12/12/08

Nghiêm túc với ý tưởng là bí quyết của thành công nghề viết

Nhân những ngày đang giảng dạy cao học kinh tế ở TP.HCM, và giữa lúc chờ đợi cuộc gọi từ nước ngoài, tôi muốn dành thời gian viết thêm với Saga những suy nghĩ và kinh nghiệm cá nhân đối với “nghề viết.” Trước đây, đã có lần nghề viết này được đề cập trên Saga, nhưng có lẽ nó quá ngắn để có thể trở thành nguồn suy ngẫm cho các bạn. Lần này, tôi mong được làm tốt và kỹ lưỡng hơn.

Khoảng cách tới mong muốn
Ai trong chúng ta cũng đã có lần thán phục trước những bài viết có sức thuyết phục, hoặc là có khả năng tạo ra ảnh hưởng mạnh. Những bài như “Bảy ngày giông bão ở Nutifood” của anh Phạm Ngọc Hưng (Aroka) và “Khủng hoảng Dielac” của anh … Tuấn (Sharp Ideas), có thể chính là những sự kiện tuyệt vời để chứng minh điều này.

Những mong muốn đó có lý do gần gũi với cuộc sống. Bản thân con người là một sự tiến hoá kỳ diệu từ chỗ chỉ biết sống với hiện tại cho tới việc sống với các kịch bản trong tương lai. Chuyện ấy nói lên vai trò quan trọng của các kịch bản What… If hay If… Then tồn tại trong các câu lệnh lập trình, hoặc tình huống dự báo của MS-Excel. Đối với cuộc sống gần gũi của mỗi chúng ta, khi gặp bài viết hay, có thể bạn đã đặt câu hỏi: Điều gì xảy ra, nếu tôi có khả năng sáng tạo ra những bài viết có sức cuốn hút và ảnh hưởng mạnh mẽ như thế. Câu trả lời của tôi, có thể là đại diện cho rất nhiều người tôi đã từng trao đổi, chính là: Khả năng đó mang lại cho mỗi cá nhân một sức mạnh đáng kể. Việc huy động sức mạnh ấy là việc của cá nhân, có thể chính có thể tà, nhưng trước tiên phải có sức mạnh đó cái đã.

Như vậy, khi chúng ta xem năng lực viết ấy là một điều đáng mơ ước, là một niềm tin có thể giúp chúng ta sống tốt hơn (về mặt tinh thần) và sung sướng hơn (về mặt vật chất – do kiếm tiền được từ sản phẩm hoặc “đạo hàm” của sản phẩm viết), thì nó là một giá trị. Giá trị được hiểu theo cách là thoả mãn một nhu cầu chưa được thoả mãn của con người-xã hội. Nhu cầu đó chỉ sinh ra khi người ta tin rằng người ta cần nó. Nhu cầu đó chỉ được gọi là nhu cầu thực sự khi mà người ta sẵn sàng chi trả cho nó.

Mong muốn sau một quá trình “chuyển hoá” trong môi trường dinh dưỡng hợp lý giúp hình thành các giá trị. Chúng ta đi đến với mong muốn có khả năng viết thật tốt, nhờ những dinh dưỡng như thế. Một trong những dinh dưỡng quan trọng bậc nhất chính là “phương pháp suy nghĩ để đi đến ý tưởng.”

Từ một con vịt xấu xí của môn Văn…
Hầu như không một ai hôm nay, vào năm 2008, có thể tưởng tượng rằng, tôi – VQH – chưa bao giờ được xếp hạng về môn Văn. Điểm 5 môn Văn là một sự sung sướng của cá nhân tôi khi đi học trung học mà chắc chỉ có những nhà văn đại tài mới lột tả được hết. 5 điểm là hân hoan.

Viết lách là việc vô cùng ngại ngần khi có việc tôi phải làm, dù là thư, dù là bài tập hay phải viết một báo cáo ngắn… Có một lần, sau khi được giải thưởng học sinh giỏi toán thành phố Hà Nội, tôi được giao việc cuối cùng, trước khi được cầm giải thưởng, là viết một báo cáo hay nói chính xác hơn là một đoạn văn về việc học toán sao cho hiệu quả.

Như các bạn có thể đoán, đây là một cực hình. Mới chỉ nghĩ đến nó đã thấy là một cực hình. Sự ngần ngại trong đầu chính là cản trở lớn nhất. Vượt qua bản thân là vượt qua bức tường cao nhất. Đối với việc viết lách, đa phần chúng ta không có cả ý định vượt qua. Lý luận dễ thấy nhất là việc viết đã trở thành phân công lao động xã hội, do ai đó làm, không phải việc của chúng ta.

Tôi còn bị cản trở nhiều lần chính vì những thành tích tệ hại của môn Văn và những lần bị đuổi ra khỏi lớp giờ học văn. Có một lần, thầy giáo văn của chúng tôi cấp 3, đang say sưa giảng về tấm gương của người nghèo quyết chiến đấu chống lại sự áp bức cường quyền. Trong giấc mơ củ khoai hiện ra như một tài sản. Tất cả đều hiểu giống thầy, chỉ có một tay không giống là tôi.

Đen đủi, thầy hỏi tôi: Anh hiểu thế nào về việc bị cướp mất cả củ khoai trong giấc mơ?
Câu trả lời của tôi, chẳng giống ai cả, là: Sao mà mơ ít thế, mơ thế sao mà giầu được. Nếu em mơ, sẽ mơ nhiều lên nữa. Làm gì có ai đánh thuế giấc mơ.

Một đứa học sinh 14 tuổi, với một câu trả lời khác người-ngỗ ngược, đã bị đuổi khỏi lớp 3 tiết, và viết kiểm điểm trước tổ bộ môn Văn.

Một lần khác, trước đó khá xa, trong giờ Văn của cô giáo rất yêu quí trường Chu Văn An cấp 2, ở Hà Nội, tôi phạm một sai lầm tương tự. Tôi xuyên tạc câu thơ trong Truyện Kiều thành:

“Quyết mình nàng mới hạ mình
Rẽ cho để thiếp, bán mình chuộc ông bô”

Nó chỉ lan truyền trong phạm vi một dãy bàn, nhưng vô tình cô bạn gái giỏi văn ngồi trước nghe lỏm thấy, và đúng vào lúc cô bạn đọc lại cho cô giáo văn, thì cô ta phì cười không thể dừng nổi trước khái niệm “ông bô” rất phi-Nguyễn Du. Nguyên nhân các bạn đã biết. Và kết cục là 3 tiết học đếm lá sân trường.

Việc viết lách nghiêm túc đó rồi thì sẽ được phân công cho ai? Mãi về sau tôi mới phát hiện ra, nó được phân công cho những con vịt muốn lột xác trở thành thiên nga.

Tôi có muốn trở thành một con thiên nga trong cái báo cáo học toán ấy không? Sâu thẳm trong ruột muốn lắm chứ. Thế tại sao tôi ngần ngại? Vì sự lo ngại mơ hồ rằng tôi không thể vượt qua. Thế có đúng là tôi không thể vượt qua? Tôi không có câu trả lời.

Như vậy thì phải thử, con vịt ạ. Chưa thử thì không thể biết. Tôi định một lần thử, nếu không thì sẽ suốt đời chấp nhận làm con vịt. Con vịt có ý nghĩa của nó, nhưng đó không phải là con thiên nga.

Cái gì biến tôi thành người viết chuyên nghiệp?
Trước tiên đó là thách thức của báo cáo học toán. Tôi đã suy nghĩ và quyết định thử một lần vỗ cánh, xem có giống thiên nga, hay rốt cục vẫn là vịt cỏ thuần chủng.

Tôi có 3 tuần để làm việc đó. Nhưng thay vì đọc các báo cáo mẫu của những học sinh giỏi kỳ trước, tôi đã lãng phí thời gian để chạy theo sở thích đọc của mình. Tôi đọc lại Dế mèn Phiêu lưu ký, tôi đọc thơ Léc-môn-tốp “Trường ca Ác quỷ” rồi đọc tiểu thuyết “Ánh Trăng” của văn học Nga… Chúng dường như không giúp ích gì cho cái báo cáo hóc hiểm ấy cả. Chúng chỉ làm tôi mất thêm thời gian, mà không tới gần cái đích báo cáo dù chỉ một xăng-ti-mét.

Tôi đã sai lầm. Việc tôi thực sự suy nghĩ nghiêm túc về báo cáo chính là sự nhích lại gần quan trọng nhất. Việc tôi nghĩ lan man, đọc lan man, nhưng lại nhắm tới mục tiêu báo cáo, chính là động tác quan trọng nhất dẫn tôi tới cái cầu môn cần sút bóng vào.

Khi bị ban giám hiệu giục nộp, chỉ còn 3 ngày nữa, với một số tiền đáng kể được thưởng thêm cho cái báo cáo đó (ngoài tiền giải thưởng) và một sự “mù tuyệt đối” với cái đích lẫn đường đi, tôi quyết định một sự liều lĩnh, không theo bất cứ tiêu chuẩn nào, mà mang hết cái kho tàng chữ của Tô Hoài, Tố Hữu, Pushkin, Léc-môn-tốp… vào cái công việc khô khan của toán học.

Tôi kết thúc với một bản báo cáo chẳng giống ai. Nó chạy từ dế đến tình yêu. Rồi nó móc từ tình yêu sang lý trí. Rồi nó bẻ ghi lý trí sang lô-gích. Thế rồi nó quay về với toán học. Và nó quay sang với nhà toán học Abel trong tình yêu cuộc sống… Một cái trận đồ bát quái, mà không một ai trong thầy giáo dạy toán tưởng tượng ra tôi lại mang đến trình bày. Một nồi lẩu chữ khó định nghĩa mầu, mùi, vị, lỏng hay đặc… Nhưng tôi còn nhớ tất cả đều yêu thích, và rất nhiều người xin nó để làm mẫu.

Lông vịt dài ra, và hình dáng lai thiên nga biết đâu đang được đúc.

Và tôi bắt đầu hiểu ra rằng, viết là một công việc của tất cả chúng ta, mỗi con người. Không viết, chúng ta bỏ đi một phần quan trọng với tư cách của con người. Không lột tả được ý tưởng của mình trên giấy, chúng ta ít nhiều khiếm khuyết gì đó.

Bởi lẽ phần đông cho rằng khiếm khuyết đó là tự nhiên, nên việc có ý định sửa chữa nó hầu như chỉ thoảng qua rồi biến mất. Một số người quyết tâm lấp đầy phần khuyết đó thường sẽ làm thành công, và nói chung là rực rỡ. Nhưng phải muốn cái đã!

Nguồn gốc là ý tưởng – Nghiêm túc với nó là phương tiện
Tôi bắt đầu nghĩ đến việc viết nhiều hơn. Mãi cho tới sau này, tôi gặp cái câu mà mỗi người cần phải gặp để tạo cho mình một phương hướng đúng đắn: “Viết là nghĩ trên giấy.”

Còn nghĩ thì là đủ thứ trên đời! Ai mà cắt nghĩa hết được. Nhưng rõ ràng, không tư duy thì thật khó lòng hoàn thành một bài viết tử tế, có chất lượng, có sức cuốn hút và tạo được ảnh hưởng với độc giả của mình.

Vậy thì phải học cách tư duy. Lô-gích và cảm xúc là hai thứ cần thiết để cho tư duy nảy nở, và bổ khuyết cho nhau. Thiếu lô-gích, chúng ta sa đà vào chủ nghĩa tự nhiên của các cảm xúc. Thiếu cảm xúc, chúng ta trình bày các sơ đồ khối chán ngắt, tốt mấy thì cũng không ai muốn “thưởng thức”.

Nhưng trước tiên và trên hết, chúng ta cần các ý tưởng đủ tốt. Ý tưởng thì nhiều lắm, và sau một hồi ngụp lặn trong các bài kiểm tra của dinh dưỡng suy nghĩ, chỉ còn một số ít có thể trở thành thực phẩm cho người khác xài một cách an toàn!

Khi trở thành một người làm chuyên môn, nguồn ý tưởng xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, khi đọc sách, lúc xem báo-tivi, sau một cuốn tiểu thuyết, lược dịch các nghiên cứu khoa học, quan sát sự kiện của thế giới kinh doanh. Có nhiều quá rồi, bây giờ chỉ còn việc lọc nó.

Việc lọc cần một lăng kính phân tích. Lăng kính này tách các sự kiện đã hợp nhất thành các góc nhìn và tính chất riêng lẻ. Thế rồi, theo ý muốn tự thân, chúng ta lại tìm cách tái hợp một số tia ánh sáng trong đó, chứng minh cái màu chúng ta muốn nhìn thấy là tồn tại thực, có lý và rất đáng để bị thuyết phục.

Để làm điều đó, chúng ta cần một sự nghiêm túc với ý tưởng của mình. Đi đến một ý tưởng rõ nét là một sự kỳ công, vì phải hình thành, thiết lập, bác bỏ… Không nghiêm túc, chúng ta không tự làm các động tác này. Mà nếu chúng ta không tự làm, không ai có thể bắt chúng ta làm (kể cả người trả lương). Và nếu như thế, không có lăng kính hay sự hợp nhất ánh sáng đơn lẻ nào được thực hiện. Cái bài viết ấy, rốt cuộc không tồn tại.

Tôi bắt đầu tập viết những thứ nghiêm túc từ năm 1993, tới giờ cũng đã nhiều năm, và vẫn đang tiếp tục tập các thể loại chưa từng tập. Có thể, trên đường đi, lại có một kiểu đặc trưng nào đó được biến thể từ các loại thường gặp, thì đó là sự vui mừng mỹ mãn. Không dễ nhưng có thể có hy vọng. Quan trọng là trong nỗ lực đó, tôi không được tự dập tắt hy vọng của mình.

Một trong nguồn sáng nuôi dưỡng hy vọng, niềm tin, và thậm chí khá là mâu thuẫn… là nuôi dưỡng cả sự nghiêm túc, đó chính là phẩm chất của sự hài hước. Hầu hết những người giao thiệp trước khi gặp đều tưởng tượng ra tôi là một tay khá “già”, mặt mũi quàu quạu (mà tôi hay gọi một cách thông tục là – gương mặt táo bón, xin thứ lỗi, nhưng sự thật là thế), và trầm ngâm một cách khó nhọc. Thực tế làm họ ngạc nhiên. Tôi luôn tạo ra các khoảnh khắc hài hước có thể. Chỉ cần giao tiếp trong một khoảng thời gian đủ dài (ví dụ trên 30 phút), chắc bạn sẽ có vài lần bật cười. Đó là cách tôi tìm kiếm sự sảng khoái, môi trường dinh dưỡng cho các cuộc đào thải của ý tưởng và cho phương tiện của nó được kích hoạt – quá trình nghiêm túc. Nghe thì thật mâu thuẫn. Nhưng thực tế là như thế.

Học viên trong các lớp của tôi thường xuyên bật cười vì cách lý giải chân thực, trào phúng của những hiện tượng toán học hay tài chính phức tạp, thường được xem là khô khan. Mang sự khô khan ấy lên slide, dám chắc bạn ở vị trí tôi sẽ nhận được nhiều cái ngáp dài vô tận. Lỡ có ai sái hàm, thì tôi ân hận vô cùng trong thời giá hiện nay. Sự hài hước, môi trường của ý tưởng, không khó khăn và quá tốn kém. Để có phẩm chất hài hước cũng không cần điều kiện gì đáng kể. Hoặc là bạn có thể cảm thụ sự hài hước và bật cười sảng khoái đúng lúc. Thi thoảng có người ngày hôm sau mới cười, họ thiệt hơn người khác mất một ngày. Hoặc là bạn có thể “truyền dẫn” sự hài hước. Kể lại một truyện cười hay một tình huống trào phúng xuất sắc cũng thể hiện một năng lực hài hước đáng kể, và tính sáng tạo trong công tác truyền dẫn dinh dưỡng sáng tạo. Hoặc là ở đỉnh cao hơn bạn có thể phóng tác (chữ đắt hơn sáng tạo) ra những thứ hài hước. Được cả ba thì tốt quá, nhưng đòi hòi như thế thì e cũng nhiều quá.

Tôi hiểu rằng, những chia sẻ này là không đầu không cuối. Cũng chưa tới đâu cả, vì tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Tôi là một người triển khai các nghiên cứu và trình bày chúng một cách chuyên nghiệp. Từ nỗ lực biến các phương trình lằng nhằng khó hiểu trở thành những phần thông tin hấp dẫn, tôi đang cố làm công việc chuyên môn của mình trong trạng thái người viết chuyên nghiệp. Có thể gọi như thế vì số lượng tác phẩm không hề nhỏ. Nhưng điều đáng nói hơn cả là tôi đang chia sẻ kinh nghiệm thực tế, mà nếu có giá trị với bạn trong việc lựa chọn quyết định trở thành thiên nga, thì sự cất cánh đẹp đẽ của Saga rõ ràng là kết cục hiển nhiên.

Chúc các bạn có những ngày tháng vui vẻ phía trước, và xin chào đón các ý tưởng của các bạn, được viết bằng dòng chữ điện tử trên Saga.

Cảm ơn đã đọc bài viết khá dài (mà vẫn chưa hoàn thiện) này.
(Viết tặng chú Trần Nguyên - SAGA)

Vương Quân Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét