12/12/08

Ứng xử với đối tác khi “sẩy miệng”!

Cho dù rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói thì cũng có lúc bạn “sẩy” miệng. Chương trình Chìa khóa thành công phát sóng trên VTV1 vào lúc 21h10, Thứ tư, ngày 12/11/2008 sẽ chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm ứng xử với các đối tác khi mình không may lỡ miệng.

Tình huống mà chương trình Chìa khóa thành công phát sóng vào tối Thứ tư tới đưa ra là hai nhân viên nữ trong lúc chờ thang máy để đi lên phòng họp với một đối tác quan trọng đã nói xấu người đối tác đó. Chuyện trở nên rắc rối hơn, khi người khách nữ đi cùng thang máy đã vô tình nghe được cuộc trò chuyện đó lại chính là vị đối tác trong cuộc họp sắp diễn ra. Trong tình huống này, bạn sẽ phải ứng xử như thế nào để không làm ảnh hưởng đến công việc chung của công ty cũng như cảm tình của đối tác dành cho mình? Chị Lê Thị Thu Hiền – nhân viên của một Ngân hàng tại Hà Nội cho rằng, nếu chị là người nhân viên đã lỡ nói xấu đối tác đó thì sau buổi họp chung chị Thu Hiền sẽ gặp riêng để xin lỗi người đối tác bị nói xấu. Chị Thu Hiền tin rằng, là phụ nữ với nhau thì sẽ dễ giải quyết hơn. Trong cuộc gặp riêng này, người nữ nhân viên đó nên thể hiện với đối tác tầm quan trọng của hợp đồng cũng như thời gian không còn nhiều. Đồng thời, bày tỏ việc mình còn thiếu kinh nghiệm trong công việc nên bị sức ép quá lớn do đó đã lỡ lời khi nói về đối tác. Bên cạnh đó, người nữ nhân viên kia cũng phải thể hiện được bản thân trong công việc là người hiểu công việc, nhanh nhẹn trong việc cung cấp tài liệu. Chị Thu Hiền nói: “Em nghĩ rằng, chị ấy sẽ hiểu và sẽ bỏ qua cho em với những lời nói không hay”.

Đối với cách ứng xử của chị Thu Hiền trong tình huống nêu trên, thạc sỹ Lê Kim Giang – Phó Trưởng văn phòng luật sư Hưng Giang “vặn” lại: “Nếu bạn đã xin lỗi mà đối tác vẫn không đồng ý thì sao?” Chị Thu Hiền trả lời: “Người ta nói đánh kẻ chạy đi không ai đành kẻ chạy lại. Trường hợp chị đối tác không đồng ý với lời xin lỗi và em vẫn tiếp tục làm việc và tìm hiểu kỹ hơn về đối tác. Khi mà em cố gắng hết sức nhưng chị ấy vẫn không chấp nhận thì mới nhờ đến sự can thiệp của trưởng phòng”.

Nhận xét về ứng xử củng chị Thu Hiền, thạc sỹ Lê Kim Giang cho rằng, việc xin lỗi sau không hợp lý lắm. Khi đã nói xấu thì nên xin lỗi công khai để chứng tỏ mình là người trung thực, biết nhận lỗi. Ở trong cuộc họp đó có trưởng phòng của mình, có đồng nghiệp của mình, họ sẽ giúp đỡ mình.

Đồng ý với quan điểm của thạc sỹ Lê Kim Giang, nhưng ông Thái Quốc Minh – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân Vina nói thêm, có nhiều các để xin lỗi, bạn nên xin lỗi trực tiếp nhưng không thể cứ thế mà đứng lên xin lỗi. Nếu không cẩn thận, bạn có thể làm cho đối tác mất cảm tình thêm vì nghĩ là vì hợp đồng này mà bạn mới xin lỗi. Nhưng nếu để sau cuộc họp mới xin lỗi thì quá muộn. “Bạn có thế mạnh ở việc chuẩn bị tài liệu nên cố gắng trình bày tốt nhất cho cả phía bạn và phía đối tác, để đối tác thấy, ngoài là con người nói xấu lúc nãy bạn còn là người giỏi về chuyên môn” - ông Thái Quốc Minh khẳng định – “Là một người kinh doanh thì không ai vì một lời nói xấu cá nhân mà bỏ qua cơ hội hợp tác tốt cho công ty của mình”.

Tuy nhiên, bà Ngô Thanh Thủy – Giám đốc khối định chế tài chính Ngân hàng ANZ thì cho rằng, nếu cuộc họp đó chưa phải là cuộc họp cuối cùng thì cuộc gặp mặt xin lỗi sau cuộc họp đó là cần thiết. Bà Ngô Thanh Thủy nói: “Giữa hai người phụ nữ với nhau nếu có một cuộc gặp nói chuyện với nhau rất chân thành thì nếu tôi là đối tác đó, tôi sẽ bỏ qua cho bạn để tiếp tục hợp tác”.

Mỗi người có một quan điểm riêng trong cách ứng xử khi không may “sẩy miệng”, cái quan trọng là phải làm thế nào để sai lầm nhỏ đó không phải là nguyên nhân chính gây ra “thảm họa” với hợp đồng của công ty bạn. Chi tiết độc giả có thể đón xem thêm chương trình Chìa khóa thành công phát sóng vào tối Thứ tư tới trên VTV1 và tham khảo thêm tại: http://chiakhoathanhcong.vtv.vn và http://www.dddn.com.vn.
Thủy Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét