3/12/08

PR trong giáo dục: "Cạnh tranh nhung"

(VNAD) - “Mở cửa” thị trường giáo dục vào năm 2009 theo cam kết khi gia nhập WTO vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức cho các trường đại học ở Việt Nam. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chuyện quan hệ công chúng (PR) ở các trường đại học ngày càng trở nên “nhạy cảm”.

Tham gia cuộc thi "Sinh viên khởi nghiệp" đã chứng tỏ hiệu quả đa dạng cách PR của Trường đại học Ngoại Thương

Thế nhưng, các trường đại học Việt Nam lại chưa quan tâm và tận dụng đúng mức loại hình PR này. Trong khi đó, các trường đại học nước ngoài lại rất chú trọng. Lấy ví dụ từ Trường đại học quốc tế RMIT trong suốt 5 năm qua đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu cũng như niềm tin của người Việt Nam. Trước xu thế đó, cuộc đua thông tin giữa các trường âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt được ví như cuộc “cạnh tranh nhung” đang thực sự diễn ra.

“Đói” kinh phí” - không là vấn đề!

Hiện nay vẫn không ít trường bảo thủ cho rằng: không cần PR thì trường của mình cũng không thiếu thí sinh dự thi, điểm chuẩn vẫn cao... Thêm nữa, trong khi mức học phí còn thấp như hiện nay thì nhiều trường cũng không đủ điều kiện chi phí cho truyền thông... Thậm chí, nhiều trường hoạt động theo cách “hữu xạ... tự nhiên hương”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Triệu - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường đại học Ngoại thương khẳng định: “Kinh phí ư? Trường nào cũng trong tình trạng “đói kinh phí” cả. Nhưng không vì thế mà không khắc phục được. Kinh phí nhiều quá có khi lại tạo nên sức ì cũng nên. Tôi cho rằng trường đại học nào cũng đều nhận thức được tầm quan trọng của việc truyền thông, chỉ chưa thực hiện được thôi”.

Phó hiệu trưởng một trường đại học cho biết: “Giáo dục cũng cần phải quan hệ với công chúng. Đặc biệt là những trường đang phấn đấu đạt trường chuẩn quốc tế thì việc PR lại càng quan trọng và có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Thế giới người ta đã tiến xa và mạnh rồi, mình bây giờ mới tiến hành nên phải tăng cường mạnh hơn nữa”.

Trường đại học Ngoại thương là một ví dụ tiêu biểu, trường đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) truyền thông nhằm quảng bá “thương hiệu” trường mình. Nói về tầm quan trọng của việc PR ở các trường đại học, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch CLB truyền thông cho biết: “Vẫn biết hiện nay có nhiều phương tiện truyền thông nhưng việc một trường đại học đưa thông tin trực tiếp sẽ mang tính chất đầy đủ và chính xác hơn. Thêm nữa còn thể hiện được sự quan tâm của trường đối với thế hệ trẻ”.

Tuấn còn tâm sự: “Bất kỳ một tổ chức nào hoạt động và để hoạt động được tốt thì đằng sau đó bao giờ cũng là vấn đề kinh phí. Thế nhưng, cố gắng làm tốt những công việc đề ra trong tổng số kinh phí nhỏ hẹp đó dần dần sẽ mở rộng được nguồn kinh phí”.

“Cộng sinh” cùng có lợi

Hoạt động của DN ngày càng hướng tới những hoạt động xã hội và cộng đồng mục đích để nâng cao thương hiệu và tìm kiếm nhân tài. Các DN, các quỹ đầu tư, các cá nhân, tổ chức sẵn sàng ủng hộ đầu tư cho những ý tưởng khả thi đột phá. Nhận thức được tầm quan trọng của công việc PR, thời gian gần đây các trường đại học không ngừng mở rộng việc đối ngoại. Nắm bắt tâm lý các sĩ tử để tổ chức những chương trình tư vấn tuyển sinh, tọa đàm với sự có mặt của các DN - họ cùng với nhà trường sẽ liên kết giới thiệu về ngành, nghề đào tạo của trường và công việc sau khi tốt nghiệp. Hình thức này nếu thực hiện tốt không chỉ có lợi về phía các trường đại học, các DN mà ngay cả những thí sinh cũng có những hiểu biết cần thiết cho việc lựa chọn ngành nghề tương lai.

Đơn cử, CLB Nhà DN tương lai (Đại học Ngoại thương Hà Nội) đã ký kết hợp đồng hợp tác cùng với Cty GE- Nhật Bản (ông Katsuno Hasegawa - đại diện quỹ học bổng “Kawai business strat-up”) để tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai”. Đây là một trong số rất nhiều hoạt động về kinh doanh, khởi nghiệp trong nhà trường do các sinh viên thuộc CLB Nhà DN tương lai đứng ra tổ chức. Không chỉ có vậy, CLB này còn kết hợp với cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp của Báo DđDN nhằm quảng bá... chất lượng sinh viên của mình. Và họ cũng không bị thất vọng vì sinh viên Trường Ngoại thương đã chiếm nhiều vị trí đáng nể. Một thành viên trong CLB truyền thông cho biết: “Hợp tác với quỹ học bổng Kawai, nhiệm vụ của chúng tôi là đưa thông tin về quỹ học bổng đến với các bạn sinh viên thông qua hệ thống VOF, qua các diễn đàn, tờ nội san “Sức trẻ”, phát tờ rơi... Ngược lại, bên phía Kawai sẽ giúp chúng tôi về mặt kinh phí để thực hiện tốt việc truyền thông đó”. Như vậy, cả hai phía tham gia đều được hưởng những quyền lợi nhất định phù hợp với mục đích của mình. Nếu như trước kia, tổ chức một cuộc thi ý tưởng kinh doanh, lập dự án khởi nghiệp thường là do một cơ quan, tổ chức nhà nước hay của một DN hoặc của một trường đại học nào đó đứng ra thực hiện thì nay, cả ba đơn vị này đã hỗ trợ hợp tác để cùng có lợi!

Quả là một công đôi việc, chiến dịch PR của các trường đại học lại đang vào mùa và cũng đang hứa hẹn bội thu.

Theo DĐDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét