12/12/08

Doanh nghiệp Việt Nam: Nhiều hay ít? - Yếu hay khỏe?

Mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi khá cởi mở về mục tiêu đạt số lượng 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010 cũng như về “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ chập chững “bơi” ra biển lớn.

- Thưa ông, những khó khăn hiện nay của nền kinh tế liệu có làm cho mục tiêu có được 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010 trở nên bất khả thi?

Tôi không cho là như vậy. Mục tiêu đặt ra là hoàn toàn khả thi, vấn đề là quan niệm về doanh nghiệp và cách làm mới. Bên cạnh việc khuyến khích đầu tư, thành lập các doanh nghiệp mới hiện nay chúng ta đang có 3 triệu hộ kinh doanh, nếu có chính sách phù hợp tạo điều kiện, khuyến khích các hộ này chuyển thành doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể đạt con số 500.000 doanh nghiệp.

- Nhưng, như ông đã thấy, đại diện nhiều doanh nghiệp, kể cả 100% vốn trong nước và có vốn nước ngoài đều đang đồng thanh "than thở" rằng môi trường đầu tư kinh doanh hiện có biến động và chi phí đầu tư tại Việt Nam đang tăng mạnh?

Một mặt phải công nhận rằng, quả thực chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn. Ngoại trừ chi phí lao động, tiền lương còn tương đối rẻ, các chi phí khác về giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, chi phí giao dịch và thậm chí cả những chi phí không chính thức... đều đang tăng đáng kể. Chính vì thế mà tôi thuộc nhóm ý kiến đề nghị giảm thuế suất chung thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 25% và có một lộ trình tích cực giảm xuống thấp hơn để thu hút đầu tư. Tất nhiên có nước đang áp dụng mức cao hơn, có nước thấp hơn, cái đó tùy thuộc vào môi trường đầu tư kinh doanh và khả năng ngân sách của họ.

Không nên nghĩ đơn giản là các khoản doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách, cho xã hội chỉ nằm ở thuế TNDN. Giảm thuế TNDN có thể dẫn tới giảm thu ở chỗ này, nhưng lại khuyến khích đẩy mạnh đầu tư hơn, làm tăng nguồn thu ở chỗ khác do hoạt động kinh doanh sôi động của doanh nghiệp, chưa kể những tác động tích cực về mặt xã hội. Chính sách thuế phải tòan diện như vậy.

Trước mắt môi trường kinh doanh và họat động của doanh nghiệp còn rất nhiêều khó khăn, nhưng triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất sáng sủa, vì những yếu tố tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam rất lớn. Chẳng hạn xu thế mở cửa hội nhập tạo ra luồng gió mới cho phát triển dài hạn. Việc thắt chặt chính sách tín dụng kiểm sóat đầu tư công có thể làm nguội đi sự phát triển bong bóng của thị trường bất động sản và chứng khoán, "lọc" bớt các nhà đầu cơ ngắn hạn, "chụp giật" trên các thị trường này, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn cho doanh nghiệp cạnh tranh thực sự bằng tài năng, bằng chiến lược kinh doanh đúng đắn, dài hạn. Các thị trường này phát triển nóng một cách bất thường trong thời gian qua đã không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu vào sản xuất, đổi mới công nghệ.

Tóm lại, những khó khăn hiện nay, theo tôi, là ngắn hạn. Đây không chỉ là nhận xét chủ quan, mà cộng đồng kinh doanh quốc tế cũng nghĩ như vậy, bằng chứng là dòng vốn đầu tư nước ngòai vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.

Có thể coi những khó khăn trước mắt như một bài học cho việc bước vào nền kinh tế thị trường thực sự, nó giúp các doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn bối cảnh chung cũng như năng lực thưc sự của mình để có những nỗ lực thực sự hơn.

- Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy đang ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn còn vì sức khỏe nội tại của họ yếu, khả năng quản trị kinh doanh không cao; thể hiện qua hệ số đầu tư ICOR lên tới 4,5; cao hơn hẳn các nước có điều kiện tương đương?

ICOR cao một phần quan trọng là do đầu tư của nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả. Cái này có yếu tố khách quan là cơ sở hạ tầng của ta yếu kém, nhu cầu đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng cũng làm cho ICOR cao. Ngòai ra,phải nói thẳng là nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn làm ăn không hiệu quả - tình trạng này đã được cảnh báo nhiều. Đối với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước thì vừa qua một lượng vốn khá lớn bị hút vào thị trường chứng khoán và bất động sản theo kiểu đầu cơ ngắn hạn với mục đích kiếm lời nhanh.

- Theo ông, công tác quản lý nhà nước cần chuyển biến theo hướng nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh?

Quan trọng nhất là cùng với việc kiềm chế lạm phát phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp. Sự không minh bạch và rườm rà về thủ tục hiện vẫn là chuyện làm cho doanh nghiệp đau đầu nhất vì tốn kém thời gian và chi phí. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực điều tiết vĩ mô về thị trường và giá cả trong điều kiện hội nhập. Chúng ta phải sử dụng các công cụ tài chính - tiền tệ thuần thục hơn, không để các thị trường "nóng" lên, "nguội" đi một cách tự phát. Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực và lưu ý phát triển công nghiệp phụ trợ, không thể tiếp tục phát triển theo chiều rộng.

- Xin cảm ơn ông.

Theo DĐDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét