyên gia như thế, phải đăng ký làm chuyên gia, phải thi, và được cấp chứng chỉ… chuyên gia! Khi đọc các nhận định của chuyên gia nào đó, bạn sẽ vào mạng và tra xem chuyên gia đó là ai. Tất nhiên đó chỉ là giả sử, bởi nhiều lúc “tranh tối, tranh sáng”, có vẻ việc trở thành chuyên gia cũng không phải là quá khó và từ thực tế đó, đặt ra cho các nhà báo một câu hỏi: Làm thế nào để thẩm định ai là chuyên gia, ai chưa phải là chuyên gia để đưa vào bài viết cho hợp lý.

Không ngừng nâng cao trình độ

Có những bài viết gần đây đã từng gây xôn xao dư luận, khiến các độc giả đánh dấu hỏi rất lớn về trình độ của các nhà báo. Tất nhiên, báo chí là cần có thông tin đa chiều để đánh giá một sự việc nhưng những bài viết mang tính nhận định, đánh giá thì càng yêu cầu người viết chau chuốt và cẩn trọng. Tôi từng đọc một bài tâm sự của một nhà báo nước ngoài chuyên viết về vấn đề tài chính. Ông nói rằng, ông được giao viết chuyên mục về tài chính, chứng khoán vì ông giỏi hai ngoại ngữ thế nhưng lại chưa bao giờ học kinh tế, kế toán hay tài chính. Ông đã phải đọc rất nhiều xung quanh những đề tài đó, đọc hiểu các báo cáo tài chính, dữ liệu kinh tế, chứng khoán, các văn bản pháp lý liên quan. Nếu như các nhà báo kinh tế không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thì hẳn các bài viết của họ sẽ “chín” hơn, sẽ sâu hơn, sẽ chuẩn hơn, tránh những việc không đáng có trên.

Cần nhiều những gương nhà báo kinh tế viết hay và bản lĩnh

Chân dung một nhà báo kinh tế giỏi sẽ như thế nào? Tôi thử hình dung họ: một phong cách năng động, một tu duy sắc bén, một tinh thần ham hiểu biết và kỹ năng viết và một niềm yêu nghề viết. Những bài viết của họ luôn thể hiện kiến thức, lại vừa có thực tế, vừa có cái tâm, và phải hấp dẫn cũng như khiến người đọc cảm thấy thật thích thú. Một bài viết hay, một bài viết thành công là một bài được độc giả đọc và hưởng ứng.

Đọc quy định về đạo đức nghề báo, muốn đủ tầm đứng trong hàng ngũ những người viết báo kinh tế thì tôi sẽ phải học hỏi không ngừng về kiến thức cũng như đạo đức nghề.
Thu Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét