12/12/08

Truyền thông và ngoại giao văn hóa

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và vị thế ngày càng nâng cao của đất nước, việc đẩy mạnh ngoại giao văn hoá - một trong 3 trụ cột quan trọng của Ngoại giao đang trở thành nhu cầu tất yếu đối với Việt Nam. Thông tin và Truyền thông là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong công tác đẩy mạnh ngoại giao văn hoá.
Tuần Việt Nam trích giới thiệu tham luận tại Hội nghị ngoại giao tuần qua của Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn.

Với một đất nước có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, ngoại giao văn hoá sẽ tạo dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, phát triển năng động; mến khách, có một nền văn hoá độc đáo, đa dạng, giàu bản sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ảnh: VNN

Ngoại giao văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, vì nó vừa là nền tảng tinh thần, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam; bổ trợ rất hữu hiệu cho các trụ cột khác, tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại phát huy tốt nhất sức mạnh dân tộc và kết hợp hiệu quả với sức mạnh thời đại.

Đối với một nước vừa và nhỏ, muốn tồn tại và phát triển thì càng phải phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó nhân thêm sức mạnh của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giành được sự coi trọng của các nước và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Bàn về Ngoại giao văn hóa
Ngoại giao “phở” tại xứ sở của phở
Ngoại giao văn hóa và hình ảnh "người Việt xấu xí"
"Mảnh đất ngoại giao văn hóa mới chỉ xới lên"
Nâng hàm lượng văn hóa trong ngoại giao
Cuộc đua trình diễn vẻ đẹp "tâm hồn quốc gia"

Cần hiểu rõ khái niệm văn hoá và chức năng văn hoá khi thực hiện nhiệm vụ ngoại giao văn hoá. Văn hoá là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội.

Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hoá gồm những chức năng như: Giáo dục, Nhận thức, Thẩm mỹ, Giải trí. Vì sự phát triển và hoàn thiện con người và xã hội là mục tiêu cao cả của văn hoá.

Tiếp xúc và giao lưu văn hoá là cốt lõi của ngoại giao văn hoá. Giao lưu văn hoá là sự trao đổi qua lại trong một quá trình lâu dài, trực tiếp giữa hai nền văn hoá của hai cộng đồng người khác nhau. Giao lưu văn hoá là sự vận động thường xuyên của văn hoá. Nó không chỉ là động lực phát triển của văn hoá mà còn là động lực của của sự tiến hoá xã hội.

Truyền thông và đại chúng trong việc đẩy mạnh ngoại giao văn hoá

Lực lượng truyền thông đại chúng rộng lớn ở Việt Nam như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điển tử. Với khả năng tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, rộng lớn các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò to lớn trong việc nâng cao dân trí, xây dựng các chuẩn mực lối sống, đạo đức, ứng xử tốt đẹp, bồi dưỡng nhân cách làm phong phú thêm đời sống văn hoá của toàn xã hội góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ngoại giao văn hoá.

Thông tin đại chúng là phương tiện truyền bá văn hoá, giáo dục văn hoá, bồi dưỡng năng lực sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mọi người. Trong quá trình công bố, truyền tải, lưu giữ đồng thời cũng làm chức năng tiêu thụ các sản phẩm văn hoá do các nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng sáng tạo nên. Đồng thời, góp phần quảng bá giới thiệu hình ảnh, đất nước con người, văn hoá Việt Nam với bạn bè thế giới và giới thiệu văn hoá các dân tộc trên thế giới với công chúng Việt Nam.
Ngoại giao văn hoá là con đường ngắn nhất, là cầu nối liên kết các dân tộc trên thế giới gần lại với nhau. Vì vậy, thông tin truyền thông phải đi trước một bước, phải thực sự là người lính xung kích mở đường cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khi tiến hành ngoại giao văn hóa.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin của Việt Nam và các nước thông tin, hình ảnh về đất nước, con người và văn hoá của các quốc gia trên thế giới để giúp cho nhân dân mỗi nước hiểu rõ hơn bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, làm tiền đề cho công tác ngoại giao văn hóa.

Thường xuyên mời và trao đổi các đoàn phóng viên báo chí của các loại hình báo chí trực tiếp đến Việt Nam tiếp xúc, khai thác và giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng của nước bạn những thông tin và hình ảnh của đất nước để giúp nhân dân các nước hiểu rõ hơn đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở các nước để chủ động hơn nữa việc tổ chức mời, trao đổi, cung cấp thông tin để các phương tiện thông tin nước ngoài hiểu đầy đủ, toàn diện và có thái độ khách quan khi thông tin về tình hình nước ta.

Nâng cao hơn nữa trình độ mọi mặt, sự hiểu biết về văn hóa của các dân tộc trên thế giới cho đội ngũ nhà báo Việt Nam, góp phần làm tốt hơn vai trò là người xung kích trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền về ngoại giao văn hoá.

Phát huy lợi thế của báo chí điện tử, trang tin điện tử trên mạng internet để làm nhiệm vụ tuyên truyền về văn hoá và ngoại giao văn hoá. Tranh thủ các kênh để đưa báo chí, sách Việt Nam ra nước ngoài. Chủ động tham gia các Hội chợ sách báo quốc tế để quảng bá, giới thiệu văn hoá Việt Nam.

* Đỗ Quý Doãn (
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét